Mẹ&Con - Bất cứ thai phụ nào cũng muốn được sinh thường, cho bé yêu chào đời một cách tự nhiên. Tuy nhiên, sẽ có những thai phụ mà ngay trong giai đoạn chín tháng thai kỳ đã được bác sĩ thông báo nguy cơ: Bạn sẽ phải vượt qua kỳ vượt cạn bằng cách sinh mổ! Sinh thường hay sinh mổ- Chương trình làm mẹ Có nên sinh mổ để "lấy ngày"? Sinh mổ mới 7 tháng đã dính bầu

Tại sao bạn phải sinh mổ?

Khi bác sĩ thông báo với bạn rằng có khả năng sẽ phải sinh mổ, bạn nên tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân. Những nguyên nhân dẫn đến việc cần cho bạn vượt cạn bằng cách sinh mổ thường là: khung chậu bị hẹp, dị dạng đường sinh dục, thai quá to dọa vỡ tử cung; phát khởi chuyển dạ thất bại, không có được cơn co tử cung hoặc có song không hiệu quả; rối loạn cơn co nhưng không điều chỉnh được bằng thuốc; nhau tiền đạo, nhau bong quá non; ngôi thai bất thường như ngôi mặt, ngôi trán, ngôi ngang, ngôi mông; thai bị suy, mạng sống thai nhi trong tử cung bị đe dọa (vỡ ối, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai quá ngày…). Bên cạnh đó, nếu mẹ đang mắc bệnh Herpes sinh dục hoặc bị bệnh tiểu đường cần chấm dứt thai kỳ sớm, cũng có thể phải chỉ định sinh mổ.

Khi sinh mổ, sản phụ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, phải nằm viện để bác sĩ theo dõi lâu hơn, phải đề phòng nhiều chuyện phát sinh sau khi sinh hơn (ví dụ như nhiễm trùng đường mổ, ứ sản dịch trong lòng tử cung).

Bạn không nên quá hoang mang vì sinh mổ là một kỹ thuật rất phổ biến hiện nay. Tất nhiên, nó cũng có những nguy hiểm nhất định và có khả năng ảnh hưởng đến tương lai sản khoa của người mẹ. Song, nếu như bác sĩ đã chỉ định sinh mổ, bạn nên chuẩn bị tinh thần, cũng đừng sợ hãi. Đó sẽ là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ cho bạn và bé yêu trong bụng lúc này.

Sinh mổ gây bất lợi gì cho bạn và con bạn? Trước tiên, với mẹ, những tai biến khi gây tê, gây mê, vết mổ bị rách rộng gây chảy máu, tổn thương đường tiết niệu, thuyên tắc mạch, và đặc biệt là nhiễm trùng là những tai biến không hề đơn giản. Nhiễm trùng vết mổ có thể khiến bạn bị băng huyết đến vài tuần sau. Với bé, vốn dĩ khi chào đời qua đường cổ tử cung – âm đạo của mẹ (sinh thường), quá trình co bóp chuyển dạ sẽ giúp thai nhi “thức giấc”. Quá trình tạo lực ép từ tử cung cũng làm cho chất nhầy trong đường hô hấp được tống ra ngoài. Các cơn co tử cung diễn ra dồn dập, sự lưu thông máu từ mẹ đến nhau thai bị cản, nồng độ oxy giảm trong máu của thai nhi. Toàn bộ cơ chế đó giúp kích thích trung khu hô hấp của thai nhi hoạt động. Nhờ thế, khi đầu và ngực được “thoát” ra khỏi âm đạo, em bé sẽ há miệng hớp không khí, hít thở và khóc ngay. Điều này đảm bảo cho sức khỏe của bé yêu ngay những giây phút đầu đời.

Ngược lại, trong trường hợp sinh mổ, do cơ thể chưa có dấu hiệu chuyển dạ hoàn toàn, nên em bé không được “đánh thức” tự nhiên, dễ có nguy cơ bị suy hô hấp do trung khu hô hấp chưa được chuẩn bị. Ngoài ra, có một nguy cơ khác đe dọa thai nhi, đó chính là em bé dễ bị chạm thương trong quá trình phẫu thuật, hoặc em bé có thể hít phải nước ối.

Chuẩn bị thế nào cho kỳ sinh mổ?

