Mẹ&Con - Đang có cuộc sống gia đình “như mơ”, là mong ước của bao người, đùng một cái… biến cố ngoài dự tính ập đến. Chẳng hạn như chồng/vợ bệnh, con có vấn đề về sức khỏe, thất nghiệp, nợ nần… Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng phẳng lặng, êm đềm! Cho dù bạn luôn mong gia đình mãi bình an thì không thể phủ nhận rằng, lắm lúc vẫn có những cơn sóng dữ chực chờ, bất thần ập đến, làm chiếc thuyền gia đình phải chênh chao… Em không thể giữ chiếc mặt nạ để đến với anh... Đừng dại dột khi chồng bạc tình “Sợi dây” tình cảm gia đình bạn bền vững đến đâu?

“Sóng” không chừa ai cả!

Hai vợ chồng đều là kiến trúc sư, công ăn việc làm ổn định, hai năm sau ngày cưới, anh  Dũng – chị Hiền sinh được đứa con trai kháu khỉnh đầu lòng. Vui sướng vô hạn, hạnh phúc như ngập tràn trong căn nhà nhỏ. Ba năm sau nữa, khi chị được 27 tuổi, anh chị có tin vui lần thứ hai.

Tất cả mọi xét nghiệm, mọi kiểm tra đều được chị thực hiện cẩn thận. Sức khỏe chị cũng rất tốt suốt chín tháng thai kỳ. Duy chỉ có một xét nghiệm chị bỏ qua, đó là xét nghiệm đo độ mờ da gáy ở tuần thứ 12. Lý do chị bỏ xét nghiệm vì vợ chồng đều còn trẻ (dưới 30 tuổi), chị nghĩ đã là con thứ hai, trong họ tộc hai bên không ai mắc bệnh Down, bác sĩ khám thai thấy bình thường và gặp bữa bệnh nhân ở phòng mạch quá đông… Chỉ một chút chủ quan thế thôi, rồi đến ngày bé chào đời, chị choáng váng như rơi xuống vực thẳm khi bác sĩ báo cho chị biết: Bé bị Down – đồng nghĩa với việc con không bao giờ có thể có cuộc sống như một đứa trẻ bình thường được nữa!

bat-ngo-song-noi

Không đến mức quá nặng nề như thế, nhưng cơn “sóng” ập xuống gia đình chị Trúc Chi (Quận Gò Vấp) cũng đã khiến cả gia đình một phen điêu đứng. Gia đình đang êm ấm, vợ chồng thuận hòa, con gái đầu lòng mới hơn một tuổi, thu nhập tuy chưa bằng ai nhưng cũng không đến nỗi quá thiếu thốn, chị bảo mái ấm như thế là ước mơ và niềm tự hào của chị suốt 4 năm liền. Rồi vì thương vợ con, mong cho vợ con sớm “sướng” mà chồng chị nghe bạn bè rủ rê, âm thầm hùn hạp làm ăn. Anh không bàn gì với chị. Chị lại tin tưởng tuyệt đối ở chồng. Mãi đến khi một buổi tối anh thất thần về nhà, bơ phờ, xơ xác, gục đầu khóc với chị và bảo rằng anh đổ nợ rồi, giờ cách duy nhất là phải bán nhà (nhưng bán xong cũng chỉ mới đủ trả một phần), chị ngỡ ngàng không tin được cơn “sóng” ập xuống nhà mình nhanh thế!

Chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Minh Hạnh chia sẻ: “Những gia đình càng êm ấm, hạnh phúc, thì khi các sự cố bất ngờ ập đến, cú sốc càng trở nên nặng nề. Người trong cuộc bị đẩy từ thái cực này sang thái cực khác nên rơi vào trạng thái không chấp nhận sự thật, luôn nhớ đến những điều xưa cũ, tự hỏi điều gì đang xảy đến với mình…”.

Những cơn sóng nhẹ thường là thử thách về kinh tế, ví dụ như bất thần lâm vào cảnh nợ nần, vợ chồng thất nghiệp, đang đủ đầy bỗng thiếu trước hụt sau. “Sóng” ở dạng này thường dễ vượt qua, chỉ cần vợ chồng vẫn yêu thương nhau, đồng lòng chung tay chèo chống thì “còn người còn của”. Tuy nhiên, sẽ chới với hơn nhiều nếu như cơn “sóng” lại liên quan đến tình cảm gia đình (vợ chồng tan vỡ, ly hôn), hoặc gặp vấn đề sức khỏe, bệnh tật của các thành viên. Không ít người không gượng dậy nổi sau những cơn “sóng dữ” này, trở nên tuyệt vọng, mất phương hướng, suy sụp tinh thần, rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài…

Vững tay chèo vượt sóng!

Có một sự thật mà bất kỳ ai đã trải qua hành trình hôn nhân dài đều nhận thấy: Sẽ không thể “mơ” về một mái gia đình mãi mãi bình lặng, không sóng gió, không có những sự cố bất ngờ! “Sóng” là điều không thể tránh. Nhưng nếu chuẩn bị được tốt tâm lý, thì khi những chuyện ngoài ý muốn xảy đến, bạn luôn sẽ có sự ứng phó tốt hơn.

