Nhiều nghiên cứu công phu trên thế giới cũng khám phá ra rằng: Bữa ăn thiếu chất là yếu tố chính đẩy cơ thể trẻ đến chỗ dễ lâm bệnh hiểm nghèo. Chú trọng tăng cường mỗi ngày một chút những món dễ tìm dưới đây, bạn có thể giúp bé yêu và các thành viên khác trong gia đình có một sức đề kháng tốt hơn.
1. Cho trẻ ăn chất béo “tốt bụng”
Chất béo “tốt bụng” là chất béo có nguồn gốc từ thực vật hoặc có chứa omega-3 nhằm cung cấp cho cơ thể vật liệu cần thiết để sản xuất các hoóc-môn chống viêm nhiễm, hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch. Một số loại cá biển (cá hồi, cá ngừ) rất giàu axit béo omega-3. Ngoài ra, thay vì cho con ăn mỡ heo, bạn nên thủ trong nhà bếp của mình các chai dầu hạt cải, dầu oliu – những loại dầu ăn được xếp vào nhóm chất béo tốt nhất, rưới nửa muỗng cà phê vào chén cơm hoặc canh của trẻ mỗi ngày.
2. Tỏi – Tại sao không?
Bạn thường không muốn cho con ăn tỏi vì sợ bé bị hôi miệng. Nhưng có lẽ bạn đã không biết rằng đây là một trong số những thức ăn được xếp hàng đầu về tác dụng giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt hơn, để chống lại vi khuẩn, vi-rút gây bệnh.
Tỏi có chứa allicin, ajoene và thiosulfinates, ba hợp chất mạnh mẽ giúp cơ thể ngăn chặn và chống lại các bệnh lây nhiễm. Các hợp chất này có tính kháng khuẩn mạnh đến mức nước tỏi tươi có tác dụng ngang với kháng sinh trong việc tiệt trùng các vết thương nhỏ. Các bằng chứng thực nghiệm cho thấy, trẻ được cho ăn một lượng tỏi thường xuyên thì các vết thương do trầy xước, té ngã… luôn lành nhanh hơn trẻ khác.
Bạn có thể dùng một vài tép tỏi tươi để xào chín sơ cho trẻ ăn, hoặc dùng tỏi tươi nghiền nát, trộn lẫn trong các món ăn khác đều được. Chú ý không nên cho trẻ ăn tỏi ngâm hoặc tỏi bằm sẵn để lâu vì các chất trong tỏi sẽ giảm tác dụng theo thời gian, không còn tác dụng đề kháng mạnh như ban đầu nữa.
3. Tăng cường cà rốt
Cà rốt không chỉ cung cấp vitamin A mà còn chứa một số hợp chất có khả năng nâng cao sức đề kháng của cơ thể, giúp cơ thể tấn công và tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh. Bạn nên dùng cà rốt sống sẽ tốt hơn là khi đã nấu chín hoặc hầm quá lâu. Chế biến như thế nào để phù hợp với trẻ? Xin gợi ý vài cách như: Bạn có thể thái sợi một ít cà rốt, trộn lẫn với các loại quả khác như táo, lê… làm thành món salad củ quả cho bé nhâm nhi thay món ăn vặt. Hoặc có thể ép cà rốt tươi với một ít lê (giúp át bớt mùi cà rốt), để vào ngăn mát tủ lạnh, cho bé uống một ly nhỏ mỗi ngày.
4. Và cả các loại rau củ quả màu vàng cam…
Để đổi món với cà rốt, bạn cũng có thể tìm đến các loại rau củ quả có màu vàng cam như khoai lang, bí đỏ, đu đủ, lê ki ma… sẽ giúp tăng cường vitamin A cho bữa ăn hàng ngày. Đừng quên vitamin A rất cần cho da – mà da vốn là tuyến phòng vệ đầu tiên của hệ miễn dịch. Những loại rau củ quả này đều là những thức ăn giàu beta-caroten, khi hấp thu vào cơ thể sẽ được chuyển hóa nhanh chóng thành vitamin A. Ở nước ta, các loại quả như gấc, dưa hấu, cà chua (màu đỏ thắm) hay rau ngót, rau muống (màu xanh đậm) cũng có chứa nhiều beta-caroten với công dụng tương tự.
