Làm mẹ đơn thân không phải là một lựa chọn dễ dàng. Khi nuôi con một mình, bạn phải đối diện với rất nhiều áp lực, từ tâm lý cho đến tài chính. Những áp lực khi làm mẹ đơn thân thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến kết quả nuôi nấng, dạy dỗ và chăm sóc con cái của bạn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu được nỗi lòng của những người phụ nữ đã can đảm để lựa chọn trở thành mẹ đơn thân. Nếu đang có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc và đang có ý định nuôi con một mình, trước tiên bạn cần chuẩn bị tâm lý cho những áp lực khi làm mẹ đơn thân mà bạn sẽ phải trải qua trong tương lai.
Mẹ đơn thân sẽ phải trải qua những áp lực gì?
Việc nuôi dạy con đơn thân ngày càng trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống ngày này khi chúng ta có nhiều lựa chọn hơn đối với cuộc sống của chính mình. Tuy nhiên, nếu đã quyết định trở thành mẹ đơn thân, bạn sẽ khó tránh khỏi cảm giác căng thẳng, kiệt sức do áp lực khi làm mẹ đơn thân thật sự rất lớn.
Những người mẹ đơn thân phải đảm đương nhiều vai trò cùng một lúc nên những thách thức khi làm mẹ cũng sẽ cao hơn so với bình thường. Một số áp lực khi làm mẹ đơn thân có thể kể đến như:
Phải làm tròn vai trò của cả bố và mẹ
Sau khi ly hôn, bạn sẽ cố gắng để bù đắp những tổn thương mà trẻ phải chịu đựng khi sống trong một gia đình không trọn vẹn. Đặc biệt, bạn sẽ cố gắng để trẻ có thể có được cảm giác như có bố cạnh bên. Việc phải cố gắng để làm tròn vai của cả bố và mẹ sẽ khiến bạn có nhiều căng thẳng và áp lực hơn.
Lo lắng con bị tổn thương, chịu thiệt thòi
Con tôi có phát triển bình thường không? Con có đủ bạn bè ở trường không? Con ăn uống có đủ chất dinh dưỡng không?… Hàng loạt câu hỏi mà bạn đặt ra mỗi ngày thể hiện những lo lắng, căng thẳng của bạn, sợ trẻ sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe tinh thần và thể chất sau khi bố mẹ ly hôn. Điều này sẽ vô tình làm tăng những áp lực khi làm mẹ đơn thân của bạn.
Thiếu sự hỗ trợ của gia đình và xã hội
Những người mẹ đơn thân thường có thể cảm thấy bị cô lập, đặc biệt nếu họ dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc con cái mà ít có thời gian tương tác với những người lớn khác. Hơn nữa, nhiều người mẹ đơn thân còn bị xã hội, gia đình dè bỉu, đánh giá, cười chê. Cảm giác này có thể góp phần làm tăng cảm giác cô đơn và trầm cảm khi nuôi con 1 mình.
Không được sự hỗ trợ từ người bạn đời của mình
Sau khi ly hôn, trách nhiệm nuôi nấng, chăm sóc con cái vẫn là trách nhiệm chung của cả bố và mẹ. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều này. Nếu đối phương là người không có trách nhiệm thì bạn sẽ phải vun vén, thu xếp để nuôi con một mình, làm tăng áp lực khi làm mẹ đơn thân của bạn.
Căng thẳng tinh thần
Trong trường hợp không có gia đình hoặc bất kỳ ai đồng hành trong quá trình nuôi dạy con, mẹ đơn thân thường chịu toàn bộ trách nhiệm nuôi dạy con cái và không có thời gian dành riêng cho bản thân mình. Điều này sẽ dễ đẩy bạn vào cảm giác stress, mệt mỏi, buồn chán và kiệt sức.
