Sau Tết, trẻ có nguy cơ thừa cân và béo phì cao hơn. Hãy bỏ túi ngay những bí quyết để xây dựng chế độ ăn cho trẻ béo phì để giúp trẻ có thể kiểm soát cân nặng và tránh được các biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị béo phì bạn nhé!
Trẻ có nguy cơ bị béo phì cao sau Tết
Ngày Tết, trẻ thường dùng nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, mứt Tết, nước ngọt có ga,… Các loại thực phẩm này thường chứa hàm lượng đường cao, làm tăng nguy cơ trẻ bị đái tháo đường cũng như tăng cân, béo phì.
Hơn nữa, vì tâm trạng của phụ huynh mỗi năm Tết chỉ có một lần nên thường cho trẻ ăn uống thoải mái hơn, ít kiểm soát lượng đồ ngọt mà con dùng hằng ngày. Song song đó, vào những ngày xuân, trẻ ít có dịp luyện tập thể dục và vận động mà thường ngồi một chỗ nhiều hơn. Những nguyên nhân này đã khiến tỷ lệ trẻ em béo phì sau Tết tăng cao hơn.
Muốn kiểm soát cân nặng của trẻ, bạn cần xây dựng một chế độ ăn cho trẻ béo phì hợp lý, kết hợp với việc khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn để đốt cháy calo của con.
Những biến chứng nguy hiểm khi trẻ thừa cân, béo phì
Trẻ bị béo phì nếu không ăn theo chế độ dinh dưỡng khoa học và không áp dụng những biện pháp điều trị thì có thể mắc nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Ảnh hưởng tâm lý xã hội: Khi trẻ có cơ thể to hơn mọi người thì rất dễ bị bạn bè chế giễu, trêu cọc khiến trẻ trở nên mất tự tin, ngày càng rụt rè và thu mình lại, không còn muốn kết nối với bạn bè. Trẻ bị cô lâpk lâu ngày sẽ trở nên trầm cảm, ảnh hưởng đến tâm lý và có thể khiến trẻ không còn động lực học tập, phát triển.
- Nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm: Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý như thoái hóa khớp, kém dung nạp glucose, kháng insulin, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, gan nhiễm mỡ… Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ mắc bệnh Blount (một căn bệnh gây dị dạng xương chày), suy giảm chức năng hô hấp,…
Xây dựng chế độ ăn cho trẻ béo phì
Khi lên thực đơn cho trẻ béo phì cần lưu ý những điều gì? Chế độ ăn cho trẻ béo phì sẽ bao gồm những món nào? Sau Tết, nếu cân nặng của trẻ tăng quá mức khiến trẻ thừa cân, có nguy cơ béo phì hoặc bị béo phì thì bạn có thể áp dụng chế độ ăn cho trẻ béo phì như sau:
Cho trẻ ăn nhiều chất xơ
Khi xây dựng chế độ ăn cho trẻ béo phì, cần lưu ý cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ để quá trình giảm cân và kiểm soát cân nặng được diễn ra tốt hơn. Chất xơ thường có mặt trong các loại rau xanh, củ quả.
Khi cơ thể hấp thu đủ chất xơ, trẻ sẽ cảm thấy no lâu hơn và giảm được cảm giác thèm ăn, muốn ăn thêm. Không chỉ vậy, chất xơ còn ít được hấp thu ở dạ dày nên tránh được tình trạng tăng cân. Và chất xơ còn đóng vai trò trong việc hỗ trợ hệ tiêu hóa, tránh táo bón cũng như ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư.
Hạn chế các món chiên, xào
Một lưu ý quan trọng để xây dựng chế độ ăn cho trẻ béo phì chính là nên hạn chế các món chiên, xào vì chúng có chứa nhiều dầu, dễ gây tăng cân. Thay vào đó, nên làm các món luộc, hấp, nấu canh. Như vậy thì có thể tránh được tình trạng trẻ hấp thụ quá nhiều dầu mỡ trong các món ăn.
Hơn nữa, khi trẻ ăn các món luộc, hấp thì sẽ ít gia vị hơn các món chiên, xào hoặc kho. Việc nêm nếm quá nhiều gia vị như đường, muối cũng sẽ khiến trẻ thừa cân, béo phì.
Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất
Nhiều người lầm tưởng chế độ ăn cho trẻ béo phì càng ít dưỡng chất thì trẻ sẽ càng dễ giảm cân. Tuy nhiên, việc thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể khiến trẻ thiếu năng lượng hoạt động và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vì thế, vẫn nên cho trẻ bổ sung đầy đủ các nhóm vitamin như vitamin A, vitamin C, vitamin E,… cũng như các khoáng chất khác.
Bổ sung chất bột đường vừa đủ
Chế độ ăn cho trẻ béo phì cần gì? Đó chính là các thực phẩm có bổ sung chất bột đường. Khi ăn kiêng giảm cân, chúng ta thường cố gắng để kiêng chất bột đường nhưng với trẻ đang trong giai đoạn phát triển thì cần phải đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: chất béo, chất bột đường, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
Vì thế, khi lên chế độ ăn cho trẻ béo phì thì vẫn nên cho trẻ ăn một lượng thực phẩm có chứa chất bột đường ở mức vừa đủ. Ngoài ra, nên chọn các loại thực phẩm bằng glucid phức hợp, có nhiều chất xơ (các loại đậu, các loại hạt, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì đen, khoai lang, bắp,…).
Giúp trẻ hấp thụ chất béo một cách lành mạnh
Béo phì thì cần kiêng chất béo tuyệt đối? Đó là quan điểm sai lầm mà nhiều người gặp phải khi lên chế độ ăn cho trẻ béo phì. Trên thực tế, trẻ vẫn cần bổ sung chất béo bởi chất béo chính là dung môi hòa tan một số loại vitamin, giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ đầy đủ các dưỡng chất hơn.
Nhưng nên kiểm soát lượng chất béo mà trẻ nạp vào cũng như giúp con hấp thụ những chất béo tốt, giàu omega-3 từ các loại cá béo, quả bơ, dầu ô liu, dầu mè, bơ thực vật,… thay vì dùng mỡ động vật.
Không quên bổ sung protein cho trẻ
Với trẻ thừa cân, béo phì thì vẫn cần bổ sung protein để có thể phát triển toàn diện và khỏe mạnh. Với chế độ ăn cho trẻ béo phì thì nên ưu tiên thịt heo nạc, cá, hải sảng, trứng, thịt gia cầm nạc, các loại đậu,…. để bổ sung protein cho trẻ.
Ngoài những lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho trẻ béo phì trên, đừng quên tạo điều kiện cho trẻ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên cũng như giúp trẻ hiểu được những tác hại của việc thừa cân, béo phì để con có động lực kiểm soát cân nặng của mình. Hãy ở bên con và cùng con vượt qua giai đoạn giảm cân đầy khó khăn này bạn nhé!