SAO PHẢI BỔ SUNG “SẮT” LÀM GÌ?
Khi thiếu hụt sắt kéo dài, bạn rất dễ bị rối loạn quá trình sinh hồng cầu, dẫn đến thiếu máu. Một tỷ lệ nghe khá “kinh khủng” là Tổ chức Y tế Thế giới đến bây giờ vẫn ước tính có khoảng trên 43% phụ nữ trong độ tuổi 15-50 ở các nước đang phát triển bị thiếu máu. Trong thời kì mang thai, tỷ lệ này tăng lên đến… 56%! Trong đó, 80% các trường hợp thiếu máu này chính là từ nguyên nhân thiếu sắt gây ra.
Phụ nữ ở độ tuổi từ 15 đến 50, do có chu kì “hàng tháng” nên phải đối mặt thường xuyên với tình trạng thiếu sắt do mất máu kéo dài. Trong khi đó, hầu như rất ít bạn gái trẻ hay phụ nữ mới lập gia đình ý thức được tầm quan trọng của việc bổ sung sắt cho cơ thể, nhằm chuẩn bị cho một quá trình mang thai khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông. Nếu bạn chủ quan nghĩ rằng thiếu… chút đỉnh, có sao đâu, bình thường vẫn không thấy biểu hiện mệt mỏi gì mà thì nhầm to!
Thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu trong thời kì mang thai, và điều này ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai, gây giảm trọng lượng thai. Bệnh thiếu sắt còn khiến bà mẹ khi mang thai không đủ hồng cầu để vận chuyển ôxy đi khắp cơ thể. Bạn sẽ nhận ra rất dễ dàng, một thai phụ thiếu sắt thường hổn hển, mệt mỏi, dễ ngất hơn một thai phụ có đầy đủ lượng sắt, khỏe mạnh, hồng hào.
Làm thế nào để nhận ra mình thiếu sắt từ trước lúc có ý định làm mẹ? Bạn có thể căn cứ vào các dấu hiệu “bên ngoài” của cơ thể như mệt mỏi, da tái xanh, khi đang ngồi mà đột ngột đứng dậy thường thấy xây xẩm mặt mày, móng tay giòn, dễ gãy. Ngoài ra, nếu đi khám tổng quát định kì 6 tháng/lần, bạn có thể được bác sĩ nhắc nhở điều này thông qua các xét nghiệm để ước lượng xem bạn thiếu sắt ở mức nào.
Cơ thể phụ nữ trước khi mang thai cần khoảng 15mg sắt mỗi ngày. Khi có thai, lượng sắt cần sẽ tăng gấp đôi (30mg/ngày). Không có gì quá khó khăn trong việc chủ động bổ sung sắt. Việc làm này của bạn sẽ mang đến nhiều lợi ích cho thai nhi, đứa con tương lai lẫn sức khỏe của chính mình.
THÊM “SẮT” VÀO CƠ THỂ
Có nhiều cách để giúp bạn bổ sung sắt trước khi mang thai. Trong đó, hai phương pháp chủ yếu, dễ thực hiện nhất là dùng thực phẩm tự nhiên loại có nhiều chất sắt và uống các viên sắt bổ sung.
Phương pháp thứ nhất thường được các bác sĩ khuyên dùng với những trường hợp thiếu sắt nhẹ. Bạn chỉ cần tăng cường, thay đổi thực đơn ăn uống hàng ngày bằng cách “cho thêm” nhiều thực phẩm giàu sắt dễ tìm như các loại rau (rau bồ ngót, rau muống), ăn nhiều thịt bò, cá biển.
Ngoài ra, các loại thực phẩm như nước sốt cá, patê, đường… cũng bổ sung được một hàm lượng sắt nhất định. Các nghiên cứu công phu tại Việt Nam và trên thế giới đều cho thấy, nếu tăng cường chế độ ăn với nhiều thực phẩm giàu sắt tự nhiên như thế này trong vòng 6 thaág, các triệu chứng thiếu sắt, thiếu máu sẽ giảm đi rõ rệt, giúp các bạn gái sau khi lập gia đình có đủ sức khỏe để bước vào giai đoạn chín tháng thai kì.
Trường hợp thứ hai, nếu việc thiếu sắt ở mức khá “trầm trọng” và điều kiện ăn uống hàng ngày khó có thể bổ sung đầy đủ thực phẩm nhiều chất sắt (ví dụ phải đi làm, ăn bên ngoài hàng quán là chủ yếu…), bác sĩ có thể chỉ định để uống viên sắt bổ sung. Các chế phẩm sắt có thể được sử dụng bổ sung đều đặn mỗi tuần một lần trong nhiều tháng hoặc bổ sung đều đặn mỗi ngày, uống thành đợt kéo dài khoảng 2-3 tháng.
Nên tiến hành việc bổ sung sắt này càng sớm càng tốt (từ trước khi lập gia đình hoặc mới lập gia đình) chứ không nên đợi đến lúc mang thai mới bổ sung. Vì nhờ đó sẽ giảm tỷ lệ tác dụng phụ gây ra do các chế phẩm sắt khi sử dụng kéo dài và đảm bảo lượng sắt đưa vào cơ thể từ từ thay vì “làm cái ào” sẽ được hấp thu triệt để hơn. (Các tác dụng phụ khi uống viên sắt là gây kích ứng dạ dày, táo bón). Thông thường, tình trạng thiếu máu, thiếu sắt sẽ được cải thiện sau 3-4 tháng sử dụng biện pháp này.