Lo lắng về tài chính
Một trong những áp lực khi làm mẹ đơn thân mà bạn phải chịu chính là vấn đề tài chính. Bạn sẽ phải thu xếp thời gian để chăm sóc con cái và đi làm để kiếm tiền nuôi con. Nếu không có ai hỗ trợ trong việc chăm con, đặc biệt khi trẻ còn quá nhỏ, bạn sẽ phải chịu thêm chi phí để tìm người chăm con. Gánh nặng về tài chính có thể khiến bạn thêm mệt mỏi, nhất là trong trường hợp không nhận được tiền chu cấp, hỗ trợ từ đối phương.
Và khi bạn phải dành quá nhiều thời gian cho việc kiếm tiền nuôi con, bạn sẽ dễ bị kiệt sức, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Chưa kể, việc không dành thời gian cho bạn bè, người thân còn đẩy bạn vào tình huống bị cô lập, dễ dẫn đến trầm cảm.
Làm sao để đối phó với áp lực khi làm mẹ đơn thân?
Căng thẳng, áp lực khi làm mẹ đơn thân là một tình trạng phổ biến. Nếu bạn không luyện tinh thần thép để đối phó với căng thẳng, bạn có thể phản ứng tiêu cực với cả con cái của mình và những người xung quanh. Vì vậy, việc quan trọng là phải làm sao để xua tan những áp lực này.
Khi việc nuôi dạy con cái đơn thân khiến bạn cảm thấy quá tải, bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây để quản lý cảm xúc của mình:
Dành thời gian cho chính mình
Các bậc cha mẹ đơn thân nên cố gắng dành ra một khoảng thời gian – ngay cả khi đó chỉ là những khoảng thời gian ngắn ngủi trong ngày – để có thể làm điều mà bản thân thật sự yêu thích, chẳng hạn như đọc sách hoặc đi thăm bạn bè.
Việc dành thời gian cho bản thân khi bạn đang nuôi con một mình không phải lúc nào cũng là một điều dễ dàng. Bạn có thể nhờ một người bạn hoặc thành viên trong gia đình trông con để bạn có một thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Điều này sẽ giúp bạn giảm đi áp lực khi làm mẹ đơn thân.
Cố gắng không cảm thấy tội lỗi
Nhiều người cảm thấy tội lỗi khi dành thời gian cho bản thân mà không chăm sóc con. Nếu bạn bỏ mặc con mình hoàn toàn thì bạn có thể cảm thấy có lỗi nhưng nếu bạn chỉ thỉnh thoảng mới dành thời gian cho chính mình để giải tỏa những áp lực khi làm mẹ đơn thân thì đây là điều vô cùng bình thường, bạn không cần phải cảm thấy có lỗi.
Thay vào đó, bạn nên nghĩ theo một hướng tích cực hơn, rằng việc thư giãn sẽ giúp tinh thần bạn sảng khoái hơn, từ đó hoàn thành tốt hơn vai trò và trách nhiệm của mình.
Nhờ đến sự trợ giúp từ những người xung quanh
Những người mẹ đơn thân có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình, bạn bè, các mạng lưới xã hội trong việc chăm sóc con cái. Bạn có thể xin chia sẻ kinh nghiệm để việc nuôi dạy con dễ dàng hơn, đỡ áp lực hơn. Ngoài ra, nếu có thể, bạn có thể nhờ gia đình chăm sóc trẻ trong vài tiếng vào cuối tuần để bạn có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
Trao đổi với đối phương
Nhiều người sau khi ly hôn, vì chán ghét đối phương nên từ chối mọi khoản hỗ trợ, chu cấp. Điều này chỉ làm tăng áp lực khi làm mẹ đơn thân của bạn mà thôi. Tốt nhất hãy trao đổi thật kỹ với đối phương các vấn đề liên quan đến việc chăm sóc, nuôi dạy con cái và thống nhất những nguyên tắc chung bạn nhé.
Những thách thức của việc nuôi dạy, chăm sóc con cái khi nuôi con một mình có thể gây căng thẳng nhưng với việc lập kế hoạch rõ ràng, nhờ sự trợ giúp từ mọi người, tìm cách thư giãn,… bạn có thể vượt qua được áp lực khi làm mẹ đơn thân. Tuy làm mẹ đơn thân có thể khó khăn nhưng sau cơn mưa sẽ có cầu vồng, đừng bỏ cuộc bạn nhé.