Ngay từ khi mang thai, tôi đã có những hình dung về một ca sinh nở suôn sẻ sẽ như thế nào. Tôi và chồng tham gia lớp học tiền sản, đọc sách và tập thiền để chuẩn bị tâm lý khi vượt cạn. Nhưng thực tế là chuyện sinh đẻ không giống với tất cả những điều tôi được nghe ở lớp học, đọc trong sách và sự tưởng tượng của tôi. Là bố mẹ, chúng tôi đã cố gắng hết sức để làm điều tốt đẹp nhất cho “những món quà” mà chúng tôi được ban tặng.
Ba lần sinh con với các cách khác nhau, tôi thấy mình thật may mắn vì được trải nghiệm những điều mà không phải ai cũng có. Mọi người thường hỏi tôi rằng: “Sinh con kiểu nào dễ nhất?”. Sự thực là một hình thức sinh con đều có những thử thách khác nhau về tinh thần và thể chất. Nhưng chỉ cần các con tôi sinh ra khỏe mạnh, xinh xắn thì với tôi, đó là điều hoàn hảo.
Lần đầu tiên sinh thường, gây tê màng cứng (Phương pháp sinh không đau)
Chính xác là khi tôi mang thai ở tuần thứ 40 thì có dấu hiệu chuyển dạ. Tôi nhập viện và bác sĩ khuyên tôi nên cố gắng chịu đau để sinh con một cách tự nhiên, không sử dụng bất kỳ phương pháp giảm đau hay sự can thiệp y tế nào. Nghe có vẻ rất đáng sợ nhưng tôi cũng đồng ý. Thật tiếc là tôi đã không thành không sau nhiều giờ đồng hồ cố gắng, chịu đựng những cơn đau đến quặn cả người và rơi không ít nước mắt.
Tôi được bác sĩ gây tê màng cứng. Tôi vẫn cảm nhận được các cơn co nhưng cơ thể thì dường như được “nới lỏng” hơn. Cổ tử cung mở dần từng cm cho tới khi đạt tới con số 10 thì bác sĩ và chồng tôi đẩy gập đầu gối của tôi lên, sẵn sàng cho em bé chào đời. Cổ tử cung giãn ra khi bác sĩ kéo em bé khiến tôi chảy nước mắt. Và tất nhiên, tôi không được nghỉ ngơi mà chịu thêm các mũi khâu phải được thực hiện ngay sau khi sinh.
Tôi cảm thấy hơi thất vọng một chút vì mình đã không làm được như dự định ban đầu nhưng tôi nghĩ gây tê màng cứng là cần thiết để giúp tôi chống chọi với cơn đau. Dù sao thì tôi cũng đã làm tốt nhất có thể. Con gái tôi bị dây rốn quấn cổ khi chào đời nhưng thật may là không có gì nguy hiểm. Bác sĩ nói với tôi rằng nếu bé to hơn và sinh chậm hơn thì có thể xảy ra biến chứng phức tạp. Vì thế, tôi nghĩ rằng, gây tê màng cứng là sự lựa chọn đúng và chẳng có gì đáng sợ như nhiều người vẫn nói. Tôi đã có được trải nghiệm đầu đời về chuyện sinh nở như thế đấy.
Lần thứ 2 sinh mổ cấp cứu
Bé thứ hai của chúng tôi chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Khi đó, tôi đang ở công viên và cảm thấy có điều bất ổn nên đã bắt xe tới thẳng bệnh viện. Em bé mới được 37 tuần nhưng gặp một số vấn đề nên bác sĩ khuyên tôi nhập viện để sinh mổ ngay. Họ đẩy giường của tôi vào một căn phòng và kéo rèm ngang ngực tôi, không cho tôi nhìn thấy phía dưới. Chồng tôi cũng đã có mặt và ngồi bên cạnh tôi. Khi bác sĩ bắt đầu mổ, tôi có cảm giác như một quả bóng rổ vừa bị làm rách. Nó không giống như những gì tôi tưởng tưởng.
Con trai tôi chào đời nặng 3,1 kg nhưng gặp vấn đề về hô hấp nên được chuyển sang phòng cấp cứu trẻ sơ sinh. Khi bé được đưa đi, tôi đã bảo chồng hãy đi cùng với con và tôi có thể ở lại một mình, tiếp tục chịu đựng nốt các công đoạn của sinh mổ mặc dù tôi biết nếu có anh ấy ở lại, tôi sẽ đỡ sợ hơn.
