Mẹ và Con - Kỹ năng giải quyết vấn đề giúp trẻ tự giải quyết hiệu quả những khoảnh khắc khó khăn trong cuộc sống mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ của mình.

Trẻ em sẽ có nhiều cơ hội để tìm hiểu về thế giới khi chúng lớn lên. Tuy nhiên, trẻ cũng sẽ thường xuyên gặp phải các vấn đề, cho dù đó là áp lực từ bạn bè, các phép tính số học khó nhằn hay bất đồng với chính người thân trong gia đình. Có được kỹ năng giải quyết vấn đề giúp trẻ có thể đối phó hiệu quả với những tình huống như vậy.

Tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề đối với trẻ em

Giải quyết vấn đề mang lại lợi ích cho trẻ em theo nhiều cách:

  • Đương đầu với những thách thức trong cuộc sống hàng ngày.
  • Đưa ra quyết định hiệu quả.
  • Tiếp thu các kỹ năng khác, chẳng hạn như hợp tác, tư duy phản biện.
  • Ít gặp căng thẳng khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.
  • Nâng cao tính sáng tạo.
  • Dạy trẻ tự lập hơn.

Tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề

Làm thế nào để trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề?

Dưới đây là một số cách để khuyến khích trẻ sử dụng các kỹ năng giải quyết vấn đề của chúng.

Chấp nhận khó khăn

Bất cứ khi nào con bạn gặp phải một vấn đề nào đó, hãy yêu cầu trẻ thừa nhận vấn đề và chấp nhận thử thách. Chỉ khi trẻ đối mặt với vấn đề thì mới có thể tìm được cách phù hợp để xử lý chúng.

Việc lảng tránh khi gặp vấn đề sẽ khiến trẻ không thể nào giải quyết được khó khăn của mình mà thậm chí còn tạo nên tâm lý sợ hãi với những điều sẽ xảy ra hoặc sắp sửa xảy ra. Lúc này, khi đứng trước một tình huống nào đó, trẻ sẽ có xu hướng nghĩ đến những tình huống xấu và tiêu cực thay vì chọn cách tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

Tốt nhất ngay từ giai đoạn đầu tiên hướng dẫn cho trẻ về kỹ năng giải quyết vấn đề, hãy để trẻ chấp nhận được khó khăn của mình.

Hít một hơi thật sâu

Một trong những bước đầu tiên để giải quyết vấn đề hiệu quả là giữ bình tĩnh. Ngay cả với những người lớn tuổi, khi cảm xúc vượt quá tầm kiểm soát, họ cũng khó nhìn nhận mọi việc một cách lý trí và thường có xu hướng đưa ra những quyết định bốc đồng hơn.

Vì thế, điều quan trọng khi dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề chính là hãy hướng dẫn con cách hít thở sâu mỗi khi trẻ cảm thấy mất kiểm soát về mặt cảm xúc. Một khi trẻ bình tĩnh, trẻ có thể đánh giá tình hình tốt hơn và đưa ra hướng xử lý hiệu quả hơn.

cách giải quyết vấn đề

Diễn đạt vấn đề

Sẽ có ích cho trẻ nếu trẻ biết bày tỏ bằng lời cảm giác của mình và những gì đang phải vật lộn sau khi đã bình tĩnh lại. Nói ra những gì mình đang gặp phải sẽ giúp trẻ thể hiện được quan điểm của mình và đưa ra được hướng xử lý phù hợp hơn. 

Vì thế, để dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề thì hãy để con bắt đầu bằng cách diễn đạt vấn đề của mình bạn nhé!

Đưa ra nhiều hướng giải quyết khác nhau

Nếu bạn muốn hướng dẫn trẻ về kỹ năng giải quyết vấn đề, hãy để trẻ được thử tiếp các cách tiếp cận khác nhau. Điều này sẽ khuyến khích trẻ xem xét một vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, làm tăng tư duy sáng tạo của trẻ và giúp con linh động hơn trong những tình huống con phải đối mặt.

Xin lời khuyên

Đôi khi, cả người lớn cũng có thể phải vật lộn để đưa ra quyết định trong cuộc sống hàng ngày của mình. Vì thế, chẳng có việc gì sai nếu chúng ta xin lời khuyên từ người khác.

Khi giúp con phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, bạn hãy nhấn mạnh với con rằng con không phải là người duy nhất gặp phải vấn đề và việc xin lời khuyên từ người khác là hoàn toàn bình thường. Con có thể hỏi ý kiến từ bố mẹ, thầy cô giáo, bạn bè của con,…

Tuy nhiên, để con có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt nhất, đừng quên dặn dò con rằng tất cả những lời khuyên từ mọi người cũng chỉ mang tính chất tham khảo. Con có thể nghe, chọn lọc và đưa ra quyết định của mình dựa trên góp ý của mọi người.

cách dạy con

Không cung cấp “câu trả lời”

Mặc dù rất khó để chứng kiến ​​con bạn vật lộn với một vấn đề nào đó nhưng đừng đưa ra câu trả lời ngay lập tức cho trẻ vì nếu bạn làm vậy, trẻ sẽ có xu hướng ỷ lại và không thể tự giải quyết vấn đề của mình.

