Mẹ và Con - Bệnh tim mạch là một trong những nguy cơ gây giảm tuổi thọ hàng đầu ở người cao tuổi. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, người bệnh có thể chung sống hòa bình với bệnh nhờ một vài nguyên tắc về dinh dưỡng - vận động như sau:

Tết cổ truyền là một tập tục đáng trân trọng của bao thế hệ con Rồng cháu Tiên. Vào dịp này ai cũng mong những người thân yêu của mình luôn khỏe mạnh và vui vẻ. Và trong vô vàn những điều tốt đẹp mà bạn có thể mang đến cho bố mẹ của mình, Tạp chí Mẹ và Con xin mách cho bạn thêm một số nguyên tắc về dinh dưỡng, vận động để những người thân yêu có thể đón tết mà không lo tăng nguy cơ bệnh tim mạch nhé.

bệnh tim mạch ở người cao tuổi

Bệnh tim mạch – nỗi lo không thể bỏ qua ở người cao tuổi

Quá trình lão hóa khiến tim “mệt mỏi”

Dòng thời gian ngoại trừ để lại những vết đồi mồi trên da, còn để lại cả những ấn tích khác trên các cơ quan của cơ thể. Những sự thay đổi này tuy không có hại, nhưng lại khiến những người thân yêu của bạn yếu hơn khi còn trẻ và có xu hướng “dễ bị bệnh”.

Một số các thay đổi trong tiến trình lão hóa bao gồm:

  • Mắt trở nên mờ hơn
  • Da xuất hiện những nếp đồi mồi, da cũng khô hơn và dễ bầm
  • Thoái hóa thần kinh khiến nửa nhớ nửa quên
  • Dễ bị đau lưng, cứng khớp, loãng xương
  • Cơ tim và mạch máu lắng đọng mô mỡ và vôi hóa khiến các mô này “cứng” hơn và các đáp ứng “nhanh nhạy” không còn như hồi trẻ
  • Hệ tiêu hóa giảm dần chức năng, dẫn đến biểu hiện kém hấp thu và dễ táo bón
  • Hệ tiết niệu dần trở nên kém kiểm soát hơn
  • Rối loạn chu kỳ kinh trong giai đoạn tiền mãn kinh và hậu mãn kinh

Tuy nhiên theo các nghiên cứu cho thấy, một chế độ sinh hoạt hợp lý sẽ giúp đảm bảo chất lượng cuộc sống.  

Các bệnh lý tim mạch sẵn có cũng bị làm nặng lên

Những bệnh nhân có sẵn bệnh tim mạch khi bước vào giai đoạn lớn tuổi nên được quan tâm nhiều hơn.

Bởi vì ở người bệnh có tiền căn tim mạch, cơ thể của họ đang ở trong trạng thái “đấu tranh” để duy trì “trạng thái bình thường mới” với căn bệnh mỗi ngày. Sự lão hóa ở người cao tuổi lại “vô tình” gây khó khăn cho việc đấu tranh này. Vì vậy, việc tạo và duy trì chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý là cách tối ưu để bảo vệ những người thân yêu của bạn.

yếu tố làm nặng bệnh tim mạch

Các yếu tố làm nặng tình trạng bệnh tim mạch ở người cao tuổi

Theo Hội tim mạch Koa Kỳ, có 2 nhóm yếu tố nguy cơ làm nặng bệnh tim mạch. 

Các yếu tố mà chúng ta không thể thay đổi là những yếu tố đi liền chúng ta như: 

  • Tuổi tác
  • Chủng tộc
  • Di truyền

Tuy nhiên cũng có một số các yếu tố mà chúng ta có thể thay đổi, và các nghiên cứu từ cổ chí kim của các hiệp hội tim mạch các quốc gia đều chứng minh được khả năng cải thiện tiên lượng sống một cách đáng nể.

Các yếu tố đó chính là:

Ít vận động và đi lại khiến trái tim quá “tĩnh tại”

Tim là bộ máy điều chỉnh, phân phối máu đến các cơ quan như cơ xương để đảm bảo mọi hoạt động hàng ngày của bạn diễn ra một cách trơn tru. 

Bạn sẽ dễ bắt gặp một ý kiến phổ biến đó là “người có bệnh tim mạch thì không nên làm việc nhiều sẽ làm tim yếu”. Ý kiến này không hẳn là không có phần chính xác, tuy nhiên với một tần suất hoạt động vừa phải, một cường độ vừa sức, thì việc hoạt động lại giúp tim:

  • Giải quyết các chất béo trong máu, có nguy cơ lấp đầy động mạch bằng mảng xơ vữa
  • Tăng sức dẻo dai cho tim và động mạch (thứ mà quá trình lão hóa làm ngược lại)

Các nghiên cứu về tim mạch đều cho thấy việc tập các bài tập cardio (như đạp xe, chạy bộ…) 30 phút/ngày, 5 ngày trong tuần lại giúp cái thiện sức khỏe tim mạch. Nhưng nếu người thân bạn có được chẩn đoán suy tim, thì hãy tập với cường độ vừa đủ, nghỉ khi thấy bắt đầu mệt nhé.