5. Hai hộp sữa chua
Hai hộp sữa chua mềm mỗi ngày. Đó là một công thức đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả để giúp bé tránh xa bệnh tật. Sữa chua có chứa các vi khuẩn dạng tốt, nhằm đảm bảo giúp cơ thể vận hành một cách hoàn hảo. Đơn cử như khuẩn acidophilus trong sữa chua giúp sản sinh acid lactic ở ruột, giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn và phân hủy các hợp chất phức tạp thành những đơn chất dễ hấp thụ. Không có acidophilus, cơ thể sẽ không thể hấp thụ được chất dinh dưỡng và hệ thống miễn dịch sẽ sụp đổ. Thêm vào đó, acidophilus còn chủ động tấn công các vi khuẩn gây bệnh như vi khuẩn gây bệnh lỵ, nó còn giúp phòng bệnh tiêu chảy và thậm chí cả các bệnh do vi-rút gây ra.
Bạn nên cho trẻ ăn sữa chua vào bữa xế và bữa sáng, mỗi lần một hộp. Nếu bé thích trộn sữa chua với các loại trái cây, có thể chọn dưa hấu, lê, táo, dưa gang… mỗi loại một ít, thái thành thỏi vuông nhỏ, sau đó trộn sữa chua vào thành một món ăn vặt hoàn hảo cho con.
6. Một ít hàu hoặc thịt bò
Với trẻ trên 8 tuổi, hệ tiêu hóa ít khi gặp vấn đề khi thử các món đồ biển, thì thỉnh thoảng bạn nên cho trẻ nếm một ít hàu. Hàu chứa rất nhiều kẽm, là một trong những vi chất tốt nhất giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể. Kẽm giúp tái tạo lại các tế bào bạch cầu, làm chúng mạnh hơn khi chống lại các bệnh lây nhiễm. Kẽm là nguyên tố cần thiết cho tế bào và nó sản sinh ra khoảng 100 loại enzyme khác nhau giúp nâng cao các phản ứng hoạt hóa của cơ thể.
Thiếu kẽm chỉ ở mức độ thấp đã có thể làm giảm khả năng miễn dịch, thiếu kẽm ở mức nghiêm trọng có thể làm cho hệ thống miễn dịch sụp đổ hoàn toàn. Vì thế, nếu bé không dị ứng với đồ biển thì đây là một món bạn nên cho bé ăn khoảng 1-2 lần/tháng. Mỗi lần khoảng 1 con là đủ. Trong trường hợp bé dị ứng, không ăn được hàu thì bạn có thể thay bằng thịt bò, cua, đậu đũa… cũng là những món ăn có chứa nhiều kẽm, dễ tìm mua.
7. Tăng cường cho trẻ ăn nấm
Nấm cũng là một thức ăn giúp tăng sức đề kháng. Nó có tác dụng giúp cơ thể tăng việc sản xuất bạch cầu, bảo vệ cho cơ thể trước các vi khuẩn lạ. Các giống nấm tốt nhất là nấm hương, nấm mỡ rất dễ kiếm ở các chợ hay siêu thị tại ViệtNam. Ngoài ra, bạn có thể dùng các loại nấm linh chi, nấm đông cô… nấu súp nấm, canh nấm, cho trẻ ăn 2-3 lần/tuần cũng rất tốt.
8. Một chút trà xanh sẽ giúp tăng đề kháng
Đừng nghĩ chỉ người lớn mới dùng đến trà. Trà xanh (như trà Thái Nguyên) là một nguồn Polyphenols dồi dào. Các chất Polyphenols sẽ thanh toán các “gốc tự do” (là những mầm mống dẫn đến bệnh tật), giúp trẻ có sức đề kháng tốt hơn. Bạn có thể cho con uống một chút trà xanh sau khi trẻ đã ăn no (để khỏi bị khó chịu bụng), hoặc kỳ công hơn nữa là chế biến vài món chè từ trà xanh nấu cùng hạt sen, củ năng. Các món tráng miệng này vừa thơm ngon, hấp dẫn với trẻ, vừa rất tốt cho việc ngăn ngừa bệnh tật.
Đừng quên vitamin A rất cần cho da – mà da vốn là tuyến phòng vệ đầu tiên của hệ miễn dịch.
