Mẹ và Con - Chia sẻ với Thanh Niên, nam sinh Nguyễn Đức Anh Phú sống tại thành phố Papillion, bang Nebraska (Mỹ) nói mình chưa từng nghĩ sẽ vào được Đại học Harvard.

Đầu tháng 4, người thân và bạn bè của Phú (18 tuổi) vỡ òa khi nghe tin nam sinh này được nhận vào Đại học Harvard với học bổng toàn phần 288.000 USD (khoảng 6,6 tỉ đồng) cho 4 năm. Phú đã phải cạnh tranh với gần 57.500 đơn dự tuyển để lọt vào 1.900 hồ sơ được nhận. Không chỉ vậy, Phú còn được 4 đại học khác của Mỹ chấp thuận, trong đó Đại học Stanford đề nghị cấp học bổng toàn phần. Phú chia sẻ với Thanh Niên rằng mình sẽ học 2 ngành tại Harvard, kinh tế và khoa học máy tính.

Để có được kết quả trên, Phú đã nỗ lực không ngừng. Nam sinh gốc Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) này theo gia đình đi Mỹ từ năm 6 tuổi. Bố mẹ không thông thạo tiếng Anh, nên Phú phải tự làm quen với môi trường sống mới, ngôn ngữ mới và hòa nhập với bạn bè. “Bố mẹ đã hy sinh rất nhiều để tôi và các chị em được học ở Mỹ. Nhìn thấy họ vất vả là động lực để tôi tiếp tục cố gắng”, Phú kể. Phú cũng cho biết mẹ cậu đã khóc cả đêm khi biết tin con đậu vào Harvard.

người truyền cảm hứng

Máy phân loại tiền xu bằng LEGO do Phú ráp

Nam sinh thông thạo tiếng Anh, Việt và Tây Ban Nha này cho biết Harvard trao học bổng, vì nhận ra gia đình nhập cư thuộc tầng lớp lao động như cậu không thể chi trả học phí có thể lên đến 85.000 USD cho mỗi năm ở trường. “Tôi sống với mức thu nhập thấp gần như cả thời niên thiếu cho đến khi tự kinh doanh”, Phú chia sẻ. Ở tuổi 16, Phú tự mở và vận hành cửa hàng sửa chữa, mua bán điện thoại Phu’s Phone Emporium trong phòng ngủ. Đến nay, cửa hàng nhận được hơn 1.500 khách hàng và doanh thu hơn 250.000 USD. Đây cũng là yếu tố giúp hồ sơ Phú “lọt vào mắt xanh” của Harvard.

Phú đã tự mày mò học cách sửa từng bộ phận điện thoại trên mạng. Nam sinh này cũng phải làm quen với việc quản lý tài chính doanh nghiệp, làm việc với nhà cung cấp và quảng cáo cửa hàng. Kinh doanh từ rất sớm, Phú gặp không ít khó khăn vì chưa đủ tuổi như không thể sử dụng các dịch vụ thanh toán và ký giấy tờ pháp lý.

Dù tự vận hành cửa hàng, kết quả học tập của Phú vẫn xuất sắc. Phú còn học thêm 5 khóa nâng cao cùng lúc. Phú nói mình cố gắng hoàn thành bài tập khi ở trường và còn tranh thủ giờ học để trò chuyện với khách hàng. Ngoài ra, Phú còn làm tình nguyện cho cộng đồng người Việt và dùng doanh thu từ cửa hàng quyên góp cho người khó khăn.

học bổng

Nơi Phú làm cửa hàng sửa chữa và mua bán điện thoại

Nhiều việc như vậy, Phú vẫn có thời gian chạy bộ, đá bóng, xếp LEGO và xoay rubik. Phú còn dùng LEGO ráp thành máy phân loại tiền xu và được mời tham dự chương trình LEGO Masters của Đài Fox. “Tôi từng nghi ngờ liệu mình có thể làm được tất cả việc này cùng lúc hay không. Nhưng tôi chọn cố gắng hết sức và đạt được nhiều thứ hơn tôi kỳ vọng”, Phú bộc bạch.

Phú cũng cho biết gia đình cậu luôn cố gắng giữ gìn nguồn cội dù cách quê hương nửa vòng trái đất. “Chúng tôi ăn món Việt mỗi ngày, nói tiếng Việt với nhau và tham gia các hoạt động của người Việt. Món yêu thích của tôi là bún riêu, thịt kho trứng và bánh mì”, Phú kể. Cậu cũng đọc sách tiếng Việt mỗi tối và tham gia đội múa lân. “Tôi rất thích tết và múa lân vào ngày tết. Đây là dịp để tôi nhớ về quê hương và văn hóa Việt Nam”, Phú nói thêm.

Theo Thanh Niên

Bài viết liên quan