Khi nào được xem là sinh non?
Thông thường, mẹ bầu có sức khỏe ổn định trong suốt thai kỳ sẽ sinh em bé từ tuần 38 – 40. Trường hợp em bé chào đời từ tuần 28 – 37 (tính theo ngày đầu kỳ kinh gần nhất) thì được xem là sinh non (hay còn gọi là sinh sớm). Dựa vào những thông tin này, mẹ bầu có thể tự tính tuổi thai của bé yêu và cẩn thận hơn trong việc nuôi dưỡng thai nhi qua ngưỡng ít nhất là 38 tuần tuổi.
Điểm mặt “kẻ thù” gây sinh non
Mẹ bầu cần biết là trên 50% trường hợp chuyển dạ sinh non không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia xếp 3 nhóm phụ nữ có nguy cơ sinh non gồm:
– Nhóm thứ nhất: Gồm nguy cơ do thai như mẹ bầu mang đa thai (thông thường, đối với đơn thai thì thời gian mang thai trung bình khoảng 280 ngày nhưng song thai là 261,5 ngày và tam thai là 246,5 ngày), nước ối quá nhiều làm cho tử cung căng to quá mức kích thích tạo những cơn gò dễ dẫn đến chuyển dạ sớm.
– Nhóm thứ hai: Dobất thường của tử cung (u xơ tử cung to, hở eo tử cung, tử cung ngắn). Bên cạnh đó, mẹ bầu mắc bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, viêm nhiễm âm đạo…, thai phụ nhẹ cân hoặc thừa cân khi mang thai, bệnh nhiễm trùng toàn thân gây sốt cao hoặc có phẫu thuật vùng bụng trong thời gian mang thai cũng tăng nguy cơ sinh non.
– Nhóm thứ ba: Do một số thói quen như mẹ bầu không khám thai thường xuyên, dinh dưỡng kém, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lao động nặng trong thời gian mang thai hoặc tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.
Dấu hiệu báo sinh non
Khi có những dấu hiệu “lạ” dưới đây, mẹ bầu đừng lơ là mà hãy sớm gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời:
– Xuất hiện các cơn co thắt vùng bụng dưới (nhiều trường hợp kèm với triệu chứng chảy máu âm đạo).
– Có sự thay đổi ở cổ tử cung được nhận định trong nhiều lần khám liên tiếp.
– Mẹ bầu bị vỡ ối.
– Ra máu âm đạo.
– Tử cung gò cứng hoặc nhau bong non, đặc biệt mẹ bầu cần lưu ý những cơn gò tử cung thường xuất hiện sau khi quan hệ.
– Đau âm ỉ phần lưng dưới eo kèm những cơn co thắt hoặc vùng kín tiết dịch bất thường.
– Đau lưng liên tục.
– Khâu eo tử cung trong trường hợp cổ tử cung ngắn hoặc hở eo tử cung
Ngăn ngừa sinh non
Hiện nay đã có một số loại thuốc có tác dụng ngăn chặn chuyển dạ sinh non nhưng không phải lúc nào cũng đạt kết quả như mong muốn. Vì vậy, trước tiên mẹ bầu phải “phòng bệnh” bằng cách tuân thủ một số phương pháp hữu hiệu sau:
– Khám thai đều đặn.
– Bổ sung vitamin tổng hợp trước và trong thai kỳ.
– Chế độ ăn uống cân bằng và hợp lý.
– Bổ sung đủ nước mỗi ngày (trên 2 lít).
– Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh những công việc nặng nhọc.
– Giữ vệ sinh vùng kín.
– Kiểm soát cân nặng hợp lý.
– Tránh thực phẩm, thuốc cũng như chất có thể gây hại cho thai nhi, đồng thời có thể thường xuyên vận động nhẹ nhàng như: đi bộ, hoặc thực hiện các động tác duỗi tay chân…