Trong quan niệm dân gian, cúng vía Thần Tài đúng cách sẽ được Thần Tài phù hộ cho công việc làm ăn suôn sẻ, giúp cải thiện đường tài lộc.
Cúng vía Thần Tài vào ngày nào?
Ngày Thần Tài là ngày mùng 10 Âm lịch. Trong đó, ngày vía Thần Tài đặc biệt quan trọng chính là mùng 10 tháng Giêng vì đây là lần đầu cúng Thần Tài trong năm. Dân gian tin rằng, vị Thần Tài chính là vị thần cai quản chuyện tiền bạc. đây chính là ngày để dâng lễ vật cúng tạ ơn Thần Tài trong năm vừa qua đã mang đến nhiều tài lộc, may mắn, giúp cho việc làm ăn được suôn sẻ, thuận lợi.
Cúng vía Thần Tài cũng là cách để cầu mong cho công việc trong năm mới sắp tới có ít khó khăn trở ngại, đường tài lộc không bị cản trở, có thể thu hút được nhiều điều may mắn và có một năm khấm khá, dư dả.
8 lưu ý khi dâng lễ cúng vía Thần Tài
Lau bàn thờ trước khi cúng
Trước khi thực hiện lễ cúng Thần Tài thì gia chủ cần thực hiện lau chùi, dọn dẹp bàn thờ cẩn thận. Có thể dùng rượu trắng pha loãng với nước sạch để lau dọn bàn thờ cũng như các vật dụng đặt trên bàn thờ như chung nước, chung rượu, khay đựng trái cây,… Nếu không có rượu trắng thì có thể thay thế bằng nước lá bưởi hoặc nước có ngâm hoa tươi.
Và trong quá trình dọn dẹp, nên chú ý:
- Khăn và chổi lau, bát đựng nước lau,.. và các vật dụng dùng để lau dọn đều là vật dụng sạch, được để riêng, không sử dụng chung với những việc khác.
- Nên khấn xin lau dọn trước khi thực hiện công việc.
- Tránh làm xê dịch bát hương khi lau dọn.
Đặt bàn thờ đúng nơi
Một lưu ý đặc biệt quan trọng đối với việc dâng lễ cúng vía Thần Tài chính là vị trí đặt bàn thờ. Bàn thờ Thần Tài phải được đặt ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm, thường là gần sát khu vực cửa ra vào. Nơi đặt bàn thờ Ông Địa và Thần Tài là bàn thờ để dưới mặt đất, quay mặt hướng ra cửa chính.
Bàn thờ không được đặt ở những khu vực ô uế, vấy bẩn hay đặt dưới những nơi để đồ vật hằng ngày, nơi bị che khuất mặt vị thần,… Chẳng hạn như không để bàn thờ ở dưới bàn ăn, kế bên khu vực để thùng rác, trước cửa phòng tắm, kế bên nơi đựng rổ quần áo chưa giặt,…
Chuẩn bị mâm lễ cúng vía Thần Tài đúng – đủ
Để làm lễ cúng vía Thần Tài thì cần chuẩn bị mâm lễ với bộ “Tam Sên” (gồm trứng luộc, 1 miếng thịt luộc và tôm/cua luộc) cùng với một miếng thịt quay. Ở các tỉnh miền Nam thì Thần Tài thường được thờ cùng với Thổ Địa nên trong mâm cúng có khi còn có thêm cá lóc nướng.
Ngoài ra, lễ vật dâng lên trong khi cúng vía Thần Tài còn có hoa tươi và trái cây. Hoa được chọn là hoa tươi, chẳng hạn như lay ơn, cúc vàng, đồng tiền,…. Không được dâng hoa giả lên bàn thờ.
Với trái cây thì thường là những loại quả có tên hoặc màu sắc gợi ý sự may mắn, chẳng hạn như dưa hấu đỏ, thanh long đỏ, quả cam, quýt, bưởi, đào,…
Bên cạnh đó, lễ vật cúng vía Thần Tài còn có:
- Bát nhang: Bát nhang trên bàn thờ cần đặt ở vị trí ở giữa bàn thờ, không thay đổi vị trí hay xê dịch.
- Nước: Chuẩn bị 5 chén gồm 3 nước và 2 rượu, xếp hình chữ thập với ý nghĩa ngũ phương, ngũ hành phát triển.
