Mẹ&Con - Ngày dự sinh của con bao giờ cũng là ngày mà bố mẹ mong đợi nhất. Thông thường, ngày dự sinh sẽ được các bác sĩ thông báo cho biết sau khi siêu âm thai lần đầu. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tự tính ngày dự sinh cho mình bằng một vài cách đơn giản dưới đây! Mẹ đã biết cách tính ngày dự sinh Lạm dụng sinh con bằng thụ tinh trong ống nghiệm Mang thai và sinh con: Để tự nhiên hay tính toán

Tôi có thai tháng cuối, chuẩn bị sinh bé. Tuy nhiên, tôi hơi ngạc nhiên vì phòng mạch tư và bệnh viện mà tôi khám thai lại báo hai ngày dự sinh… khác nhau. Do ngại bác sĩ ở hai nơi khám “khó chịu” nên tôi không dám hỏi lại. Kính mong bác sĩ hướng dẫn giúp cách tính ngày dự sinh chính xác và các việc cần làm để chuẩn bị đón bé chào đời.

Hoàng Huy Ngọc Lan

(Quận 11)

 

Cách tính ngày dự sinh chính xác bà bầu cần biết 5

Bạn có thể tính ngày dự sinh bằng cách đếm tuần thai. Bình thường, chu kỳ mang thai là 280 ngày, tức 40 tuần. Bạn lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, xem nó vào ngày thứ mấy, ví dụ thứ tư chẳng hạn. Sau đó, bạn đếm đủ 40 lần thứ tư, đó chính là ngày dự sinh.

Cách tính khác là lấy ngày đầu tiên của kỳ “hàng tháng” cuối cùng, đếm đến tháng thứ 9 rồi cộng thêm 10 ngày, nếu bạn nhớ chính xác ngày đầu tiên của chu kỳ tháng cuối của mình là mấy.

Một cách tính khác cũng thường được các bà mẹ áp dụng là “ngày cộng 7, tháng trừ 3”. Tức là lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cộng với 7 sẽ ra ngày dự tính sinh, lấy tháng của kỳ kinh cuối trừ đi 3 sẽ ra tháng dự tính sinh bé. Ví dụ: ngày và tháng của kỳ kinh cuối là 20 tháng 5. Ngày tháng dự tính sinh: 20+7=27; 5-3=2 à Ngày dự sinh là 27 tháng 2 (của năm sau).

Tuy nhiên, cần lưu ý với bạn là ngày dự sinh chỉ là… dự tính chứ khó lòng chính xác hoàn toàn được. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ trẻ sinh đúng ngày dự sinh theo các phương pháp kể trên, còn lại thì chuyện chênh sớm hoặc muộn 2 tuần so với ngày dự sinh là khá bình thường, không có gì đáng lo lắng cả.

Bên cạnh cách tính “thủ công” bằng ngày tháng như trên, bác sĩ cũng sẽ xác định ngày dự sinh bằng nhiều dấu hiệu khác như đo kích cỡ tử cung của bạn, lần đầu tiên nghe thấy nhịp tim thai (khoảng từ 10 đến 12 tuần bằng thiết bị nghe Doppler, hoặc từ 18 đến 20 tuần bằng ống nghe y tế), chiều cao của đáy tử cung (đỉnh tử cung) trong mỗi lần đi khám thai (ví dụ: tử cung cao đến rốn vào khoảng tuần 20)…

Bạn đừng e ngại chuyện bác sĩ “tự ái” khi bạn nói rằng khám ở nơi khác cho kết quả khác. Cần trao đổi thẳng thắn với bác sĩ trực tiếp khám mọi thắc mắc để được hướng dẫn, giải thích, thậm chí nhắc bác sĩ kiểm tra kỹ lại lần nữa trong một số trường hợp chẳng hạn.

Về việc chuẩn bị gì trước ngày sinh, xin chia sẻ với bạn một số việc cơ bản như: Cắt tóc ngắn lên để có thể vệ sinh, tắm gội dễ dàng sau khi sinh. Móng tay chân cần được cắt cẩn thận, gọn gàng mỗi ngày để luôn trong tư thế sẵn sàng đến ngày dự sinh. Nên kiểm tra các vật dụng cần thiết mang đi sinh như: quần áo sơ sinh, mũ, vớ tay và vớ chân, tã giấy, tã vải (cần ít nhất 20 tã vải vì trong thời gian đầu, bé có thể thay tã 10-12 lần/ngày), gạc tiệt trùng, băng rốn, chăn bông khổ nhỏ, khăn sữa, quần áo của mẹ, đồ vệ sinh cá nhân, quần lót giấy, dầu khuynh diệp, một hộp khăn giấy, băng vệ sinh dành cho sản phụ. Những vật dụng của mẹ và của bé nên sắp xếp sẵn trong hai túi riêng, để chỉ cần có dấu hiệu khác thường là lập tức có thể mang ngay cùng bạn đi vào viện. Nên hoàn tất những việc cần dặn dò trong công việc hay ở gia đình trước ngày dự sinh để có thể yên tâm là bạn sẽ “biến mất” cả 4 tháng trời khỏi công ty hoặc 1 tuần lễ khỏi nhà mà mọi việc vẫn đâu vào đó. Nên đi khám thai định kỳ đúng theo lịch bác sĩ dặn dò để được theo dõi và phát hiện dấu hiệu chuyển dạ kịp thời. Nên chuẩn bị hồ sơ sinh: Bao gồm các giấy tờ liên quan, kết quả xét nghiệm, siêu âm, đo tim thai… sắp xếp theo thứ tự thời gian của những lần khám thai. Thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân… cũng cần được chuẩn bị sẵn sàng. Chúc bạn mẹ tròn con vuông!

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Hạnh (Bệnh viện Phụ sản Quốc Tế)

Tags:

Bài viết liên quan