Sữa mẹ bình thường có màu trắng đục. Thế nhưng ở những bà mẹ mới sinh con đầu lòng, sữa có thể bị vấy máu, chuyển sang màu cam, hồng, nâu đỏ. Đây có thể là biểu hiện của “Hội chứng đường ống gỉ”.
Làm thế nào để phát hiện sữa có lẫn máu?
Vắt sữa trực tiếp là cách để mẹ phát hiện trong sữa có lẫn máu rõ nhất. Ngoài ra, sau khi bú mẹ nước bọt của trẻ có màu hồng hoặc khi nôn trớ, chất nôn của bé cũng có màu hồng thì chính xác là sữa mẹ đang lẫn máu.
Tại sao sữa mẹ lại dính máu?
Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến việc sữa mẹ bị dính máu:
Sữa mẹ bị dính máu có thể chuyển sang màu cam, hồng, nâu đỏ… (Ảnh minh họa)
Do núm vú bị nứt, trầy xước
Đây là sai sót kỹ thuật do mẹ bế bé không đúng tư thế hoặc bé nắm bắt vú không đúng cách, còn được gọi là sai khớp ngậm.
Ứ mao mạch
Ứ mao mạch hay còn gọi là ‘Hội chứng đường ống gỉ’ (sữa có màu gỉ sắt), do lưu lượng máu tới vú và ống dẫn sữa gia tăng khi mẹ bắt đầu cho bé bú – điều này cực kì quan trọng cho sự phát triển của các tế bào tiết sữa.
Nếu rơi vào trường hợp này, việc chảy máu sẽ tự động mất đi trong vòng 3 – 7 ngày. Quá 7 ngày tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, mẹ nên đến bác sĩ để có cách điều trị thích hợp nhất nhé.
Vỡ mao mạch
Các bài tập của chị em để chữa núm vú dẹt hay núm vú tụt vào trong cũng là nguyên nhân dẫn đến máu rỉ ra. Bên cạnh đó, một số va chạm mạnh vào bầu vú, mô núm vú khi vắt tay hoặc hút sữa bằng máy sai cách cũng khiến mẹ bị chấn thương, vỡ mạch máu vú và làm đổi màu sữa.
U nhú trong ống dẫn sữa
U nhú trong ống dẫn sữa thực chất là bệnh nang xơ ở vú, có khối u nhỏ lành tính “mọc” trong ống dẫn sữa. Loại u này khá nhỏ nên không thể nhận định được bằng tay. Vì vậy, nếu quá 1 tuần mà tình trạng trên vẫn không tiếp diễn, mẹ nên đi khám ngay để tìm ra giải pháp chữa trị phù hợp.
Cách nào khắc phục tình trạng trên không?
Lời khuyên cho các bà mẹ bỉm sữa là nếu như trong sữa có mẹ có lẫn máu nhưng bé vẫn tiêu hóa bình thường, hãy yên tâm tiếp tục cho bé bú. Một lượng máu nhỏ không gây ảnh hưởng gì đến bé, và có thể chúng sẽ bị thải ra theo đường tiêu hóa. Ngoài ra, mẹ cũng có thể vắt hoặc hút bỏ đi lượng sữa ban đầu có dính nhiều máu.
Mẹ cũng cần lưu ý tư thế cho bé bú nhé. Tư thế “chuẩn” là ngồi thoải mái, bế bé bằng hai tay, mặt đối diện với vú mẹ, đầu và thân phải thẳng hàng. Khi bé ngậm ti, mẹ áp sát bé vào người sao cho bụng bé sát bụng mẹ, cằm bé chạm vào vú mẹ. Miệng bé cần há to, ngậm hết vùng quầng ngực, như vậy sẽ bú được nhiều sữa hơn.
Các tác động có thể làm tổn hại đến mao mạch như vắt sữa mạnh tay, dùng máy hút sữa hay tập luyện chữa núm vú… mẹ cũng cần hết sức chú ý. Nếu máu rỉ ra kèm theo dấu hiệu đau ở núm vú, tốt nhất mẹ nên dừng việc hút sữa cho bé 1-2 ngày để núm vú có thời gian phục hồi.
Việc vệ sinh núm vú cũng rất quan trọng. Sau khi cho bé bú mẹ cần dùng khăn ấm lau sạch, tránh viêm nhiễm. Cẩn thận hơn, mẹ còn có thể dùng xà phòng sát khuẩn có mùi nhẹ để vệ sinh. Sau 1 tuần, máu lẫn vào sữa vẫn không thuyên giảm hãy đến bác sĩ khám để tránh bị nhiễm trùng vú.