Các nghiên cứu trước đây cho thấy cho con bú có tác dụng bảo vệ, chống lại ung thư nhưng chỉ có tác động nhỏ. Nghiên cứu lớn lần này ở cả 4 châu lục và sẽ được giới thiệu tại hội thảo về ung thư vú San Antonio ở Texas (Mỹ) – cho thấy tác động này lớn hơn nhiều.
Các nhà khoa học đã phân tích 27 nghiên cứu trong suốt 3 thập kỷ và nhận thấy rằng cho con bú làm giảm tỷ lệ khoảng 10% ung thư vú xâm lấn (khối u lan rộng ra các mô vú lân cận) trong hầu hết trường hợp và lên tới 20% ở những ca thuộc thể nặng nhất.
Nghiên cứu do một nhóm thiện nguyện về ung thư vú tại Mỹ cùng Đại học Y Washington và Bệnh viện Mount Sinai ở New York thực hiện trên hơn 750.000 phụ nữ, trong đó có 36.000 người đã mắc bệnh. Kết quả cho thấy không chỉ có khả năng chống lại các loại ung thư vú phổ biến, việc nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp ngăn ngừa ba loại ung thư khó điều trị nhất. Nói cách khác, cho con bú là một “chiến lược mạnh mẽ” để giảm tỷ lệ mắc ung thư vú, đặc biệt là những thể bệnh nguy hiểm nhất.
Nhà nghiên cứu, bác sĩ Graham Colditz, Giám đốc Hiệp hội phòng ngừa và kiểm soát ung thư, Đại học Y Washington, cho biết, nâng cao hiểu biết về nuôi con bằng sữa mẹ (đặc biệt là cho con bú hoàn toàn trong 12 tuần đầu) có thể ngăn ngừa hàng chục nghìn ca ung thư.
Theo các chuyên gia, hàm lượng hoóc môn cao nhằm duy trì sự tiết sữa có ảnh hưởng tới sự tăng trưởng tế bào, bảo vệ vú khỏi những thay đổi có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư. Thực tế, phụ nữ thường không rụng trứng trong quá trình sản xuất sữa, điều này được hiểu là để bảo vệ bà mẹ khỏi ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Theo Telegraph