Chị Phạm Hồng Hoa (Quận 11) chia sẻ: “Mẹ tôi có một cách dạy con rất hay. Bà luôn nhắc nhở chúng tôi ngay từ khi còn nhỏ là: Làm khi lành, để dành khi đau. Chúng tôi lập gia đình, luôn có một quỹ phòng xa, để khi gặp những sự cố bất ngờ, ít ra còn có chút tiền bạc mà lo liệu!”.

Tương tự, chị Yến Thủy (Quận Tân Bình) cho biết kinh nghiệm của mình: “Tôi luôn mua bảo hiểm y tế đủ cho mọi người trong nhà và có cả một sổ bảo hiểm nhân thọ cho con. Ít ra, đó là những thứ để mình không bay từ trên thuyền xuống luôn… đáy nước khi chẳng may sóng gió bất ngờ xảy đến. Một cách khác theo tôi nên làm là khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần cho mọi thành viên trong nhà. Tôi hay đùa với chồng, nói thuyền đi ngoài biển luôn phải bảo trì, tu dưỡng, kiểm tra máy móc đàng hoàng thì gặp lúc sóng gió mới mong an toàn hơn một chút. Tương tự con người cũng vậy thôi…”.

Đồng tình với những cách thức “phòng xa” này, chuyên gia tư vấn Minh Hạnh nhấn mạnh: “Sự phòng xa không những giúp bạn có được sự chuẩn bị về mặt tiền bạc, kinh tế, mà còn giúp bạn luôn có sự chuẩn bị tâm lý, mạnh mẽ, kiên cường hơn khi chẳng may sóng gió nổi lên. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là luôn phải ám ảnh với nỗi sợ hãi hoặc phải sống phập phồng trong trạng thái lo chuyện… tương lai. Nhưng chắc chắn nếu một người hiểu rằng sóng gió như một phần tất yếu của cuộc sống, quan trọng là mình vững tay chèo thì họ sẽ có những phản ứng tích cực hơn là người hoàn toàn nuôi mình trong cuộc sống màu hồng, không có kỹ năng ứng phó trước những tình huống khó khăn, thử thách”.

Thêm một điều nữa cũng rất quan trọng, ấy chính là niềm tin, tình yêu và sự đồng lòng chung sức giữa vợ chồng với nhau giúp con thuyền gia đình vượt qua cơn bão tố. Câu chuyện chống chọi cùng căn bệnh hiểm nghèo của cậu bé 5 tuổi – con trai anh Q., chị B. là một câu chuyện nhiều nước mắt và cũng rất nhiều yêu thương như thế. Trước sinh nhật 5 tuổi, bé bị sốt kéo dài. Đưa con đi khám, kiểm tra, xét nghiệm máu, anh chị điếng người khi nghe bác sĩ báo bé bị… ung thư!

Một cú sốc quá lớn, dường như quá sức chịu đựng với người bố, người mẹ trẻ. Nhưng điều rất đáng trân trọng là suốt quá trình đưa bé sang Singapore điều trị, bạn bè, người thân và rất nhiều người “bạn ảo” quen với anh chị thông qua Nhật ký chữa bệnh cho con đăng trên trang blog cá nhân đều phải nghiêng mình ngưỡng mộ sự đồng lòng của vợ chồng anh.

bat-ngo-song-noi

Chị viết trên facebook của mình: “Cơn sóng này quá lớn với cuộc đời của mẹ, đến mức mẹ cảm thấy như mình muốn ngã quỵ. Nhưng bố con đã không để mẹ ngã. Bố vực mẹ dậy, và mẹ biết rằng cả bố lẫn mẹ lúc này đều cần bình tĩnh thay vì khóc lóc, cần làm tất cả những gì tốt nhất, giúp con chiến đấu với cuộc chiến quá nghiệt ngã đầu đời. Mẹ cảm ơn bố đã từ một người không biết nấu ăn thành người có thể nấu những món ngon nhất cho con, cảm ơn bố đã học từng cách chăm sóc con để đỡ đần cho mẹ. Cảm ơn những lời động viên giản dị. Bố hiểu từng giọt nước mắt của mẹ rơi, thuộc từng cử chỉ nhỏ nhất của con khi con đau, khi con mệt… Có quá không khi nói rằng, ngay giữa cơn giông bão này, mẹ vẫn thấy mình còn may mắn, khi có được một bờ vai để dựa vào và khóc…”.

Câu chuyện của anh chị là một kết thúc có hậu. Bởi sau hành trình dài hai năm điều trị, cậu bé đã làm nên một kỳ tích khi trở về với cuộc sống đời thường. Kỳ diệu hơn nữa khi qua chính cơn sóng gió ấy, mái ấm gia đình như càng chan chứa thêm những yêu thương. Đúng như những gì chị viết: “Đã qua rồi ngày tháng gian nan. Cứ mỗi lần nhớ lại, tôi luôn rùng mình sợ hãi những ngày tháng ấy. Nhưng nói một cách thật lòng, sâu thẳm trong mình, tôi vẫn biết ơn những ngày tháng ấy, vì nó như lửa thử vàng, khiến tôi hiểu, biết ơn và yêu người bạn đời của mình hơn nhiều lắm…”. 

Tags:

Bài viết liên quan