Tôi đã đắn đo vô cùng khi nghĩ đến chuyện kết hôn, rồi con riêng, con chung, nhưng anh động viên: “Không sao đâu em. Chỉ có vợ chồng mình và con gái em thôi. Còn con gái của anh vẫn sống với mẹ nó cơ mà. Thỉnh thoảng anh sang thăm con là được rồi, em không phải lo gì đâu…”
Tôi không lường hết khó khăn cùng con riêng đi bước nữa
Những lời động viên của anh, sự điềm tĩnh chín chắn cũng như tình yêu của anh khiến tôi vững dạ. Thật ra, tôi cũng không phải là người đàn bà quá hẹp hòi. Tôi thương anh, hoàn cảnh giống anh thì đương nhiên hiểu rằng cho dù đã ly hôn, nhưng người cũ vẫn là bố, là mẹ của con ruột mình.
Đâu thể nào chối bỏ chuyện ấy, cũng đâu thể nào làm con trẻ tổn thương. Anh chấp nhận chuyện chồng cũ tôi thỉnh thoảng đến nhà, đón con gái tôi đi chơi, đi ăn uống cuối tuần thì đương nhiên tôi cũng sẵn lòng với chuyện anh đi chơi với con gái riêng của anh, đến thăm cháu, chu cấp và lo lắng cho cháu mỗi khi cháu đau bệnh chứ.
Nhưng quả thật, chuyện đời không hề đơn giản như ta tưởng. Khi đọc bài viết “Làm mẹ kế” đăng trên trang Cuộc sống muôn màu của Mẹ&Con, tôi đã giật mình. Có một đứa con riêng của chồng thôi đã khổ. Có vừa con riêng của chồng, vừa con riêng của vợ như tôi càng khổ hơn gấp bội phần. Nội một chuyện đơn giản, anh đón con gái riêng về nhà chơi. Bé thấy chồng tôi có phần cưng chiều con gái riêng của tôi, thấy con gái tôi có nhiều đồ chơi, thế là bé đòi, giành, khóc…
Trẻ con nhạy cảm lắm. Bé mới 5-6 tuổi, nhưng đã hoàn toàn không thích khi nhận ra có một cô bé xa lạ khác cũng gọi bố mình là… bố! Chồng tôi vừa thương con gái, vừa ngại với tôi. Tôi cũng thương con gái mình, và phải cố làm sao để hai đứa trẻ chịu nhường nhau, đừng nạnh nhau từng chút trong những giây phút ít ỏi bên nhau đó.
Có lúc, thấy khó quá, tôi phải đưa con mình đi chỗ khác chơi trong ngày chủ nhật, để hai bố con anh được ở nhà thoải mái. Cũng có thể vì tâm lý cứ hễ cảm thấy có ai đó “cạnh tranh” với mình thì tự dưng mình lo lắng nên giữ lấy những thứ đang có chặt hơn, hoặc cũng có thể vì vợ cũ của anh tìm cách gây khó khăn, nên càng về sau, cô bé càng gọi điện cho anh nhiều, đòi anh sang nhà chơi, đòi anh chở đi ăn, đòi anh đón đưa khi đi học.
Quả thật là một thử thách lớn cho tâm lý của tôi. Nếu bạn là người ngoài, bạn có thể phán xét một cách rất dễ dàng, rằng: Trời ơi, trẻ con mà, ai thương nó thì nó thương lại thôi. Ta chỉ cần lấy tấm lòng bao dung, đối đãi với con chồng như con ruột của mình, và chồng ta cũng thế, thương con vợ như con ruột của mình, thế là… xong chuyện! Nhưng có ở trong cuộc mới hiểu, có những thứ nhỏ như giọt nước, nhưng nếu cứ đều đặn tích tụ thì có lúc nó sẽ tràn ly.
Tôi cố gắng hết sức để dung hòa mọi thứ, để chấp nhận một cách thoải mái nhất chuyện anh về với con riêng là điều một người bố đương nhiên phải làm. Tôi thậm chí còn chuẩn bị quà, đồ chơi để anh mang về cho bé. Nhưng đâu phải một tháng anh mới về một lần, hay một tuần anh mới về một lần.
Càng về sau mật độ càng dày hơn. Rất nhiều những bữa cơm, anh không ăn cùng mẹ con tôi mà về nhà để ăn với… vợ cũ và con gái, vì bé cứ nằng nặc gọi điện, bảo bố không về thì con không ăn cơm.
Từ chuyện con riêng, những rạn nứt dần lộ diện…
Chồng tôi rất lúng túng. Cảm giác của chúng tôi là mái ấm của mình sao thiếu đi sự vững chắc. Nó cứ chập chờn, không còn là chốn riêng tư khi thì vợ cũ của anh, khi thì chồng cũ của tôi tìm đến. Hai đứa trẻ thì lẫn lộn, hoang mang giữa “bố ruột” và… “bố sau”, “mẹ ruột” và “vợ sau của bố”.
Có lần, con tôi bệnh. Sự sốt ruột khiến tôi cuống cuồng trong bệnh viện. Thế mà gọi mãi anh vẫn không vào. Gần 10 giờ tối anh mới chạy sang, bảo rằng tại con gái anh ở nhà cứ không chịu ngủ, nhất định nói bố ở đây với con. Con đòi mãi, khóc lóc, anh phải ở nhà để dỗ cho đến khi nó ngủ mới vào được.