9. Nho đỏ
Chắc hẳn từng có những lúc, bạn đọc báo và nghe nói rằng nếu uống rượu vang đỏ (uống có mức độ chỉ 1 cốc nhỏ mỗi ngày) sẽ làm tăng sức khỏe và tăng tuổi thọ. Đây là điều có thật. Nguyên nhân là trong nho đỏ có chứa các chất với đặc tính kháng oxy mạnh, giúp cơ thể vững vàng hơn trước những tấn công bên ngoài. Tuy nhiên, tất nhiên là bạn không cần phải tập cho con… uống rượu vang đỏ rồi! Bạn chỉ cần cho trẻ ăn nho đỏ, loại tươi, có cả vỏ. Món trái cây này sẽ giúp trẻ hiếm khi phải đến “thăm” bác sĩ.
Bé nhà tôi được 6 tuổi. Cháu rất ốm yếu, hay bệnh vặt, ăn uống kém. Một vài người quen mách tôi nên cho con dùng yến sào để bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng. Xin hỏi, trẻ 6 tuổi có thể dùng được yến sào không? Liều lượng thế nào? Yến sào là tổ của chim yến, được xếp vào một trong tám món ăn bổ dưỡng đặc biệt trong tự nhiên. Sở dĩ có được công dụng này là vì yến sào chứa đến 18 loại axit amin, một số axit amin có hàm lượng rất cao có tác dụng tái tạo tế bào cơ, các mô và da, tăng cường trí nhớ, tăng dẫn truyền xung động thần kinh, tăng hấp thu vitamin D từ ánh sáng mặt trời, có tác dụng phục hồi nhanh khi cơ thể bị nhiễm xạ hay tổn thương hồng cầu…
Ngoài axit amin, yến sào còn chứa 31 nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, với trẻ có thể chất ốm yếu, hay bệnh vặt, yến sào phát huy thế mạnh của mình rất tốt vì có khả năng kích thích sinh trưởng những tế bào bạch cầu có tác dụng sinh kháng thể, giúp cơ thể phục hồi nhanh. Nếu có điều kiện, bạn có thể cho trẻ ăn mỗi tuần 1 tổ yến nhỏ. Chưng tổ yến cách thủy, chia làm ba phần, cách một ngày cho trẻ ăn một phần (phần chưa ăn bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh).
CON CŨNG CÓ SỨC ÐỀ KHÁNG TỐT HƠN, NẾU BẠN… 1. Cân bằng các nhóm chất trong bữa ăn cho bé
Khi bạn chuẩn bị các bữa ăn cho bé hàng ngày, nếu không chú ý giữ vững cân bằng dinh dưỡng thì sẽ khiến cho sức đề kháng của bé yếu đi. Nên cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm, nhiều chất xơ, hoa quả tươi. Hạn chế nấu quá mặn, quá ngọt, quá chua.
2. Không nên cho trẻ ăn quá no
Hệ tiêu hóa của trẻ thường rất yếu. Nếu bạn cho bé ăn quá no sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, bé sẽ bị đau bụng hoặc cảm thấy đầy bụng, khó tiêu, không có cảm giác ngon miệng. Mỗi bữa ăn, chỉ nên cho con ăn vừa đủ.
3. Uống nhiều nước đun sôi để nguội
Nhắc trẻ uống nhiều nước để hỗ trợ cho hệ tiêu hóa nói riêng và cả cơ thể nói chung. Nên tập cho con thói quen uống nước đun sôi để nguội, hạn chế các loại nước ngọt, nước uống đóng chai. Nước đá cũng không tốt cho trẻ. Nếu bé đòi quá, bạn cũng chỉ nên cho trẻ uống nước để trong ngăn mát tủ lạnh chứ không dùng đến đá.
4. Tập cho con rửa tay trước mỗi bữa ăn
Thói quen nhỏ này chính là cách hữu hiệu giúp bảo vệ cơ thể trẻ trước bệnh tật. Bạn nên tập cho trẻ thành thói quen. Việc rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi chơi đùa… sẽ tránh việc đưa vi khuẩn và mầm bệnh vào người bé.
5. Không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh
Việc tự ý dùng thuốc kháng sinh thì sẽ dẫn tới hiện tượng bé dễ bị “lờn” thuốc, cơ thể không thể tự chống lại sự xâm nhập của những loại vi khuẩn trong môi trường xung quanh nữa. Chỉ nên cho trẻ uống kháng sinh khi thật cần thiết, theo đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ.