Mẹ và Con - Sau sinh cơ thể của phụ nữ có nhiều thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần, kết hợp thêm nhiều yếu tố khác nhau có thể gây nên trầm cảm sau sinh. Việc nhận biết, chăm sóc và điều trị như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu!

Rất nhiều chị em phụ nữ sau khi sinh phải đối mặt với rất nhiều thay đổi về mặt sức khỏe tâm thần. Có người đơn giản là mệt mỏi, lo lắng, buồn bã, nhưng cũng có người lại rơi vào trầm cảm sau sinh. Làm thế nào để có thể nhận biết và vượt qua tình trạng này? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay qua bài viết sau đây nhé!

Bệnh trầm cảm sau sinh là gì?

Bệnh trầm cảm sau khi sinh là một loại rối loạn về sức khỏe tâm thần rất dễ mắc phải sau khi sinh bé. Trầm cảm có thể đến bất cứ lúc nào trong suốt 1 năm đầu đời của bé, đặc biệt nhất là 3 tuần đầu tiên sau khi sinh. Nếu mắc phải hội chứng này, các mẹ sẽ có cảm giác vô vọng, buồn cảm thấy có lỗi vì bản thân không làm được gì, không muốn làm bất kỳ việc gì kể cả chơi và chăm sóc với bé.

Trầm cảm sau khi sinh không chỉ xuất hiện nhiều ở những bà mẹ sinh con lần đầu tiên, mà ngay cả những bà mẹ sinh con lần 2 lần 3 vẫn có nguy cơ bị chúng tấn công.

Những ảnh hưởng của trầm cảm sau sinh

Khi bị trầm cảm, người mẹ sẽ không còn tâm trạng để chăm sóc cho gia đình, đặc biệt là trẻ mới sinh. Đối với bản thân người mẹ, trầm cảm sau khi sinh gây ra nhiều ảnh hưởng ghê gớm về sức khỏe và cuộc sống. Đầu tiên có thể thấy là ảnh hưởng đến cân nặng như: suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh, sụt cân trầm trọng…

Nếu để trầm cảm trở nặng, người mẹ thường có những suy nghĩ không muốn tiếp tục cuộc sống, luôn cảm giác mọi người xung quanh đang muốn gây hại mình, thậm chí có những trường hợp trầm cảm sau khi sinh nghĩ con mình bị “thế lực” siêu nhiên nào đó nhập nên muốn tìm cách trừ tà vô tình ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tính mạng của bé. Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc cho mẹ và bé liên quan đến trầm cảm sau khi sinh.

trầm cảm sau sinh

Dấu hiệu trầm cảm sau khi sinh

Bệnh trầm cảm thường rất khó phát hiện cho đến khi người bệnh có những hành động làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân hay trẻ nhỏ. Chính vì vậy, việc nhận biết những dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau khi sinh là điều rất quan trọng.

Suy nhược cơ thể

Trên thực tế có nhiều phụ nữ sau khi sinh con liền rơi vào trạng thái đau khổ, tuyệt vọng thậm chí là khóc không ngừng dù có không có bất kỳ yếu tố nào ảnh hưởng. Đôi khi họ sẽ thấy mình bị bỏ rơi, chồng không quan tâm nhiều nữa. Các cảm giác này kéo dài sẽ khiến tâm trạng luôn trong trạng thái căng thẳng dẫn đến mệt mỏi thường xuyên và suy nhược cơ thể.

Nếu bạn nhận thấy dấu hiệu này ở người phụ nữ sau sinh, nhưng không phải lý do sức khỏe thì nguy cơ trầm cảm sau khi sinh rất cao.

Lo lắng và đau cơ thường xuyên

Sau khi sinh, nhiều mẹ thường có rất nhiều nỗi lo về bản thân và gia đình con cái. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài khiến bạn phải suy nghĩ rất nhiều kèm theo triệu chứng đau đầu, đau lưng ngực không rõ nguyên nhân hãy chia sẻ ngay với người thân và bạn bè để họ cùng theo dõi tình trạng với bạn.

Hoảng hốt với mọi thứ

Phụ nữ trầm bị trầm cảm sau khi sinh thường cảm thấy hoảng hốt với mọi thứ xung quanh, đặc biệt là họ rất khó lấy lại bình tĩnh. Vì thế, họ hay hoảng sợ và tưởng tượng rất nhiều. 

Căng thẳng

Căng thẳng được xem là biểu hiện đầu tiên của chứng trầm cảm sau khi sinh. Tuy đây là biểu hiện chung của các mẹ sau sinh, nhưng bạn có thể phân biệt giữa căng thẳng bình thường và căng thẳng có nguy cơ trầm cảm dựa vào mức độ.

Thông thường những mẹ sau sinh có nguy cơ trầm cảm thường sẽ có mức độ căng thẳng dày đặc hơn, thậm chí là kéo dài cả ngày.

Cảm giác bị ám ảnh

Chứng trầm cảm sau sinh thường có biểu hiện là ám ảnh về một ai đó, luôn có cảm giác họ sẽ gây ra những hành động có hại cho mình và con của mình. Bên cạnh đó, một dấu hiệu đặc trưng của chứng trầm cảm là cảm thấy tội lỗi, dù họ không gây ra bất kỳ chuyện gì. 

nguyên nhân trầm cảm sau sinh

Mất tập trung

Do ảnh hưởng từ những dấu hiệu trên như căng thẳng thường xuyên, lo lắng, âu lo… nên phụ nữ mắc trầm cảm sau khi sinh thường rất khó tập trung để làm một việc gì đó. Họ thường tự cảm nhận rằng trí nhớ của mình sao kém quá và đôi lúc không xâu chuỗi được suy nghĩ.