4 tiếng sau khi ca mổ hoàn thành, tôi không được nhìn thấy con trai mình. Tôi nằm một mình trên giường mà nước mắt cứ tự nhiên lăn dài trên má. Cô y tá tới gần giường của tôi, cho tôi xem bức ảnh cô ấy vừa chụp con trai tôi. Và tôi lại càng khóc nhiều hơn.
So với lần đầu tiên, khi sinh mổ, tôi bị tâm lý nhiều hơn. Tôi cảm giác như mình đã thất bại thảm hại trong công việc làm mẹ, không thể đem đến điều tốt nhất cho con. Nằm ở phòng chờ, tôi thấy mình như kẻ “tội đồ” bị bỏ rơi. Nhưng rồi những suy nghĩ kinh khủng đó cũng qua đi khi tôi nhìn con trai, ôm con trong vòng tay. Lúc đó, tôi biết mình đã lựa chọn đúng.
Là cha mẹ, có những lúc, chúng ta phải đưa ra quyết định quan trọng cho gia đình mình. Và khi sinh nở, lựa chọn cách sinh nào tốt nhất có thể cho cả mẹ và bé mới là điều nên làm. Việc sinh mổ đem đến cho tôi nhiều tổn thương về tinh thần và cơ thể. Tôi mất thời gian lâu hơn để hồi phục sau sinh nhưng nó giúp tôi học cách xoay sở tốt.
Lần thứ 3 sinh thường, không gây tê màng cứng
Khác với lần sinh thường đầu tiên, vì đã trải qua lần sinh mổi trước đó nên ngay từ lúc mang bầu, tôi đã phải trao đổi vấn đề này với bác sĩ sản khoa của mình. Bác sĩ hỏi tôi có muốn sinh mổ chủ động không nhưng tôi từ chối bởi vì quá trình mang thai của tôi khá suôn sẻ và bác sĩ cũng tính toán cho tôi thấy xác suất sinh thường thành công của tôi cao.
Tôi đặt ra mục tiêu cho mình là phải sinh con một cách tự nhiên nhất có thể. Tôi đọc rất nhiều tài liệu liên quan, tham khảo kinh nghiệm của những người đã sinh thường thành công sau khi mổ đẻ. Tôi thực sự khao khát được cảm nhận một lần nữa từng cú đạp chân của bé con khi cố gắng ra ngoài – điều mà tôi đã bỏ lỡ trong lần sinh thứ hai.
Khi bắt đầu có những cơn co thắt, tôi gọi cho hộ lý đến để hướng dẫn tôi phải làm thế nào. Tôi đi bộ quanh nhà, tắm nước nóng, sơn móng tay màu hồng… làm tất cả để cảm thấy bớt căng thẳng. Cho tới khi những cơn co tăng dần, tôi không thể nói chuyện được bình thường nữa thì chúng tôi đi đến bệnh viện. Tôi nhớ rằng mình đã được hỏi không chỉ một lần mà tới 2-3 lần rằng có muốn tiêm gây tê màng cứng không nhưng tôi kiên quyết trả lời: “Không”. Tôi bị vỡ ối và con trai của tôi chào đời sau 30 phút nhập viện. Bé khỏe mạnh, còn tôi thì cảm thấy hạnh phúc và đôi chút tự hào vì có thể sinh con theo cách hoàn toàn tự nhiên.
Cách tốt nhất để sinh con
Mọi người thường nói rằng họ cảm thấy khỏe hơn sau một ca sinh thường, còn riêng tôi, tôi cảm thấy đói và mệt. Khác biệt duy nhất sau mỗi lần sinh chính là thái độ của tôi với cách tôi hình dung và thực tế diễn ra. Sinh thường sau khi đã sinh mổ cũng không có gì dễ hơn hay khó hơn sinh thường gây tê màng cứng hay sinh mổ cấp cứu. Tất cả đều có sự thử thách và phần thưởng ngang nhau. Thực sự thì mọi ca sinh nở đều là một điều kỳ diệu.
Ba lần sinh con khác nhau, tôi nhận ra rằng chẳng có ai hoàn hảo trong chuyện này cả. Mỗi lần sinh con đều phải lên kế hoạch, đưa ra quyết định, đối diện với sự căng thẳng, nỗi đau, cơn đói và nỗi vất vả hồi phục sau sinh. Tất cả các phương pháp sinh đẻ đều đòi hỏi người mẹ phải có sức khỏe và niềm tin rằng chúng ta có thể làm được những điều khó khăn.