Mẹ và Con - Bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con tự giác trong việc học. Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách giúp trẻ trở nên yêu thích việc học và chủ động hơn trong việc học, con sẽ không thể tự giác học hành nghiêm túc được. Và đây là những lời khuyên hữu ích cho bạn.

Thời điểm vàng để khuyến khích trẻ tự ý thức được nghĩa vụ học tập, trở nên ham học hỏi là khi chúng vẫn còn nhỏ. Sau đây là những lời khuyên của chuyên gia tâm lý giúp trẻ ham học và duy trì trạng thái yêu thích cảm giác được học tập của trẻ mà Tạp chí Mẹ và Con muốn chia sẻ với bạn.

Bí quyết giúp trẻ ham học hơn  

Hình thành thói quen và sở thích khám phá kiến thức

giúp trẻ ham học

Khi trẻ lên 4 tuổi, bạn có thể giúp trẻ ham học hơn bằng cách hình thành cho trẻ thói quen ngồi vào bàn học đúng giờ. Tuy nhiên ở độ tuổi này, bạn có thể bắt đầu cho con bằng các bảng chữ cái hoặc vẽ tranh tô màu. Khi trẻ lớn hơn, bạn có thể cho con học khoảng 2 môn một buổi trong ngày, mỗi môn chỉ nên học từ 20 – 30 phút (bạn có thể tăng dần mức thời gian này khoảng 45 phút mỗi môn sau khi bé lên lớp 1).

Ngoài việc cho con ngồi vào bàn đúng giờ, bạn cũng có thể cho bé nghe truyện, nghe sách hoặc dạy cho bé học nhận diện mặt chữ/mặt số/đồ vật/con vật, học hát, vẽ tranh, tô màu, đọc thơ… Ngoài ra, bạn có thể cùng con áp dụng những bài học vào thực tế như: cho trẻ đọc biển số xe, cộng trừ các biển số xe, hoặc đọc các bản hiệu, tên đường. Cho con nói những gì con gặp được để giúp trẻ phát triển được khả năng và sự hứng thú khi quan sát, ghi nhớ, tưởng tượng và diễn đạt.

Sau đó, bạn có thể cho trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử, nhưng hoàn toàn dành cho việc học và giám sát trẻ khi cho con sử dụng. Hãy tìm hiểu những thiết bị chặn các quảng cáo rác hay website độc hại để tránh con bấm nhầm vào. Tải những ứng dụng học tập và dạy cho trẻ cách khám phá mỗi ngày, học thêm những mẹo giải toán nhanh, tạo ra nguồn cảm hứng học tập cho con.

Giải thích cho con hiểu “Việc học là của con”

Trong những ngày đầu tiên con đi học, hãy thiết lập cho trẻ một nguyên tắc “Việc học là việc của con, bố mẹ không phải là thầy cô giáo để con hỏi bài tập hoặc có nghĩa vụ ngồi học cùng con, học là nhiệm vụ và nghĩa vụ của con”.

Điều này sẽ giúp trẻ ham học hơn và hiểu rằng, mình phải chịu một trách nhiệm cá nhân riêng, nếu viết xấu hoặc không làm bài tập sẽ bị cô giáo phê bình, gặp bài toán khó phải biết chủ động hỏi thầy cô, thức trễ và đi học muộn cũng phải lắng nghe sự la trách của cô giáo.

Bố mẹ không nên ngồi cùng con học bài, vì đây sẽ tạo thói quen xấu cho trẻ. Hãy nói cho trẻ biết rằng, bố mẹ cũng có những công việc riêng và con phải tự ngồi vào bàn học đúng giờ. Sau giờ học ở nhà, hoàn thành tất cả bài tập con có thể giải trí như đọc truyện, xem phim, chơi đồ chơi. Phụ huynh không nên lo sợ trẻ lên lớp bị thầy cô phê bình, nếu con không nề nếp, hãy để cô giáo phê bình và cùng con định hướng, tìm cách khắc phục, giúp trẻ đạt đến ý thức học tập và biết cách chịu trách nhiệm.

Cả nhà cùng nhau học sẽ giúp trẻ ham học hơn

giúp trẻ ham học

Đừng nên để con học một mình mà bố mẹ thì xem tivi hay điện thoại hoặc chơi đùa cùng em… Điều này sẽ làm cho trẻ có suy nghĩ rằng, “Tại sao chỉ có mình con phải học còn mọi người thì được chơi”.