Thay vào đó, nếu bạn muốn trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, hãy đưa ra cho trẻ những gợi ý để giúp trẻ giải quyết vấn đề một cách độc lập. Bằng cách này, trẻ có thể học cách tự đưa ra các giải pháp sáng tạo mà không phụ thuộc quá nhiều bằng người khác.

Làm gương cho con

Trẻ em giống như miếng bọt biển và tiếp thu mọi thứ rất nhanh. Vì vậy, khi bạn đối mặt với một vấn đề và đưa ra một giải pháp hiệu quả, trẻ sẽ chú ý đến cách bạn giải quyết vấn đề và cố gắng bắt chước bạn.

Cho phép các hậu quả được diễn ra

Đôi khi, để vấn đề tự diễn ra là cách tốt nhất để giải quyết. Vì vậy, khi con bạn phải đối mặt với một vấn đề, cứ hãy để mọi thứ diễn ra và đừng quá lo lắng về hậu quả nếu chúng không quá nghiêm trọng hay ảnh hưởng đến người khác.

Trẻ có thể thấy hậu quả và nghĩ ra cách để xử lý những hậu quả đó và có những trải nghiệm trong cuộc sống.

Các hoạt động giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề

Giải câu đố

Một trong những hoạt động giúp nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề tốt nhất cho trẻ em là giải câu đố. Chúng có nhiều mức độ khó khác nhau. Dựa trên độ tuổi của con bạn, bạn có thể chọn những câu đố phù hợp nhất. 

Đưa cho trẻ một câu đố, và trẻ sẽ học cách phân tích vấn đề/câu hỏi, tìm ra các cách giải khác nhau và đi đến giải pháp.  Ngoài ra, hoạt động này sẽ giúp cải thiện kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng vận động thô và phối hợp tay mắt.

Trẻ có thể cảm thấy thất vọng khi không thể giải câu đố một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, hãy khuyến khích trẻ vượt qua những cảm xúc này và hoàn thành nhiệm vụ. Việc giải câu đố sẽ giúp con phát triển tính kiên trì và dạy trẻ tầm quan trọng của việc không bỏ cuộc.

Sách truyện

Nếu bạn muốn tìm hoạt động để trẻ cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề, hãy để trẻ đọc sách truyện nhiều hơn. Đọc sách mang lại rất nhiều lợi ích. Một trong số đó là giải quyết vấn đề. Khi trẻ em đọc sách truyện, trẻ bắt gặp nhiều nhân vật khác nhau và có thể biết được nhiều câu chuyện khác nhau.

đọc sách

Trẻ có thể thấy được vấn đề của người khác và xem nhân vật yêu thích của mình giải quyết vấn đề đó như thế nào. Từ đó trẻ sẽ tự rút ra được những bài học cho riêng bản thân. 

Để giúp trẻ có được kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn, hãy thảo luận về các tình huống xảy ra trong truyện và khuyến khích trẻ đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, cùng thảo luận về kết quả có thể có của từng giải pháp.

Tìm lối đi vào mê cung

Tìm lối đi trong mê cung là một trò chơi rất vui và an toàn cho mọi lứa tuổi. Trò chơi này khiến trẻ phải suy nghĩ nhiều hơn. Hoạt động này cũng cải thiện các kỹ năng vận động, kỹ năng quan sát, khả năng định hướng và kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ. 

Truy tìm kho báu mini

Hoạt động truy tìm kho báu là một hoạt động có thể thu hút cả gia đình tham gia. Cung cấp cho trẻ manh mối để giải kho báu giúp khuyến khích trẻ suy nghĩ sáng tạo và sử dụng các kỹ năng giải quyết vấn đề của mình để tìm ra kho báu cuối cùng. 

Diễn tiểu phẩm ngẫu hứng

Chia người chơi thành các đội. Viết ra các tình huống khác nhau, chẳng hạn như đối phó với bạo lực học đường hoặc giải quyết cuộc chiến giữa anh chị em. Gấp giấy lại và đặt chúng vào một cái bát. Mỗi đội/người chơi chọn một chi tiết và diễn theo kịch bản. Bạn có thể cho mỗi đội một thời hạn để chuẩn bị. Những hoạt động ngẫu hứng như vậy giúp trẻ xác định vấn đề, đưa ra giải pháp và thực hiện nó.

Xếp hình

Nếu bạn muốn trẻ có được kỹ năng giải quyết vấn đề, bạn có thể cho trẻ tham gia trò chơi xếp các mảnh ghép với nhau. Hiện nay, có rất nhiều bộ lắp ráp mảnh ghép được bán tại nhà sách với nhiều hình ảnh khác nhau. Hoặc bạn cũng có thể đặt in các bộ xếp hình từ chính hình ảnh của trẻ, ảnh gia đình,…

Trong quá trình xếp hình, tìm ra các mảnh ghép, trẻ học được cách kiên nhẫn cũng như kỹ năng tìm ra hướng giải quyết cho những vấn đề của mình.

