Khi nhắc đến từ “mẹ chồng”, chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh những người phụ nữ tọc mạch, hay xen vào chuyện gia đình của con trai và chỉ trích con dâu. Đây cũng là một phần lý do khiến mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu căng thẳng.
Và để hóa giải điều này, hãy thử trở thành một người mẹ chồng tốt, bên cạnh việc mong đợi sự ngoan hiền, thuận thảo từ nàng dâu của mình…
Một người mẹ chồng tốt góp phần giúp gia đình thêm êm ấm
Thế nào là mẹ chồng tốt? Đây dường như là một câu hỏi khó bởi khái niệm “tốt” dường như chẳng giống nhau trong quan điểm của mỗi người. Nhưng nhìn chung, một người mẹ chồng tốt là người thể hiện sự thấu hiểu và tôn trọng đối với con dâu của mình cũng như gia đình nhỏ của con dâu và con trai.
Thay vì áp đặt niềm tin hay truyền thống của riêng mình, mẹ chồng cần tôn trọng sự khác biệt và thúc đẩy sự đoàn kết, gắn bó giữa các con. Mẹ chồng vừa là người lắng nghe, vừa là người hỗ trợ để giúp cuộc sống hôn nhân của các con mình được trọn vẹn và viên mãn hơn.
Trên hết, một người mẹ chồng tốt là người nuôi dưỡng sự gắn kết giữa các gia đình và các mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng, đồng cảm và tình yêu, chứng tỏ rằng bà không chỉ là một người mẹ chồng mà còn là một phần không thể thiếu trong gia đình.
Làm một người mẹ chồng tốt không chỉ là một danh hiệu hay một khái niệm. Đó là cả một sự ảnh hưởng và kết nối giữa các thành viên trong gia đình.
Mẹ chồng biết tôn trọng, thông cảm và yêu thương, tin tưởng con dâu sẽ giúp hạn chế được những cãi vã giữa mẹ chồng và nàng dâu. Như vậy, người đàn ông trong gia đình cũng không bị khó xử và có thể an tâm chu toàn công việc. Khi mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt đẹp thì không khí gia đình cũng vui vẻ hơn, không còn căng thẳng, giúp các thành viên đều cảm thấy thoải mái khi trở về nhà.
Làm thế nào để trở thành một người mẹ chồng tốt?
Hành trình tìm hiểu để trở thành một người mẹ chồng tốt không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ trông chờ vào con dâu mà không tự nỗ lực thì mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu sẽ khó có thể nào hòa hợp.
Vì thế, trên hành trình thích nghi với thành viên mới trong gia đình và trở thành một người “mẹ chồng nhà người ta”, bạn có thể thử một vài mẹo sau:
Giao tiếp cởi mở chính là chìa khóa
Hãy bắt đầu kết nối với con dâu bằng việc thúc đẩy một môi trường khuyến khích đối thoại cởi mở. Điều này giúp bạn và con dâu có thể hiểu được ranh giới, kỳ vọng và cảm xúc của nhau. Sự thấu hiểu sẽ giúp cả hai dễ yêu thương, quý mến nhau hơn và tránh được tình trạng mẹ chồng nàng dâu bất hòa, hạn chế những cãi vả không đáng có.
Tôn trọng ranh giới
Mỗi gia đình sẽ có cách “hoạt động” khác nhau. Bạn không thể đòi hỏi gia đình nhỏ của con dâu và con trai mình phải tuân theo những mong muốn, yêu cầu của bạn.
Thay vào đó, một người mẹ chồng tốt nên tôn trọng con trai và con dâu của mình, tôn trọng những ranh giới trong cuộc sống của cả hai, cho các con không gian để thoải mái trong cuộc sống vợ chồng riêng tư. Đừng cố gắng góp ý hay trở thành một người mẹ chồng hay để ý xét nét, yêu cầu các con phải làm như thế này, như thế kia nếu các con chưa xin ý kiến của bạn. Tốt nhất hãy tin tưởng vào quyết định và chọn lựa của các con bạn nhé.
Đưa ra sự hỗ trợ chứ không chỉ là lời khuyên
Mặc dù việc chia sẻ kinh nghiệm và lời khuyên của bạn là điều tự nhiên, nhưng điều quan trọng không kém là cung cấp sự hỗ trợ khi cần thiết.