Tôi cáu lên, lại đang quá mệt và dồn nén, chịu không được nên bảo: “Vậy còn con em? Theo anh thì con em là con riêng của em nên chỉ mình em lo cho nó là đủ chứ gì? Lúc con cấp cứu, nhập viện thế này, em cần một người đàn ông bên cạnh thì em biết gọi ai? Em nên gọi chồng mình hay gọi… chồng cũ ngày xưa? Chúng ta đã cưới rồi, và đã thỏa thuận cuộc sống hiện tại mới là điều quan trọng nhất cơ mà!”
Giá lúc ấy anh nhận lỗi hoặc nhường nhịn một chút thì hay. Nhưng không, anh cũng có cái tự ái ngút trời của anh. Anh bực bội hét lại với tôi rằng anh biết làm sao trong trường hợp như thế, rằng đâu phải anh chơi bời gì, rằng anh ở bên con tôi gần như hết thời gian, lúc nào con tôi cũng có anh bên cạnh, trong khi con riêng của anh lại không được như thế với bố ruột của mình, thì theo tôi có bất công không?
Chúng tôi lời qua tiếng lại một hồi. Sau đó cũng hòa, cũng thôi. Nhưng dường như những bực bội, khó chịu đã bắt đầu len lỏi vào cuộc sống gia đình. Một vết nứt đã hình thành, và tôi không biết đến khi nào thì vết nứt ấy toạc ra, biến thành… vực thẳm sâu hút.
Tôi biết phụ nữ thường ích kỷ, nhưng nói thật, bản thân tôi đã rất cố gắng để chế ngự sự ích kỷ đó của mình. Chỉ có điều, chế ngự cũng chỉ là… chế ngự mà thôi. Kéo dây dưa, ngày này sang ngày khác, tôi càng lúc càng thấy mệt mỏi hơn vì chuyện con riêng, con tôi, con anh.
Sống chung với nhau dưới một mái gia đình, tiền bạc là chuyện không thể né tránh. Lương chồng tôi không cao không thấp. Nếu tằn tiện dành dụm và nếu chỉ có một mái gia đình, chắc chắn số tiền ấy đủ sức để góp vào cùng tôi, vun vén để có cuộc sống đủ đầy và dành dụm được để tính tới chuyện có với nhau một đứa con chung. Nhưng đằng này, lương anh lãnh về bao nhiêu thì phân nửa số đó đã phải dành cho con gái ruột.
Vài ba bữa, vợ anh nhắc anh mua sữa cho con, mua thức ăn, đồ chơi, áo quần cho bé. Bữa khác, chị lại hỏi anh tiền để đóng tiền học. Bữa sau nữa, lại là con gái muốn học đàn, muốn bố mua cho cây đàn organ. Phân nửa tiền lương còn lại, anh chi tiêu cho anh riêng đã thiếu, chứ nói gì đến chuyện đóng góp dành dụm để có con chung.
Tự dưng tôi lâm vào cảnh có chồng mà cũng… như không, lại oằn vai ra gánh vác như cũ hết mọi chi phí, thậm chí có phần tốn kém hơn xưa. Tôi không có gì để yên tâm rằng mình đang sống trong một mái nhà – tiền bạc và tâm huyết của vợ chồng đều dồn về một mối.
Chúng tôi đã không thể vượt qua “thử thách”
Cưới được hai năm, tôi mang thai. Nỗi lo sợ của một người phụ nữ khi chưa có bất kỳ cái gì chung, chưa có sự chuẩn bị tài chính, không hề có được sự bảo bọc của chồng giờ đây lại mang thai khiến tôi ngủ cũng gặp toàn ác mộng. Đã từng một lần làm single-mom, đơn thân nuôi con rồi, tôi hiểu quá rõ những khó khăn sẽ phát sinh khi một mình lo toan tất cả mọi thứ về kinh tế. Tôi cáu gắt với anh, hỏi anh tính sao thì anh cũng cáu gắt lại.
Đỉnh điểm là khi tôi có thai được hơn 6 tháng, anh cho biết con gái anh bị ốm phải nhập viện, và cần điều trị gì đó lên đến vài chục triệu đồng. Toàn bộ số tiền tôi dành dụm để đi sinh, tôi cất trong tủ, anh thú nhận anh đã lén lấy nộp viện phí cho con gái rồi, và hứa rằng sẽ tìm mọi cách xoay sở để… trả kịp cho tôi trước ngày tôi vượt cạn.
Cơn tức giận điên cuồng ập đến với tôi, cộng thêm những biến chuyển tâm lý của một thai phụ gần kỳ sinh nở đã khiến tôi lồng lộn quát tháo, ném vỡ đồ đạc, nói những lời tổn thương nặng đến anh. Rồi chúng tôi câm lặng nhìn nhau. Cuối cùng, tôi bảo: “Mình chia tay thôi, em không thể chịu đựng cảnh này thêm nữa…”.
Tôi dọn về nhà mẹ ở. Anh chạy qua chạy lại, cố chăm sóc cho tôi, nhưng tôi biết mọi thứ không thể cứu vãn. Tôi đã quá mệt mỏi rồi. Một người phụ nữ cao thượng nào đó khác có lẽ sẽ vượt qua được. Nhưng tôi thì không. Tôi chỉ có những mong ước giản đơn, một mái ấm gia đình, những chung tay đồng lòng của chồng vợ với nhau để quan tâm, săn sóc, gây dựng.
Nhưng quả thật, với người bình thường chuyện này đã khó. Với những người sau một lần tan vỡ, con riêng con chung, việc ấy lại càng khó hơn gấp bội phần.
Con tôi rồi sẽ chào đời. Và tôi ước gì trên đời đừng có bất kỳ sự tan vỡ hôn nhân nào, để đừng có rổ rá cạp lại, càng đừng có những cảnh con riêng, con chung, con anh, con em, con chúng ta như thế này…