Nhiều người nghĩ đẻ đau hơn thực tế – Ảnh: Lifestyle.yahoo.co.nz
Nguyên nhân khiến đau khi chuyển dạ
Một cuộc chuyển dạ bắt đầu khi có tống xuất chất nhầy màu hồng lẫn máu từ cổ tử cung ra khỏi âm đạo. Đây là nút nhầy ngăn cách tử cung với âm đạo trong thời kỳ thai nghén để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Trong cuộc chuyển dạ có các cơn gò (co tử cung) khiến sản phụ đau. Lúc mới chuyển dạ, một cơn gò kéo dài khoảng 10-15 giây, khoảng cách giữa hai cơn gò là 8-10 phút. Càng ngày cường độ cơn gò càng tăng, thời gian nghỉ giữa 2 cơn gò càng ngắn lại. Khi sản phụ chuyển dạ thực sự thì tần suất các cơn gò là 3-4 cơn/10 phút.
Thời gian chuyển dạ trung bình với người mang con so là 16-24 giờ, với người mang con rạ khoảng 8-12 giờ. Một cuộc chuyển dạ sẽ trải qua ba giai đoạn: Xóa mở cổ tử cung (từ lúc cổ tử cung bắt đầu xóa cho đến khi mở hết, giai đoạn này kéo dài nhất), Xóa mở sổ thai (từ lúc cổ tử cung mở hết đến khi thai sổ ra ngoài, thường 30-45 phút) và Xóa mở sổ nhau (từ lúc thai sổ đến khi rau sổ, tối thiểu là 30 phút).
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ) cho biết, thực tế sản phụ chỉ đau khi xuất hiện cơn gò, còn khi không có cơn gò thì không hề đau. Trong một khoảng thời gian nhất định, ví dụ 10 phút, thời gian bị đau là không nhiều so với không đau. Tuy nhiên, nhiều sản phụ la hét nhiều quá, dẫn đến mất sức, thậm chí có những người lăn lộn vật vã, đến khi cổ tử cung mở đủ lớn thì không còn sức để rặn đẻ.
Bác sĩ nhận xét, thời xưa các cụ đẻ cũng đau, nhưng không ai sợ đẻ như bây giờ. Hiện nay, cuộc sống đầy đủ hơn, gia đình ít con hơn nên con người được nuông chiều hơn, dẫn đến khả năng chịu đựng kém, chỉ một chút đau cũng cảm thấy không thể chịu nổi. Hơn nữa, hiện nay sản phụ khó đẻ vì ít vận động do làm việc văn phòng, đi xe máy, bản thân nhiều người cũng không có ý thức hay sắp xếp được thời gian để tập luyện thể dục thể thao.
Các cách giúp sản phụ giảm đau khi đẻ
Để giúp sản phụ giảm đau khi chuyển dạ, các bác sĩ thường khuyên sản phụ hít thở. Áp dụng các cách hít thở trong yoga: hít sâu, thở sâu và chậm, chỉ thở bằng mũi không chỉ giúp sản phụ quên đi cơ đau mà còn giúp quá trình chuyển dạ tiến triển nhanh hơn.
Sử dụng biện pháp tâm lý như nói chuyện thôi miên, thậm chí chỉ là nói chuyện với người thân. Bởi khi không nghĩ đến cái đau thì bản thân ta đã vượt qua được nỗi sợ.
Ngoài ra, trong thời gian mang bầu, thai phụ nên vận động nhẹ nhàng và vừa sức như đi bộ, tập vài động tác thể dục đơn giản, tập yoga… để khung chậu nở ra và có sức khỏe vượt qua quá trình chuyển dạ.
Đặc biệt, hiện nay, nhiều chị em mách nhau phương pháp gây tê ngoài màng cứng (còn gọi là đẻ không đau). Màng cứng là lớp màng dày bao bọc các chuỗi dây thần kinh chi phối cảm giác đau ở thắt lưng. Khi gây tê, các bác sĩ chọc một ống rất nhỏ ngoài sống lưng và ống này dừng lại cách màng cứng bọc tủy sống khoảng 15 mm. Sau đó, bác sĩ sẽ bơm vào một lượng thuốc tê nhỏ nhất (chỉ đủ để phong bế cảm giác đau và không gây ảnh hưởng đến bé và mẹ). Không có chuyện chọc kim vào thẳng tủy sống hay tử cung như người ta lầm tưởng. Thuốc gây tê màng cứng có tác dụng nhanh và làm tê liệt cảm giác từ hông trở xuống giúp sản phụ vẫn tỉnh táo và không có cảm giác đau đớn.
Theo bác sĩ Thu Hà, đây nên được coi là phương pháp cuối cùng. Thứ nhất, đó là một thủ thuật nên dù cơ bản là an toàn nhưng vẫn có thể xảy ra tai biến; thứ hai, chi phí cho biện pháp này cũng không hề rẻ (hiện nay khoảng 2 triệu đồng); thứ ba, thuốc phát tác nhanh và hết cũng nhanh, nên khi hết thuốc, sản phụ vẫn có cảm giác đau. Khi tử cung mở khoảng 3, 4 cm, bác sĩ mới tiêm gây tê, nếu sản phụ đẻ ngay thì không vấn đề gì nhưng cứ mở thế mà chưa đẻ được ngay thì lúc cuối vẫn có cảm giác đau.
Bà cũng cho rằng, không nên để sản phụ đau quá, có những người đau quá dẫn đến sợ đẻ, không dám đẻ nữa, thậm chí mắc chứng trầm cảm sau sinh. Khi sản phụ bị căng thẳng tâm lý, cổ tử cung càng siết chặt vào, càng khó đẻ, có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
Với những trường hợp bị cong cột sống hay khe sống giữa hai đốt sống hẹp không thể đưa kim vào để tiêm thuốc thì không thể áp dụng được phương pháp này. Ngoài ra, sản phụ có tiền sử máu không đông, nước ối đã nhiễm khuẩn lúc chuyển dạ, mắc bệnh ngoài da mà các vết thương lại nằm đúng vào khu vực xương sống thắt lưng, cũng không nên sử dụng phương pháp này.