Rối loạn giấc ngủ

Thông thường, người bị trầm cảm sẽ rất khó ngủ, dù đã mất rất nhiều thời gian cũng như sức lực để chăm bé nhưng khi có thời gian rảnh cũng rất khó ngủ. Chứng rối loạn giấc ngủ có thể hình thành là do suy nghĩ luôn trong tình trạng căng thẳng, ám ảnh có người đang muốn hại mình…

Không hứng thú với chuyện “giường chiếu”

Phụ nữ sau sinh bị trầm cảm thường sẽ cảm thấy không còn hứng thú trong chuyện chăn gối. Nếu gặp phải tình trạng này, các mẹ nên chia sẻ thẳng thắn với chồng để cả hai có thể thông cảm cho nhau và cùng theo dõi tình trạng.

Ngoài ra, một vài dấu hiệu tâm lý thường gặp ở những phụ nữ trầm cảm sau sinh dễ nhận thấy như:

  • Thay đổi khẩu vị và tăng, giảm cân thất thường
  • Không còn hứng thú với bất kỳ hoạt động nào
  • Suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm
  • Thường có suy nghĩ muốn kết liễu cuộc sống

Nguyên nhân trầm cảm sau sinh

Trên thực tế không có bất kỳ nguyên nhân duy nhất nào gây ra trầm cảm sau khi sinh. Thay vào đó là các vấn đề về thể chất và cảm xúc góp phần gây bệnh như:

Thay đổi về cơ thể: Sau khi sinh, các hormone (estrogen và progesterone) trong cơ thể mẹ sẽ giảm đáng kể, các hormone tuyến giáp cũng có thể giảm mạnh làm bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải và chán nản.

Vấn đề cảm xúc: Giấc ngủ không đảm bảo, ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn. Bạn luôn lo lắng về khả năng chăm con, lo lắng về vóc dáng sau sinh đã không còn hấp dẫn như trước hay cảm thấy cuộc sống đã mất tự do… Đây đều là những yếu tố góp phần gây nên trầm cảm sau khi sinh.

Những ai có nguy cơ bị trầm cảm?

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), khoảng 15% phụ nữ sau sinh có dấu hiệu trầm cảm sau sinh. Ngoài ra, những yếu tố sau đây sẽ tăng nguy cơ trầm cảm sau khi sinh con:

  • Sinh con ở độ tuổi dưới 18 dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng sau sinh và nguy cơ trầm cảm là rất cao
  • Trải qua những sự việc buồn, sốc tâm lý: bệnh, thất nghiệp, tình cảm tan vỡ…
  • Mâu thuẫn gia đình, không có được sự chia sẻ động viên từ người chồng
  • Thai kỳ diễn ra không như mong muốn, gặp phải các biến chứng thai kỳ nguy hiểm như: thai lưu, sảy thai…
  • Sinh con lần đầu
  • Phụ nữ có bệnh sử bị trầm cảm, trong lúc mang thai hoặc vào những thời điểm khác
  • Mắc phải các rối loạn lưỡng cực

Điều trị trầm cảm thế nào?

Trầm cảm sau khi sinh gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tâm lý của cả mẹ và con, nhưng các mẹ cũng không cần lo lắng quá nhiều. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị được, nếu phát hiện sớm. Sau đây là một số phương pháp điều trị trầm cảm sau khi sinh hiệu quả như:

Tư vấn tâm lý

Phụ nữ sau sinh bị trầm cảm sẽ được nói chuyện riêng với chuyên gia sức khỏe tâm thần hay các bác sĩ tâm lý. Đây là phương pháp hữu hiệu đối với trường hợp trầm cảm nhẹ. Các bác sĩ thường sẽ dùng những liệu pháp hành vi nhận thức, giúp người mắc trầm cảm nhận ra và thay đổi những hành vi tiêu cực của mình.

Thư giãn nhiều hơn

Kết hợp cùng các phương pháp điều trị khác, bản thân người mắc trầm cảm cũng cần xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh như: Tập thể dục thường xuyên, duy trì các sở thích cá nhân, hoạt động xã hội nhiều hơn… sẽ giúp quá trình điều trị diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc điều trị trầm cảm sau sinh cũng là một trong những cách hiệu quả để điều trị bệnh. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng ức chế não bộ, điều chỉnh tâm trạng. Tuy nhiên việc dùng thuốc chống trầm cảm cần được xem xét và theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là những mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ, nếu điều trị bằng thuốc cần tuân thủ đúng liệu trình không nên tăng hay giảm lượng thuốc tùy ý.

cách khắc phục trầm cảm sau sinh

Cho con bú nhiều hơn

Mẹ biết không, một trong những phương pháp điều trị trầm cảm sau khi sinh hiệu quả đó là cho con bú thường xuyên hơn. Khi trẻ bú mẹ, cơ thể mẹ sẽ kích thích những “hormone hạnh phúc” giúp cải thiện tâm trạng rất tốt.

Trên đây là những kiến thức mẹ nên bổ sung vào cẩm nang làm mẹ của mình, không những cho bản thân mà còn giúp những mẹ bỉm sữa xung quanh bạn phòng tránh được trầm cảm sau sinh. Mẹ và Con chúc bạn thật nhiều sức khỏe, gia đình đầm ấm! 

Bài viết liên quan