Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng sử dụng phổ biến trong sản khoa chính là cứu tinh của mẹ bầu, giúp giảm cảm giác đau đớn trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định gây tê ngoài màng cứng cho người bệnh trước khi phẫu thuật để giảm đau trong và sau khi phẫu thuật.
Vậy gây tê ngoài màng cứng có an toàn hay không? Đối tượng nào được gây tê ngoài màng cứng và đối tượng nào không nên thực hiện phương pháp này? Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.
Gây tê ngoài màng cứng là gì?
Gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật đưa thuốc vào khoang ngoài màng cứng (không gian xung quanh các dây thần kinh cột sống).
Bên trong ống cột sống chính là tủy sống, gồm 3 lớp màng là màng cứng nằm ngoài cùng, màng nhện nằm ở giữa và màng nuôi nằm bên trong. Thuốc tê sẽ chỉ được tiêm vào khoang ngoài màng cứng và có công dụng ức chế dẫn truyền cảm giác đau về sừng sau tủy sống. Tùy theo liều lượng và nồng độ thuốc tê do bác sĩ gây mê hồi sức chỉ định mà cơn đau sẽ được giảm ít hoặc nhiều.
Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm bởi thông thường, bác sĩ sẽ tiêm một lượng thuốc đủ để phương pháp gây tê trên trục thần kinh trung ương này giúp giảm đau đáng kể, hầu như không còn cảm giác đau trong lúc sinh. Gây tê ngoài màng cứng được sử dụng trong các trường hợp:
- Tiêm cho phụ nữ mang thai để giảm đau khi chuyển dạ và sinh con
- Tiêm cho người bệnh trước những cuộc phẫu thuật lớn
Lợi ích của phương pháp gây tê ngoài màng cứng
Phương pháp gây tê ngoài giảm cứng được xem là một trong những giải pháp giảm đau tối ưu cho phụ nữ khi sinh con. Các thống kê cho thấy, có đến khoảng 50% thai phụ lựa chọn phương pháp giảm đau này để giảm nhẹ cơn đau từ lúc chuyển dạ cho đến lúc vượt cạn.
Với phương pháp gây tê ngoài màng cứng, thai phụ sẽ được giảm đau nhưng không mất hoàn toàn cảm giác ở vùng thân dưới nên vẫn có thể di chuyển trên giường bệnh và rặn sinh bé như mình thường. Vì không quá đau đớn khi sinh nên sản phụ không bị mất sức, không bị ám ảnh bởi các cơn đau thắt khi chuyển dạ và sinh con nhẹ nhàng, dễ dàng hơn.
Với phương pháp gây tê ngoài màng cứng, thuốc chỉ nằm ở ngoài khoang màng cứng và không đi qua nhau thai, không làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Gây tê ngoài màng cứng có đau không?
Khi gây mê, bác sĩ sẽ sử dụng bộ dụng cụ chuyên dùng có thuốc gây tê tại chỗ ở vùng đi kim. Do đó, quá trình tiêm thuốc gây tê màng cứng, sản phụ sẽ cảm thấy thốn nhẹ vùng lưng, châm chích như kiến cắn hoặc thậm chí có người còn không cảm thấy đau.
Sau đó, ống catheter mỏng và mảnh sẽ được bác sĩ luồn vào trong khoang màng cứng và cố định ở lưng. Thuốc sẽ được đưa vào khoang màng cứng liên tục thông qua ống thông này và rút ra sau khi quá trình vượt cạn kết thúc.
Gây tê ngoài màng cứng có gây đau lưng không?
Nhiều chị em cho rằng việc gây tê trong quá trình sinh nở có thể gây đau lưng do bác sĩ thao tác trực tiếp ở vùng lưng của sản phụ. Tuy nhiên, trên thực tế thì tình trạng đau lưng lại vô cùng hiếm gặp và thường nếu có cũng sẽ hết trong khoảng 2-3 ngày tính từ thời điểm gây tê.
Còn trường hợp nếu có bệnh lý về cột sống thì cơn đau sau khi gây tê ngoài màng cứng sẽ kéo dài hơn và cảm giác đau cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm rằng gây tê ngoài màng cứng không gây đau lưng sau sinh mạn tính.
Mặc dù có nhiều sản phụ sau sinh bị đau lưng nhưng các nghiên cứu đã cho thấy, tình trạng này có thể là do biến đổi cột sống khi mang thai, tổn thương dây chằng vùng cột sống lưng, do tư thế sinh hoạt khi mang thai chưa phù hợp,… chứ không phải đau lưng do gây tê ngoài màng cứng.
Những rủi ro có thể gặp phải khi gây tê ngoài màng cứng
Khi gây tê ngoài màng cứng có thể gặp một số biến chứng hoặc rủi ro như hạ huyết áp, tụ máu ngoài màng cứng, nhiễm trùng, ngộ độc thuốc, thủng màng cứng,… Ngoài ra, trường hợp tiêm thuốc gây tê ngoài màng cứng có thể gặp một số tác dụng phụ như:
- Đau đầu
- Đi đứng, vận động khó khăn (trong vài giờ đầu tiên khi gây tê)
- Có vết bầm ở vị trí gây tê
- Vị trí gây tê cảm thấy đau, châm chích
Tuy nhiên, không nên quá lo lắng bởi việc gây tê màng cứng thực chất rất an toàn, những rủi ro kể trên thường hiếm gặp và tỷ lệ sản phụ gặp biến chứng cũng cực kỳ nhỏ. Còn các tác dụng phụ gặp phải sau khi tiêm cũng thường biến mất sau vài giờ và tối đa là 2 ngày sau khi tiêm, không để lại tác dụng phụ kéo dài.
Đối tượng nào không nên gây tê ngoài màng cứng?
Hầu như tất cả thai phụ khi bước vào quá trình chuyển dạ đều có thể gây tê ngoài màng cứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu rơi vào một trong những nhóm đối tượng sau thì có thể không được gây tê ngoài màng cứng:
- Bị rối loạn đông máu
- Dị ứng thuốc tê
- Vùng da thắt lưng đang nhiễm trùng
- Nhiễm trùng huyết
Nhìn chung, phương pháp gây tê ngoài màng cứng là một phương pháp giảm đau an toàn, giúp hành trình vượt cạn trở nên dễ dàng hơn. Phương pháp này không để lại biến chứng nguy hiểm nên đừng quá lo lắng bạn nhé!