Mọi thứ đều chưa biết. Tất cả là sự bỡ ngỡ, lo lắng, phải cậy nhờ hết vào mẹ ruột (người gần gũi nhất và nhiều kinh nghiệm nhất). Vậy, bạn nên chuẩn bị gì cho việc làm mẹ một đứa “con so”?
1. Trang bị kiến thức cho riêng mình thay vì tin theo mọi thứ “nghe được”
Chắc chắn với đứa con đầu lòng, bạn còn nhiều hoang mang nên ngay từ quá trình chuẩn bị làm mẹ, bạn đã nghe đủ thứ lời khuyên đa chiều khác nhau. Người thì bảo bạn nên làm cách này dễ có con, người khuyên bạn ăn món kia. Người nhắc bạn đi tiêm phòng trước khi lên kế hoạch sinh con, người lại cho rằng tiêm làm gì cho… nguy hiểm(!). Tất cả những thông tin ấy có thể khiến bạn bị rối.
Tốt hơn hết, bạn nên tích lũy cho mình những kiến thức khoa học từ các bác sĩ, chuyên viên tư vấn. Sách vở, internet cũng sẽ giúp bạn có thêm những hiểu biết rộng hơn. Bạn có thể đăng ký tham gia một vài khóa học tiền sản, chuẩn bị làm cha mẹ… Hãy tự tạo cho mình một cuốn sổ tay riêng, ghi chép, tích lũy dần những kiến thức hay vào, so sánh, cân nhắc. Những kiến thức ấy sẽ giúp bạn vững tin và thấy rằng không đến nổi phải nghe “tán loạn” nữa.
2. Đừng bao giờ ảo tưởng rằng việc sinh con đầu lòng là một… kỳ nghỉ!
Rất nhiều phụ nữ trẻ, sau khi lập gia đình thường cảm thấy quá tất bật với công việc ở cơ quan, kế hoạch học hành lên cao lẫn hàng núi việc nhà của một gia đình nhỏ. Khi ấy, họ bắt đầu… mơ đến việc có đứa con đầu lòng một cách hết sức “ảo tưởng”, rằng khi có con, họ sẽ có thể có được một kỳ nghỉ dài 4 tháng, không phải đi làm, ở nhà… chơi, có chồng “nuôi”, và cứ thế tha hồ ngủ suốt ngày, không phải động tay vào việc gì nữa cả.
Nếu bạn giữ suy nghĩ này thì chắc chắn khi sinh đứa con đầu lòng, bạn sẽ khủng hoảng đến mức… có nguy cơ trầm cảm! Làm mẹ một đứa con đầu lòng là công việc khó khăn, phức tạp, mệt mỏi hơn tất cả những thứ mà bạn từng trải qua. Bạn sẽ có 4 tháng “chán ngắt”, một mình quanh quẩn với tã lót, việc tắm rửa, cho bé ăn, ru bé ngủ…
Tốt hơn hết, hãy chuẩn bị tinh thần cho mình và suy nghĩ thật chín chắn về tất cả những khó khăn sẽ xảy ra. Bạn phải chuẩn bị trước một khoản tiền lớn để có thể lo chu toàn cho bé. Bạn phải sắp xếp công việc ổn thỏa. Bạn phải tự tin rằng mình sẽ bước từng bước trên con đường gian nan đó, để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mang tên: Làm mẹ!
3. Làm một trang blog, hoặc một cuốn nhật ký, cũng như chuẩn bị máy chụp hình, quay phim để ghi lại mọi cảm xúc suốt quá trình Làm mẹ
Đứa con đầu lòng là một kỷ niệm thiêng liêng không bao giờ lặp lại. Vì vậy, đừng để những tất bật làm bạn quên luôn việc ghi chép, lưu giữ những cảm xúc này lại nhé. Bạn có thể dành một chút thời gian để chuẩn bị sẵn một cuốn nhật ký cho con, thay bé ghi chép lại tất cả.
Từ quá trình chuẩn bị, đến chín tháng thai kỳ và lúc con chào đời… Những chuẩn bị này không chỉ giúp bạn cảm thấy sẵn sàng hơn mà nó còn là một “tài liệu” vô cùng quý báu để bạn có thêm nhiều kinh nghiệm khi sinh những đứa con sau.
Tốt hơn hết, bạn hãy mở cho mình một trang blog ngay từ lúc này. Trang trí blog, chia sẻ những cảm xúc với các bà mẹ có con trước bạn để học hỏi thêm kinh nghiệm. Dành ra mỗi ngày 10-15 phút ghi chép những tình cảm của bạn bởi đứa con tương lai. Viết cho con biết những mong chờ, hồi hộp của vợ chồng bạn. Trang nhật ký gia đình này sẽ giúp tạo nên mối dây liên kết chặt chẽ biết bao.
4. Đừng chi tiêu phung phí
Chuẩn bị có con là bạn đã chính thức bước sang một cuộc sống mới, với những bộn bề lo toan mới. Nếu như trước đó, bạn luôn “rộng rãi” chi tiêu theo kiểu “xả láng sáng về sớm” thì bây giờ, bạn nhất thiết phải điều chỉnh lại và luôn có khoản dự phòng trong gia đình rồi đấy.
Ngay khi chuẩn bị làm mẹ, bạn đã thường xuyên… liếc nhìn những chiếc xe nôi sang trọng, những bộ váy áo bầu đắt tiền và “mơ mộng” rằng mình sẽ mua chúng lập tức nếu biết mình có thai. Thật ra, không cần thiết phải đến mức ấy đâu. Không nên lơ là việc chăm sóc cho bản thân mình, song đồng thời, bạn cũng cần bắt đầu tính toán sao cho việc chi tiêu hợp lý nhất.
Tốt hơn hết, hãy để ý xem có anh chị em, họ hàng nào có bé trước bạn để đổi hoặc xin một số vật dụng đã được dùng trước đó. Nếu muốn mua mới, hãy thận trọng cân nhắc để thứ mua mới dùng được cả cho lần sinh sau. Bàn tính với chồng những chi tiêu cho con. Bằng cách này, bạn sẽ không bị khủng hoảng túi tiền sau khi biết tin mình “lên chức”.
5. Sắp xếp, chuẩn bị những sự giúp đỡ từ người thân…
Bà mẹ sinh con đầu lòng khôn ngoan là bà mẹ biết cách “huy động” tất cả mọi người cùng hợp sức với mình. Đừng quên vai trò của người chồng. Ngay từ lúc này, khi lên kế hoạch chuẩn bị để có đứa con đầu lòng, bạn hãy “kéo” anh ấy vào cuộc và cùng tạo nên những suy nghĩ tích cực, có trách nhiệm, hứng thú với con từ anh ấy.
Tốt hơn hết, bạn hãy đăng ký để chồng cùng tham gia những lớp học tiền sản. Anh ấy sẽ tích cóp được những kiến thức hữu ích để phụ giúp bạn trong quá trình mang thai, sinh nở, nuôi con. Đồng thời, bạn cũng sẽ dễ dàng thống nhất hơn với chồng về việc nuôi dạy con sau này.
Ngoài chồng, bạn cũng cần “huy động” sẵn sự giúp đỡ từ những người thân khác như ông bà nội ngoại hai bên. Đừng ngần ngại tìm đến họ, vì bằng cách đó, sau khi có bé, bạn sẽ khỏe hơn, có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, thư giãn.