Chuyện của bố
Kể về hành trình đưa vợ đi đẻ, tới giờ khi con gái được 4 tuổi anh Tiến (Q.3) vẫn không nhịn được cười:
Đang đêm ngủ ngon, mình bỗng xoay người qua vợ thì thấy… ươn ướt. Linh tính có chuyện chẳng hay, mắt nàng lại nhắm nghiền, nằm bất động khiến mình chột dạ, chạy qua phòng ông bà nội hét toáng lên. Bố mẹ đang ngái ngủ cũng ba chân bốn cẳng chạy sang phòng hai vợ chồng. Lúc đấy, vợ mình cũng tỉnh giấc nên mẹ cuống quýt giục: “Đứng dậy, đi đẻ mau lên con. Vỡ ối rồi!”
Bà vừa nói, vừa kéo tấm chăn đang đắp trên người vợ ra thì ôi thôi… hóa ra chỉ là “tác phẩm” của chứng tiểu són cuối thai kỳ. Khỏi phải nói vợ chồng mình xấu hổ đến mức nào. Cũng may ông bà tâm lý nên đánh trống lảng già vờ quát nạt vài câu, rồi rẽ sang chuyện khác. Mà kể ra vợ mình cũng hay thật, ngủ say tới nỗi long trời lở đất cũng không biết gì.
Một tuần sau, vợ mình vỡ ối thật! Lúc nàng túm áo lay lay, mình lại tưởng vợ… mắc tè. Mới chợp mắt được một chút, sẵn cơn buồn ngủ mình quay qua hục hặc: “Đã bảo trước khi ngủ đi tè thì không chịu, giờ lại bắt chồng dậy đưa đi tè hả?”. Vợ nổi giận, quát ầm: “Tè cái gì mà tè, em đau bụng quá, sắp đẻ rồi! Nhanh đưa em vào viện!”
Anh Thành (Đà Nẵng) thì lại được phen “hú hồn hú vía” vì vợ chuyển dạ trước ngày dự sinh hẳn 2 tuần. Nghĩ còn lâu vợ mới đẻ nên anh vẫn bình chân như vại, đồ sắm sửa cho vợ đi đẻ vẫn để nguyên trong bọc. Đùng cái chiều hôm đó, vừa đi làm về đến nhà, chị Thoa giãy đành đạch như… đỉa phải vôi kêu chồng gọi taxi đưa vợ đi viện ngay. Biết sắp “có biến”, may có đứa cháu gái tới phụ giúp anh chuẩn bị đồ đạc, vơ luôn bọc đồ dưới chân cầu thang rồi dìu vợ ra đầu ngõ đón taxi.
Vợ đau quằn quại, tưởng chừng như con muốn chui ra ngay giữa đường thì có cặp vợ chồng tốt bụng chạy ngang qua đưa giúp anh chị vào bệnh viện. Đứng chờ taxi thêm 2 phút nữa, chắc chắn vợ chồng anh sẽ được đón con đầu lòng ngay trên xe chứ không phải trên giường chăn ấm nệm êm thế này.
Lần đầu đưa vợ đi đẻ và những tình huống cười ra nước mắt – Ảnh minh họa
Lần đầu đưa vợ đi đẻ, không phải một mà hầu hết tất cả các ông chồng đều lớ nga lớ ngớ như gà mắc tóc. Rơi vào tình huống này, các ông bố tương lai phải làm sao?
Lần đầu đưa vợ đi đẻ nên chuẩn bị gì?
Chuẩn bị tinh thần + tài chính
Đón thêm một thiên thần nhỏ không hề là việc dễ dàng nếu bạn chưa sẵn sàng về mặt tinh thần cũng như tài chính. Có con đồng nghĩa với việc cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn 360 độ. Sẽ không còn những tháng ngày thoải mái rong chơi chỗ này, thưởng ngoạn chỗ kia. Không còn những buổi tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, ngủ nướng như thời son rỗi… Thay vào đó bạn sẽ phải sống chung với tiếng khóc lóc của con bất kể ngày đêm, nhiều tình huống “oái oăm” dở khóc dở cười…
Nuôi trẻ con cũng vô cùng tốn kém. Nào là tiền bỉm, sữa, thuốc men… nhiều vô kể. Lúc khỏe mạnh không sao, lúc con ốm đau bệnh tật không thể không có tiền khám chữa bệnh. Để đáp ứng cho vợ con những điều tốt đẹp nhất, buộc lòng người chồng phải chuẩn bị một số tiền kha khá trong tài khoản ngân hàng.