Giải mật thư

Một cách khác để trẻ rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề chính là tham gia trò chơi giải mật thư. Đây là một hoạt động rất thú vị. Bạn có thể để trẻ chơi cùng bạn bè hoặc cùng tham gia với con. 

Câu hỏi mở

Đặt câu hỏi mở là một cách tuyệt vời để cải thiện khả năng suy nghĩ sáng tạo và phản biện của trẻ cũng như cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề của chúng. Với những câu hỏi này, không có câu trả lời đúng hay sai, và câu trả lời không chỉ đơn giản là “không” hoặc “có”. 

Khi trả lời câu hỏi mở, trẻ phải thật sự rất suy nghĩ để có được đáp án phù hợp. Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể hỏi trẻ sau mỗi câu hỏi mở:

  • Khó khăn khi trả lời câu hỏi này là gì? Điều gì là dễ dàng với trẻ?
  • Con đã học được gì?
  • Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
  • Làm thế nào con đưa ra giải pháp này?
  • Con nghĩ giải pháp này có ưu điểm – nhược điểm gì?

giải quyết vấn đề

Các câu hỏi thường gặp khi dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề

Trẻ bắt đầu biết giải quyết vấn đề ở độ tuổi nào?

Trẻ em bắt đầu có những kỹ năng cơ bản để giải quyết vấn đề khi ba tuổi. Kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ phát triển khi chúng lớn lên. Tuy nhiên, kỹ năng của trẻ có thể được cải thiện hoặc mai một, tùy theo việc trẻ có được ứng dụng nhiều hay không.

Nếu bạn thường xuyên đưa ra câu trả lời cho trẻ, không để trẻ được tự suy nghĩ thì kỹ năng của con sẽ ngày càng thụt lùi.

Ba chiến lược giải quyết vấn đề là gì?

Ba chiến lược giải quyết vấn đề phổ biến là:

  • Thử và sai: Thử các cách khác nhau để giải quyết vấn đề cho đến khi chúng được giải quyết
  • Thuật toán: Theo công thức từng bước để giải quyết vấn đề
  • Khuôn khổ: Theo khuôn khổ giải quyết vấn đề, chẳng hạn như chia vấn đề thành các bước

Dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề có khó không?

Câu trả lời là có! Tuy trẻ đã có một số kỹ năng cơ bản để giải quyết vấn đề nhưng việc kết hợp chúng với nhau không phải là một điều dễ dàng và đòi hỏi bạn phải thật sự kiên nhẫn.

Việc chứng kiến trẻ loay hoay với những vấn đề của mình mà không có hướng giải quyết thường khiến bố mẹ cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, nếu bạn cứ mãi hỗ trợ con thì lâu dần trẻ sẽ mất đi khả năng tự lập và tự đưa ra hướng xử lý phù hợp. Vì thế, dù cho có quan tâm con như thế nào thì lúc này bố mẹ cũng chỉ nên âm thầm quan sát và không can thiệp vào vấn đề của trẻ cho đến khi con đến xin lời khuyên.

Ngoài ra, cần có sự thống nhất giữa các thành viên trong gia đình về hướng giáo dục trẻ. Nếu bạn muốn dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề nhưng ông bà lại muốn hỗ trợ cháu thì mọi việc sẽ trở nên công cốc. Do đó, nếu bạn muốn bắt đầu quá trình dạy trẻ giải quyết vấn đề thì hãy thống nhất trước với các thành viên khác trong gia đình để cùng đưa ra hướng dạy trẻ phù hợp nhất.

Ngoài ra, cần ghi nhớ rằng bất kỳ kỹ năng nào cũng sẽ bị mai một nếu chúng ta không rèn luyện thường xuyên, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng vậy. Vì thế, ngay cả khi bạn đã hướng dẫn cho trẻ nắm được cách để bình tĩnh và xử lý được các vấn đề mà trẻ gặp phải thì cũng phải giúp trẻ “ôn luyện” những kỹ năng này một cách thường xuyên bạn nhé!

Dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề

Nhìn chung, khó khăn là một phần của cuộc sống, và trẻ học cách giải quyết chúng càng sớm thì càng tốt. Giải quyết vấn đề đối với trẻ em là một kỹ năng quan trọng vì kỹ năng này giúp trẻ đối phó với những khó khăn hàng ngày, thách thức trẻ suy nghĩ khác biệt và học thêm các kỹ năng tư duy phản biện.

Bạn có thể dạy các kỹ năng giải quyết vấn đề cho con mình bằng cách khuyến khích trẻ chia sẻ vấn đề của mình, thúc đẩy trẻ tìm ra câu trả lời hoặc nêu những tấm gương tốt. Bạn cũng có thể cho trẻ tham gia vào các hoạt động giải quyết vấn đề, chẳng hạn như giải câu đố, tìm đường trong mê cung, trả lời các câu hỏi mở,… Hãy cố gắng từng bước để trẻ có thể cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề của mình bạn nhé!

Bài viết liên quan