- Thuốc lá, nhang đèn, muối gạo và giấy tiền vàng bạc: Trên bàn thờ cần chuẩn bị một bao thuốc lá với 2 điếu thuốc có đầu thò ra với ngụ ý mời Thần Tài – Thổ Địa. Và còn có 2 cây đèn cầy nhỏ, 1 dĩa gạo, 1 dĩa muối hột và giấy tiền vàng bạc.
- Tỏi: Tỏi cũng chuẩn bị 5 củ, đặt trong đĩa nhỏ và để trên bàn thờ với ý nghĩa xua đuổi tà khí, ma quỷ.
- Bát nước hoa: Thông thường ngày cúng vía Thần Tài còn có một bát nước có rắc cánh hoa hồng lên với ý nghĩa giữ cho tiền bạc luôn được dồi dào, không trôi đi. Bát nước hoa sẽ được đặt ở nền đất, phía ngoài cùng của bàn thờ.
- Tượng Ông Cóc: Bàn thờ Thần Tài – Thổ Địa thường có tượng Ông Cóc đặt ở bên trái bàn thờ. Đây là một vật phẩm phong thủy mang ý nghĩa giúp đón tài lộc, tăng vận khí và những điều may mắn. Vào ban ngày nên đặt tượng quay ra ngoài để đón lộc còn buổi tối thì quay vào trong để tránh tiền bạc trôi ra ngoài.
- Xôi, chè, bánh kem: Tùy theo phong tục của mỗi nơi mà khi cúng vía Thần Tài thì có thể chuẩn bị thêm xôi ngọt, chè trôi nước, bánh kem.
Vệ sinh sạch sẽ, quần áo trang nghiêm, chỉn chu
Một lưu ý quan trọng khi cúng vía Thần Tài đó chính là nên tắm rửa, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, chải tóc gọn gàng, rửa tay,… trước khi lau dọn bàn thờ và chuẩn bị lễ cúng để thể hiện lòng thành của mình.
Khi gia chủ thực hiện cúng vía Thần Tài thì nên chọn trang phục lịch sự, kín đáo. Áo nên là áo có cổ, tay lửng hoặc dài, không mặc áo cộc tay hoặc các loại áo cổ tim, cổ khoét sâu,… Nữ giới nên mặc quần hoặc váy dài, nam giới thì nên chọn quần dài. Tránh các loại váy ngắn, quần short,… và các loại trang phục hở hang để thể hiện sự tôn kính đến vị thần quản việc tài lộc này.
Việc mặc quần áo trang nghiêm không chỉ là khi thực hiện dâng lễ cúng mà ngay cả khi lau dọn bàn thờ hay chuẩn bị mâm lễ cũng cần chú ý đến tác phong của mình.
Đọc đúng bài khấn
Không chỉ chuẩn bị đầy đủ lễ vật mà trong khi cúng vía Thần Tài, cần đọc đúng bài khấn để cung thỉnh Thần Tài về. Khi đọc văn khấn thì cần đọc chậm rãi, to và rõ ràng. Tránh việc cười nói trong lúc đọc hay đọc ngắt khúc, đang đọc bài khấn thì quay sang trò chuyện cùng người khác. Đây là những điều vô cùng tối kị.
Không rải gạo muối
Nhiều người thường có thói quen rải gạo muối ra ngoài sau khi cúng. Tuy nhiên, khi cúng vía Thần Tài thì nên giữ gạo muối lại. Việc rải gạo muối cũng chính là bạn đang rải lộc của mình, sẽ làm mất lộc.
Bộ tam sên và bánh trái không chia cho người ngoài
Cũng tương tự như việc rải gạo muối thì bộ tam sên và bánh trái, gia chủ nên đích thân dùng và chỉ chia cho các thành viên trong gia đình cùng dùng. Tránh chia cho người ngoài như bạn bè hay hàng xóm bởi điều này cũng thể hiện việc bạn đang chia lộc cho người khác, làm ảnh hưởng đến tiền tài vật chất của mình.
Với những ai chưa có kinh nghiệm cúng vía Thần Tài thì hy vọng những hướng dẫn của Tạp chí Mẹ và Con sẽ giúp bạn có thể chuẩn bị và thực hiện lễ cúng bài bản, chỉn chu hơn, tránh phạm vào những điều tối kỵ. Chúc bạn có một năm sung túc, tiền bạc rủng rỉnh, dư dả!