Tham gia lớp học tiền sản
Lần đầu làm bố, chắc chắn kinh nghiệm chăm sóc và đưa vợ đi đẻ chỉ là con số 0. Tham gia lớp học tiền sản cùng vợ ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, sẽ giúp các ông bố biết thêm nhiều thông tin bổ ích như: Các dấu hiệu cảnh báo khi vợ sắp sinh, chuyển dạ, vỡ ối… Các vấn đề sau sinh như: Trầm cảm, hậu sản, cách chăm sóc vợ sau khi sinh, cách cho con bú cũng như các bước ẵm, nựng, chăm sóc trẻ sơ sinh…
Sở hữu vốn kiến thức sinh sản nhất định, đưa vợ đi đẻ, chăm vợ đẻ sẽ không còn là nỗi ám ảnh của các ông chồng “soái ca” nữa.
Chuẩn bị đồ đi đẻ
Các ông bố hãy giúp vợ chuẩn bị đồ đạc trước đó 1 tháng và có thể bổ sung thêm những thứ phát sinh khác… Bố hãy ngồi xuống sắp xếp đồ đạc cùng mẹ. Đó là cách tốt nhất để không rối như tơ vò khi bà xã nhờ lấy giùm thứ gì đó. Dưới đây là một vài gợi ý đồ đạc cần thiết cho mẹ và bé “khăn gói quả mướp” trong thời gian nằm viện:
Cho bé:
– Bố cần chuẩn bị cho em bé khoảng 6 chiếc áo sơ sinh, 1 bộ quần áo đẹp để mặc từ bệnh viện về nhà. Ngoài ra còn tã vải, miếng lót và khoảng 1-2 bịch bỉm.
– Bình pha sữa nên đun sôi, tiệt trùng sẵn ở nhà rồi cho vào túi ni lông hoặc 1 chiếc hộp.
– Đừng quên mang một chiếc gối nhỏ cho bé yêu nữa nhé, thêm cả bao tay, bao chân, mũ sơ sinh để giữ ấm toàn bộ cơ thể. Và nhớ mang thêm chăn và khăn quấn bé.
– Các loại khăn sữa và khăn giấy để vệ sinh và cho bé bú nữa, bố chú ý điều này nhé.
– Đừng quên khăn tắm, tăm bông và nhiều dụng cụ thiết yếu khác.
– Thìa, ly nhỏ để bé uống thuốc trong trường hợp cần thiết….
– Bố đừng quên mang theo một hộp sữa công thức nữa nhé. Phòng khi mẹ chưa có sữa để cho bé bú ngay.
Cho mẹ:
– Đầu tiên, bố phải “nhắm” trước bệnh viện dự sinh cho mẹ. Nếu có người quen làm trong bệnh viện nhờ vả được, nhớ xin đầy đủ số điện thoại.
– Phương tiện đưa vợ đi đẻ cũng rất quan trọng. Bố hãy lưu trong danh bạ số điện thoại của nhiều hãng taxi khác nhau, phòng khi vào ban đêm vợ đau đẻ bất chợt không gọi được hãng này thì gọi hãng khác.
– Giấy tờ mang theo gồm: Thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… Bố nhớ cho vào một túi kẹp nhựa (loại dùng đựng hồ sơ), tránh trường hợp bệnh viện yêu cầu lại phải chạy về nhà rất mất thời gian.
– Vấn đề tiền bạc, bố nên giữ cẩn thận ở túi xách nhỏ riêng và luôn mang theo bên cạnh mình. Ngoài ra, hãy mang theo thẻ ATM phòng khi phát sinh chi phí. Hầu hết ngoài các cổng bệnh viện đều có máy rút tiền tự động.
– Một số dụng cụ cá nhân tối thiểu cần thiết của mẹ như: Khăn mặt, bỉm cho mẹ, kem đánh răng, lược chải đầu, 3 bộ quần áo mặc nhà dài tay, quần lót mặc một lần… cộng thêm bộ quần áo đẹp khi xuất viện, bố cũng đừng quên nhé!
Sinh con là khoảnh khắc thiêng liêng nhất cuộc đời người phụ nữ. Và giây phút này, càng quý trọng hơn nữa nếu có sự chăm sóc, chia sẻ của người bạn đời. Hãy cùng vợ chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày “vượt cạn” để thấu hiểu những đau đớn, vất vả mà “một nửa thế giới” phải chịu đựng để sinh cho bạn một thiên thần đáng yêu!