Đáng lo, nhưng như đã nói ở trên, bạn đừng sợ hãi! Việc cần làm là tìm hiểu kỹ nguyên nhân dẫn đến việc sinh mổ của mình, để chuẩn bị tâm lý. Trong nhiều trường hợp, mẹ sinh mổ thì thời gian cho bé bú sẽ chậm hơn (khoảng 6 giờ sau khi sinh). Cũng cần nói thêm rằng nếu bác sĩ cho dùng một số kháng sinh chống chỉ định với bé, thì trong thời gian dùng thuốc bạn không thể cho con bú được. Cần tham khảo trước điều đó, để có sự chuẩn bị hợp lý cho bé, kể cả việc tìm người cho bé “bú nhờ” hoặc dùng sữa ngoài.

Thông thường, các bác sĩ chỉ định cho sinh mổ trong những trường hợp dị tật khung chậu, thai ngược, tiền sản giật, có một số vấn đề phát sinh khiến việc mang thai trở ngại cũng như việc sinh nở khó khăn hơn.

Một vấn đề đáng quan tâm khác mà bạn cần chuẩn bị tinh thần khi được thông báo sẽ sinh mổ là bạn nên sắp xếp công việc để được nghỉ lâu hơn. Đã sinh mổ, cơ thể rất yếu, lại phải đi làm lại sớm, dễ mất sữa… Hàng loạt nguy cơ đó có thể tạo thành những chấn động tinh thần lớn khiến bạn dễ bị trầm cảm sau sinh và ảnh hưởng cả đến sức khỏe của bé.

Chăm sóc bản thân sau kỳ sinh mổ cũng là một điều rất đáng quan tâm. Bạn cần biết một số điều mang tính căn bản như tư thế nằm tốt nhất cho bạn sau kỳ vượt cạn “động dao kéo” là nên nằm nghiêng, kê gối cao sau lưng. Chuyển động xoay người trên giường thật nhẹ nhàng để vết mổ bớt đau. Trừ lúc nằm ngủ, nghỉ ngơi, còn lại, bạn nên hoạt động tay chân nhẹ nhàng. Sau 24 giờ, cần cố gắng ngồi dậy. Giấc ngủ của bạn ngày đầu sau mổ không nên quá lâu, vì sẽ làm nước ối bị tích tụ ở tử cung.

Sau khi sinh mổ, không nên ăn quá no hoặc ăn cơm ngay vì sẽ khó tiêu hóa, dễ dẫn đến táo bón, đầy hơi, càng khó chịu và vất vả hơn. Nên nói người nhà chuẩn bị cho bạn cháo thịt băm và một số loại rau củ quả như khoai tây, cà rốt thêm vào. Ăn từng ít một, tăng dần lên mỗi ngày.

Những ngày sau khi sinh mổ, nếu thấy thân nhiệt vượt quá 37 độ C, có dấu hiệu sốt, dịch tiết ra bất thường thì phải lập tức báo ngay với bác sĩ vì có nguy cơ bạn đã bị viêm nhiễm. Cần chú ý đến cả vết mổ. Vết mổ “lành” thì dù mới, còn đau nhưng không bị trướng lên, không có biểu hiện đỏ hồng, sưng, chung quanh căng cứng, đau tấy. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào quanh vết mổ như bị sưng viêm, bạn cần báo ngay cho bác sĩ. Đặc biệt, hiện tượng ra máu nào lúc này cũng rất nguy hiểm với bạn. Vì vậy, nếu đột nhiên thấy âm đạo ra máu, bạn cần báo với bác sĩ ngay để được kiểm tra, chữa trị kịp thời.

doi-mat-cung-dao-keo

Cuối cùng, trong suốt quá trình hồi phục lại sau khi sinh, bạn nên tuân thủ mọi chỉ định cuộc bác sĩ như uống thuốc gì, chăm sóc vết thương ra sao. Tuyệt đối không nghe theo bất kỳ hướng dẫn nào từ phía người thân (nhất là người lớn tuổi) để sử dụng các loại lá cây, thuốc nam, thuốc bắc bôi vào vết thương hay uống mà không có sự đồng ý của bác sĩ. “Động dao kéo” là điều không ai muốn. Nhưng với những chăm sóc chu đáo và chuẩn bị tinh thần kỹ càng, chắc chắn cả bạn và bé yêu sẽ nhanh chóng bắt nhịp lại với các sản phụ, bé sơ sinh sinh thường mà thôi. 

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành
(BV Đại học Y Dược)

Tags:

Bài viết liên quan