Vì thế, các bậc phụ không nên tạo ra những môi trường xung quanh quá hấp dẫn khi trẻ đang học. Đặc biệt, khi trẻ không muốn học, tiếng ồn từ tivi, máy tính, điện thoại hoặc các hình ảnh chơi đùa cùng nhau sẽ khiến con bị phân tâm. Cho nên, trong giờ trẻ tự học, bố mẹ cũng nên làm việc của mình hoặc đọc sách, đặc biệt là phải ngồi thật chú tâm và nghiêm túc… tạo ra không gian tĩnh lặng giúp con học chú tâm hơn.

Hoặc bạn cũng có thể đưa ra luật, nếu ai hoàn thành xong việc của mình trước thật tốt sẽ được xem phim trước, nhưng nếu làm nhanh mà ẩu hoặc làm sai nhiều sẽ bị phạt làm lại và không được xem phim, điều này sẽ giúp trẻ ham học và hào hứng cùng thi đua.

Giúp con xây dựng cảm giác thích được học

Tốt hơn, bạn nên áp dụng cho trẻ từ lúc con 3 tuổi, cho trẻ lựa chọn, đi học có nhiều bạn bè, học để trở thành siêu nhân thông minh, được mọi người yêu quý và được ăn thật nhiều đồ ăn ngon trong giờ ra chơi hoặc lúc chiều về. Hoặc nếu không đi học, ở nhà một mình sẽ có nhiều “ông kẹ”, không có bạn bè chơi và phải phụ giúp việc nhà, không được ăn uống đồ ngon, không được nhiều người yêu quý.

Hãy cho trẻ được tự lựa chọn balo, bút tập vở trước mùa tựu trường, mang đôi giày hoặc mặc chiếc áo khoác yêu thích của mình, trẻ sẽ có cảm giác hào hứng và mong chờ được đi học hơn. Vì tâm lý trẻ con thường thích “khoe” đồ đẹp, vì thế, bạn cũng có thể mua đồ chơi mỗi khi con được điểm cao hoặc vượt qua được kì thi khó, trẻ sẽ chờ đợi đến giờ đi học để khoe đồ chơi với bạn bè.

Trở thành bạn học của con và biến con thành thầy cô giáo

Hãy trở thành một ông bố bà mẹ không biết gì về kiến thức con đã học, ví dụ như những câu “Lúc cha mẹ đi học chưa có được dạy câu này đâu”. Thường xuyên thảo luận với con các vấn đề liên quan đến kiến thức trẻ được học hoặc cùng con xem cách lắp ráp xe thật, các hiện tượng thiên văn và các câu chuyện khoa học… Đặt thật nhiều câu hỏi và nhờ con hướng dẫn, giải đáp hoặc cùng con tìm hiểu câu trả lời qua sách báo, internet.

Con sẽ có cảm giác mình như thầy cô giáo của bố mẹ và cực kỳ tự tin, vui vẻ để hướng dẫn… từ đó giúp trẻ ham học hơn và sẽ có hứng thú nghe giảng ở trường nhiều hơn để hiểu nhanh và về “dạy” cho bố mẹ. Hãy để trẻ nói ra ý kiến và những gì trẻ hiểu khi ở trường, điều này sẽ giúp con trở nên tự tin, giao tiếp ngôn luận thành thạo, trôi chảy hơn.

Hãy thật kiên trì, bền bỉ… một cách bình thản, tự nhiên. Đừng nên quát tháo, bắt ép và dọa dẫm trẻ. Việc này chỉ khiến con trở nên sợ học và không muốn đi học nữa. Hãy mua cho trẻ một cái bàn học được chính tay con chọn, cho con vào ghế ngồi học đúng giờ mỗi ngày. Bạn cũng có thể cân nhắc cho trẻ “xả hơi” ngày chủ nhật. Và nên nhớ, thà rằng con có thể học chậm hơn các bạn cùng lứa hoặc học kém hơn một chút trong vài năm đầu đi học thay vì bố mẹ cứ la mắng, đánh ép con học.

Không nên quá sốt ruột và vội vã “nhồi nhét” thật nhiều kiến thức cho trẻ đến mức đầu óc phải căng ra, không còn chỗ để tái tạo tư duy và ghi nhớ, cuối cùng là việc học không cải thiện được và ý thức cũng bị bào mòn, chây ì đi.

Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn có thể giúp trẻ ham học hỏi và tự giác hơn trong việc học. Chúc bạn áp dụng thành công, trẻ luôn thông minh học giỏi nhé!

Bài viết liên quan