Hãy nhớ rằng, đôi khi các con có thể chỉ cần sự hỗ trợ thiết thực bằng cách lắng nghe hơn là giải pháp. Còn nếu các con đã nhờ sự giúp đỡ từ nơi bạn, nếu bạn thoải mái và mọi thứ trong khả năng cho phép, hãy cứ giúp đỡ các con của mình.
Tôn trọng sự khác biệt
Mỗi cá nhân đều mang những truyền thống, giá trị và niềm tin khác nhau. Người mẹ chồng tốt, mẹ chồng tâm lý là người biết chấp nhận những khác biệt này thay vì mong đợi con dâu sau khi sống chung với nhà chồng phải tuân theo niềm tin hoặc phong tục cá nhân của gia đình bạn.
Hãy đặt mình vào vị trí con dâu của bạn. Liệu bạn có thoải mái khi ai đó yêu cầu bạn phải thay đổi hết mọi thói quen, sở thích, phong tục tập quán và cả niềm tin, tôn giáo của mình? Nếu câu trả lời là “không”, đừng bắt con dâu của bạn phải chịu sự không thoải mái đó.
Tránh so sánh
Để trở thành một người mẹ chồng tốt, nên học cách tránh so sánh con dâu với những người khác. Điều này thường gặp ở gia đình có từ 2 con dâu trở lên. Mẹ chồng thường so sánh những người con dâu với nhau hoặc so sánh con dâu của mình với con dâu gia đình hàng xóm, bạn bè,….
Mỗi người sinh ra đều có hành trình và sứ mệnh của riêng mình và việc so sánh hoàn toàn không cần thiết. Khi bạn so sánh, bạn không chỉ vô tình tạo ra những căng thẳng, áp lực cho con dâu mình mà còn khiến tình cảm mẹ chồng nàng dâu ngày càng đi vào ngõ cụt.
Hãy thích nghi
Trừ khi bạn thực sự đang tìm cách phớt lờ con dâu của mình ở trong nhà, còn nếu không thì bạn cần phải thích nghi với những thay đổi của cuộc sống gia đình sau khi có thành viên mới để duy trì hòa bình trong nhà.
Sự thay đổi của gia đình phát triển theo thời gian. Cho dù đó là sự ra đời của một đứa cháu hay có thêm một người con dầu thì bạn cũng cần phải học cách thích nghi. Học cách trở thành một người mẹ chồng tốt có nghĩa là cởi mở với sự thay đổi và đón nhận những sự thay đổi này theo một cách tích cực hơn.
Rèn luyện sự đồng cảm và kiên nhẫn
Hãy dành chút thời gian để thực sự đặt mình vào vị trí của con bạn và bạn đời của con. Hiểu được nguyện vọng, áp lực và niềm vui của con sẽ giúp bạn dễ đồng cảm hơn với con dâu của mình. Bằng cách này, bạn sẽ dễ cảm thông và kiên nhẫn hơn với con dâu – chìa khóa để giúp mẹ chồng nàng dâu thêm gắn kết và tránh được việc mẹ chồng nàng dâu cãi nhau.
Thường xuyên suy ngẫm và tự đánh giá
Thỉnh thoảng, hãy lùi lại một bước và đánh giá hành động và hành vi của bạn. Hãy tự hỏi bản thân xem liệu bạn có thực sự thể hiện những phẩm chất tạo nên một người mẹ chồng tốt hay không. Tự nhận thức có thể là một công cụ mạnh mẽ để đảm bảo bạn đang nuôi dưỡng các mối quan hệ lành mạnh.
Nhìn chung, người mẹ chồng tốt chính là người mẹ chồng luôn biết cân bằng giữa việc hỗ trợ, giúp đỡ con cái của mình và tôn trọng ranh giới trong cuộc sống riêng của con cái. Một người mẹ chồng tốt chính là người tích cực lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt và hiểu rằng vai trò của mình quan trọng ra sao, luôn học cách thích ứng, đồng cảm và giao tiếp cởi mở với con dâu của mình.
Để mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu luôn êm đẹp, bên cạnh việc chờ đợi sự nỗ lực từ phía con dâu thì bản thân cũng hãy cố gắng để trở thành một người mẹ chồng tốt bạn nhé!