Những căng thẳng khó giãi bày

Áp lực hay stress là một trong số những yếu tố nguy cơ chiếm tỉ lệ lớn nhất mà cũng dễ tác động nhất. Càng lớn lên càng có nhiều chuyện để lo, nhất là với khi bạn ở nửa sườn sau của con dốc cuộc đời. Các cảm xúc tiêu cực cũng sẽ áp lên tim một “áp lực” như vừa mới bị “vắt kiệt sức” vậy. 

Dù là không nói ra nhưng ít nhiều sẽ có một vài cảm xúc sau đây lăn tăn trong đầu, và điều đó sẽ tác động xấu đến những người yêu thương của bạn.  

  • Sự cô đơn 
  • Cảm giác tụt lại phía sau
  • Trầm cảm
  • Cảm giác làm gánh nặng cho con cháu

Ăn nhiều muối gây hại cho tim mạch

Một chế độ ăn nhiều muối sẽ dẫn đến tình trạng cao huyết áp, vốn là một yếu tố nguy cơ nguy hiểm cho bệnh tim mạch. Khi huyết áp cao, các cơ quan nội tạng của bạn không thể nhận được lượng máu mà chúng cần, dần dần sẽ dẫn đến các biến chứng của bệnh tim mạch. 

Nếu huyết áp của bạn hay người thân tăng cấp kỳ từ 180/100 đến 200/120 trở lên thì nguy cơ tổn thương não rất cao. Những lúc này, bạn và người thân sẽ cần phải đến bệnh viện nhanh nhất có thể.

Tình trạng tăng mạn tính sẽ làm suy các tạng mạn tính như suy thận (hội chứng tim – thận), mệt mỏi kéo dài… Do đó bạn sẽ cần dùng các loại thực phẩm dành riêng cho người cao huyết áp.

dinh dưỡng vận động cho bệnh tim mạch

Chất béo tốt – chất béo xấu

Chất béo trong cơ thể có vai trò giữ ấm và dự trữ năng lượng. Tuy nhiên khi ở trong mạch máu, chức năng của chúng không còn “tốt” như vậy nữa. Mỡ trong máu cao sẽ đến bám ở thành mạch, dẫn đến tình trạng động mạch bị xơ vữa. 

Khi mạch máu tim hay mạch vành bị xơ vữa, quả tim không đủ máu nuôi. Hậu quả đưa đến là biến chứng nặng hàng đầu của tim… đó là nhồi máu cơ tim. Chất béo “xấu” thường hay “ngao du” trong máu bạn đó chính là chất béo no hay béo bão hòa (có nhiều trong mỡ động vật). Ngược lại, dầu thực vật lại chứa một hàm lượng cao nhất béo “chưa” no. Chỗ “chưa” no này là một vị trí để các tế bào dễ dàng chuyển đổi và mang chúng ra khỏi mạch.

Bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường

Tim mạch và tiểu đường là một đôi bạn cùng “lùi”. Điều này có nghĩa là cả 2 bệnh lý này đều góp phần làm nặng thêm cho nhau. Lượng đường trong máu cao dẫn đến xơ hóa thành mạch và giảm máu đến các cơ quan, vốn là điều mà bệnh tim mạch cũng đang “làm”. 

Chính vì vậy mà bạn sẽ cần phải động viên các thành viên trong gia đình đến tái khám nội tiết đều đặn, cũng như sự tiết chế ăn uống hợp lý khi đang mắc bệnh tiểu đường.

tiểu đường và bệnh tim mạch

Nguyên tắc dinh dưỡng để ngăn ngừa bệnh tim mạch chuyển nặng

Làm sao để người có bệnh tim mạch có thể cải thiện tình trạng bệnh? Sau đây là một số lời khuyên đến từ các chuyên gia tim mạch của Âu châu:

  • Điều chỉnh tổng mức năng lượng cung cấp từ bữa ăn phù hợp
  • Tránh dùng chất béo, nhất là dạng béo béo hòa và cholesterol, thay vào đó bạn có thể dùng các acid béo đến từ thực vật, nhóm đậu, ngũ cốc,…
  • Ăn nhiều chất xơ từ rau và trái cây
  • Giảm muối – với mẹo “nếu đã nêm đồ ăn thì không chấm thêm và ngược lại” 
  • Dùng thực phẩm giàu vi khoáng như calci, magie…
  • Dùng đủ nước
  • Vận động hợp lý – 30 phút một ngày, 5 ngày trong tuần
  • Tránh cồn và chất kích thích
  • Tái khám và kiểm soát bệnh lý nền thường xuyên

Bệnh tim mạch là một trong nhưng nỗi ưu phiền thế kỷ. Tuy nhiên với sự động viên đúng cách từ các thành viên gia đình, thì khả năng có một tiến trình “lão hóa thành công” và giữ được thể trạng khỏe mạnh tăng lên đáng kể. Còn gì tuyệt vời hơn khi mỗi dịp tết đến xuân về có tiếng ông tiếng bà và lũ cháu xôn xao?

Hi vọng những nguyên tắc trên từ Mẹ và Con sẽ giúp bạn thêm yêu thương và sẻ chia cùng những người yêu kính của mình một cách hiệu quả! 

Bài viết liên quan