Chúng ta vẫn thường huyễn hoặc chính mình rằng, khi bước ra khỏi một cuộc hôn nhân tan vỡ, mình sẽ là người đau khổ nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, với những gia đình đã có con, việc bố mẹ ly hôn gây rất nhiều tổn thương đối với con cái. Đôi khi, nỗi đau mà trẻ gặp phải sẽ chẳng kém cạnh với nỗi đau mà bạn đang chịu đựng.
Bố mẹ ly hôn ảnh hưởng như thế nào đối với con cái?
Cảm giác có lỗi
Với nhiều đứa trẻ, khi biết bố mẹ ly hôn, trẻ dễ xảy ra phản ứng tâm lý có lỗi. Trẻ dễ cho rằng mình chính là lý do khiến cuộc sống hôn nhân của bố mẹ tan vỡ hoặc bản thân mình có lỗi khi không thể giúp cho bố mẹ về bên nhau. Cảm giác có lỗi này có thể bén rễ, ăn sâu vào tâm lý của trẻ và khiến trẻ hình thành tư tưởng tất cả mọi lỗi lầm đều là do bản thân mình.
Trong một số trường hợp, khi bố hoặc mẹ không có quyền chăm sóc con cái có thể trở nên xa cách hơn với con. Điều này có thể làm cho trẻ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc lo lắng rằng mình đã làm sai điều gì đó.
Những ảnh hưởng từ bài toán kinh tế
Nuôi con một mình bao giờ cũng vất vả hơn rất nhiều. Ngoại trừ những trường hợp gia đình khá giả, có điều kiện kinh tế ổn định thì hầu như tất cả những gia đình sau khi ly hôn đều trải qua câu chuyện tài chính khi nuôi dạy con. Việc vừa đi làm vừa một mình gồng gánh kinh tế vừa là thử thách đối với những người bố, người mẹ đơn thân và vừa là một khó khăn đối với trẻ.
Trẻ sẽ e dè hơn khi muốn mua bất cứ món đồ nào vì nghĩ rằng gia đình mình không đủ tiền, hay trẻ sẽ trở nên tự ti hơn vì nghĩ gia đình mình không khá giả bằng các bạn. Những người bố, người mẹ đơn thân phải dành nhiều thời gian hơn cho công việc nên sẽ không thể ở bên trẻ, đồng hành cùng trẻ mọi lúc mọi nơi. Đây sẽ là một thiệt thòi rất lớn với những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn.
Ảnh hưởng đến thành tích học tập
Xuất thân từ một gia đình có bố mẹ ly hôn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển học tập của con trẻ. Sự căng thẳng từ mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” của bố mẹ như sự thay đổi trong cuộc sống và thói quen có thể gây ra những vấn đề ảnh hưởng đến thành tích học tập của trẻ. Bố hoặc mẹ có thể phải làm việc nhiều giờ hơn và có ít thời gian hơn để cùng trẻ làm bài tập về nhà.
Hay đơn giản chính là nỗi buồn do bố mẹ ly hôn khiến trẻ dần trở nên chán nản, không còn động lực để cố gắng trong học tập. Trẻ liên tục nghĩ đến nỗi đau và những mất mát, tổn thương mình đang gánh chịu do bố mẹ ly hôn, khiến trẻ không thể tập trung vào các bài học trên lớp.
Không còn sự tự tin
Lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ có thể bị ảnh hưởng sau khi bố mẹ ly hôn. Một gia đình không trọn vẹn, không đầy đủ bố mẹ khiến trẻ dễ cảm thấy xấu hổ, tự ti. Nhiều đứa trẻ sẽ làm tất cả mọi cách để che giấu điều này vì sợ bạn bè cười chê. Lâu dần, điều này gây ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ, khiến trẻ ngay càng trở nên e dè và nhút nhát, không dám tiếp xúc với bất kỳ ai.
Cảm giác “ra rìa” khi bố hoặc mẹ có gia đình mới
Một nỗi đau mà hầu như đứa trẻ nào có bố mẹ ly hôn cũng phải trải qua đó chính là cảm giác “ra rìa” khi bố hoặc mẹ có gia đình mới. Trẻ sẽ cảm thấy như mình đang san sẻ tình thương cho những người khác. Nếu bố hoặc mẹ có con riêng, nỗi đau của trẻ sẽ càng tăng lên gấp bội. Bởi không ai muốn phải chia sẻ tình yêu của bố mẹ dành cho mình với những người khác, đặc biệt là khi người đó không phải ruột thịt của mình.
Chưa kể đến việc trẻ phải cố gắng để thích nghi với gia đình mới, cố gắng để trở nên hòa đồng với những người xa lạ mà trẻ trước đây chưa từng có bất kỳ quan hệ nào.
Nên làm gì để tránh trẻ bị tổn thương khi bố mẹ ly hôn?
Khi bố mẹ ly hôn, trẻ sẽ trải qua một chuỗi ngày rơi vào những cảm xúc đau buồn. Đây là điều không thể tránh khỏi. Và bạn có thể giúp xoa dịu phần nào vết thương trong lòng trẻ bằng một số cách như:
- Trước khi ly hôn, bạn và người bạn đời của mình cần nói sự thật, cho trẻ biết lý do tại sao bạn lại ly hôn. Hãy chọn điều gì đó đơn giản và trung thực, chẳng hạn như “Bố mẹ không thể hòa hợp được nữa”.
- Bạn có thể cần phải nhắc nhở con mình rằng mặc dù con sống cùng ai thì bố mẹ vẫn rất yêu con.
- Hãy để cho trẻ có quyền được lên tiếng, giải bày cảm xúc của mình và chia sẻ mong muốn, lựa chọn của bản thân.
- Tránh đổ lỗi cho người bạn đời của bạn bởi dù như thế nào đi chăng nữa, đó cũng là đấng sinh thành của trẻ và là người mà trẻ yêu thương.
- Cho trẻ biết kế hoạch sắp tới là gì để trẻ có thể cảm thấy yên tâm hơn và không bị lạc lõng.
- Không cấm đối phương đến gặp gỡ con.
- Thường xuyên dành thời gian để trò chuyện cùng con, tâm sự chia sẻ với con trước và sau khi vợ chồng ly hôn.
Không thể tránh khỏi việc trẻ bị tổn thương khi bố mẹ ly hôn. Sau tất cả, nỗi đau có thể nguôi ngoai hoặc trở thành ám ảnh tâm lý với trẻ, tùy thuộc vào cách bạn quyết định sẽ làm gì sau khi đưa ra “thông báo ly hôn” với trẻ.