Nếu không biết đến những công thức “vàng” này, bạn có thể vô tình gây nguy hiểm cho bé, khiến con dễ bị sặc sữa, nhiễm khuẩn (nếu vệ sinh bình không đúng cách), hoặc thiếu sữa, bú không đủ no…
Công thức 1: Chỉ nên cho con bú lần đầu tiên khi ngực đã căng sữa!
>> Sai!
Rất nhiều bà mẹ mới sinh con so đầu lòng luôn chờ cho sữa về đủ nhiều, ngực đủ căng mới cho con bú. Thật ra cách làm này là sai căn bản vì bạn sẽ vô tình làm cho sữa xuống chậm do không có động tác kích thích, rất dễ mất sữa. Khi sinh con xong, trong nửa giờ đầu bạn đã nên cho trẻ bú. Sữa mẹ sẽ nhờ động tác bú sớm của bé kích thích mà ra được nhiều hơn, nhanh hơn. Ngoài ra, động tác bú của bé cũng giúp phục hồi tử cung và cầm máu cho mẹ sau sinh rất tốt.
Công thức 2: Nếu mẹ ít sữa, nên lập tức cho trẻ bú sữa ngoài để bù vào!
>> Sai!
Việc bú ngoài cần được coi là giải pháp cuối cùng, chẳng đặng đừng. Bạn đừng vội nghĩ rằng mình ít sữa. Bầu sữa mẹ giống như nồi cơm Thạch Sanh trong truyện cổ tích vậy, ăn hết lại đầy. Chỉ cần bạn tăng cường chế độ dinh dưỡng thật tốt cho chính bản thân mình, nghỉ ngơi đầy đủ thì không lo gì ít sữa được. Càng thấy ít sữa, bạn càng nên cho bé bú nhiều lần, bú lâu để kích thích bài tiết sữa tốt hơn. Bằng cách này, chỉ sau vài ngày, bạn sẽ thấy lượng sữa của mình tăng lên nhanh chóng để đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của trẻ mà không hề cần đến sữa ngoài.
Công thức 3: Cứ đưa “ti” vào miệng là bé… tự biết bú?
>> Sai!
Nếu bạn không để tâm đến cách đưa bầu ngực vào miệng trẻ, nghĩ rằng đứa trẻ nào cũng tự động biết cách ngậm ti và bú thôi thì động tác bú của bé có thể làm bạn đau, thậm chí nứt nẻ, chảy máu ở đầu ti. Khi cho bé bú, mẹ nên chọn tư thế ngồi thoải mái, để toàn thân bé sát vào người mình. Hạn chế cho bé bú ở tư thế mẹ nằm (trừ những ngày đầu sau sinh mẹ còn yếu) vì làm như thế kéo dài sẽ có thể gây viêm tai giữa của bé.
Dùng đầu ti hơi kích thích cho bé há miệng lớn, sau đó mới cho bầu ngực vào miệng bé, sao cho bé ngậm sâu vào quầng đen bao quanh đầu ti. Hướng môi dưới của bé nằm phía dưới núm vú. Lúc này, động tác bú của bé sẽ không làm bạn đau hay xảy ra hiện tượng chảy máu, nứt cổ gà ở đầu ti nữa.
Trường hợp mẹ mắc một số bệnh bác sĩ đề nghị không cho bú trực tiếp hoặc các bé sinh non không tự mút được vú mẹ, cần vắt sữa mẹ ra và cho trẻ ăn bằng muỗng.
Lưu ý khi cai sữa cho bé:
– Không nên cai sữa cho trẻ quá sớm. Tối thiểu bé phải được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và nên được tiếp tục bú dặm mẹ (trong giai đoạn làm quen với thực phẩm ngoài sữa mẹ) đến tháng thứ 18.
– Đừng cai sữa cho trẻ vào giai đoạn thời tiết oi bức, nóng nực, trẻ đã ăn không được nhiều mà còn bị cai sữa thì dễ bệnh, dễ sụt cân nhanh chóng.
– Không cai sữa cho trẻ khi trẻ đang bị bệnh vì cơ thể lúc này rất yếu, trẻ cần nguồn sữa mẹ càng nhiều càng tốt để bù đắp.
– Trước khi cai sữa cho con, bạn cần tìm hiểu thật kỹ về chế độ ăn của trẻ sau cai sữa, để có thể đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thiên thần bé bỏng của mình.
Công thức 4: Không nên cho bé bú đêm vì như thế giấc ngủ của bé không đảm bảo thẳng giấc!
>> Đúng và Sai!
Thật ra, trong 6 tháng đầu đời của bé, bạn nên cho bé bú đêm. Tức là từ khoảng 12 giờ đêm đến sáng, bạn có thể cho bé bú đến 2-3 lần. Tại sao việc cho bú đêm lúc này lại quan trọng? Vì lượng sữa nhiều hay ít phụ thuộc vào việc hormone prolactin tiết ra ít hay nhiều. Hormone này lại đạt sự tích tụ cao nhất vào buổi tối. Khi bé bú đêm, động tác bú của bé sẽ kích thích tuyến yên, tiết ra nhiều prolactin để đảm bảo lượng sữa đủ nhiều cho bé suốt 24 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, khi trẻ được 6 tháng trở lên thì cơ bản trẻ không đòi bú đêm nữa và đã tự có giấc ngủ thẳng giấc, dài. Nếu đến lúc này bé vẫn còn có thói quen bú đêm, bạn cần tập cho bé giảm dần thời lượng bú cũng như số lượng lần bú. Không nên mở đèn sáng lúc cho con bú và bé bú nhanh xong là đặt trở lại vào giường ngay. Sau một thời gian giãn dần, bạn có thể ngưng hẳn việc cho bú đêm để trẻ có thể có được giấc ngủ sâu, phát triển thể chất tốt nhất vào buổi tối.
Công thức 5: Nếu bé bú bình, mỗi lần bú xong, sữa thừa mẹ nên đổ bỏ hoặc uống hết chứ không để dành cho bé dùng tiếp!
>> Đúng!
Bạn nên cố gắng canh làm sao để lượng sữa mỗi lần pha là bé có thể bú vừa đủ. Đừng pha nhiều rồi sữa dư ra lại mang đi bỏ tủ lạnh để dành cho lần bú sau. Việc để sữa trong thời gian kéo dài như vậy sẽ là môi trường sản sinh các vi khuẩn nguy hiểm, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Mỗi lần bé bú xong là bạn phải dứt điểm hết lượng sữa, rửa và vệ sinh bình sữa ngay.
Công thức 6: Nên cho bé bú đều cả 2 bầu sữa?
>> Đúng!
Bạn nên cho bé bú đều cả hai bầu sữa để kích thích và tiết sữa đều cả 2 bên. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là bạn cứ cho bé bú bên đây một chút rồi lại… quay sang cho bú bên kia! Bạn nên cho bé bú đủ lâu một bên ngực cho đến khi bé nhận được đủ lượng sữa cần thiết. Hết sữa một bên mới chuyển sang bên kia. Thông thường, nên cho bé bú bên bầu ngực phải trước, sang bữa bú kế tiếp thì cho bé bú ở bầu ngực trái rồi cứ thế luân phiên. Cũng không nên ép bé bú quá no trong giai đoạn sơ sinh vì dạ dày của bé lúc này còn thẳng, bú quá no dễ gây trào ngược.
Bác sĩ Phạm Khuê Anh
(BV Nhi Đồng 1)