Ở chung hay ở riêng là vấn đề muôn thuở của các nàng dâu ngày theo chàng về dinh. Sẽ có những người muốn riêng tư và thích được ở một không gian chỉ có 2 người. Tuy nhiên, cũng không ít mẹ chồng muốn con dâu ở chung với mình. Vậy nếu mẹ chồng không cho ở riêng thì phải làm sao?
Nên ở chung hay ở riêng?
Trước khi giải mã bài toán “mẹ chồng không cho ở riêng” thì trước tiên hãy cân nhắc xem liệu có thật sự nên ở riêng hay không bạn nhé!
Phải sống với cả những người mà bạn không thích
Khi kết hôn, chắc chắn bạn rất yêu người chồng của mình. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc bạn cũng có cảm tình với bố mẹ chồng hay những người khác trong gia đình chồng có sống cùng nhà (anh chị chồng, em chồng, cháu chồng,…).
Việc chung sống với gia đình chồng mỗi ngày với những người mà bạn không thích, không hợp tính có thể gây ra cho bạn nhiều phiền toái khiến bạn cảm thấy khó chịu.
Xem thêm: Cẩm nang chung sống hòa thuận với gia đình chồng
Không phù hợp với môi trường sống ở nhà chồng
Một trong những khó khăn khi ở chung chính là bạn có thể không phù hợp với môi trường sống ở nhà chồng. Chẳng hạn như nhà chồng quá xa so với công ty của bạn hoặc bạn đã quen sống ở môi trường chung cư yên tĩnh nhưng hiện tại lại phải sống ở những khu phố đông đúc, ồn ào khiến bạn cảm thấy khó chịu.
Có người phụ giúp việc nhà
Đừng vội “la làng” khi mẹ chồng không cho ở riêng bởi sống chung với mẹ chồng và nhà chồng thì bạn sẽ có thêm người để đỡ đần việc nhà.
Dù bạn vẫn phải phụ giúp mẹ trong công việc nhà hay là người đảm nhiệm chính phần việc nhà nhưng những lúc đi làm về muộn thì vẫn có thể nhờ bà đón cháu, hôm nào ốm thì vẫn có thể nhờ bà nấu cơm hộ hay chỉ đơn giản là xuống nhà nhận đồ ăn từ shipper và hâm nóng vẫn đỡ hơn ở nhà một mình đấy nhé.
Không có sự tự do
Nhiều nàng dâu cho rằng một lý do khiến họ khó chịu khi mẹ chồng không cho ở riêng bởi khi ở chung, hai vợ chồng mất đi sự tự do trong sinh hoạt. Chồng đưa vợ bao nhiêu tiền cũng phải nói mẹ, vợ chồng trước khi dắt nhau đi xem phim cũng phải xin phép, lỡ đi chơi về muộn sau 22 giờ thì bị cằn nhằn,…
Xu hướng giới trẻ hiện nay thích có sự tự do cá nhân, không thích ai quản lý mình. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào thì đây cũng là sự quản lý khắt khe từ phía nhà chồng như bạn vẫn nghĩ mà đó chỉ là bố mẹ chồng đang lo cho vợ chồng bạn mà thôi.
Có người hòa giải khi vợ chồng cãi nhau
Bạn cảm thấy bực bội khi mẹ chồng không cho ở riêng? Nhưng hãy nhớ rằng khi sống chung, bạn sẽ có thêm một người hòa giải, hàn gắn khi tình cảm vợ chồng sứt mẻ.
Một lợi thế khi sống chung với mẹ chồng và gia đình chồng chính là bạn sẽ có người hòa giải khi hai vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”. Bạn có thể tâm sự với mẹ chồng về việc vợ chồng cãi nhau nên làm gì, những khó khăn của mình để bà làm “quân sư” tư vấn cho bạn cách hàn gắn tình cảm vợ chồng sao cho đúng nhất.
Hoặc nếu như trong trường hợp chồng nghiện rượu, chồng nghiện cờ bạc, có những tật xấu nào đó mà bạn nói mãi không được thì bạn cũng có thể nhờ mẹ chồng khuyên giải.
Tránh được tranh cãi với nhà chồng khi ở riêng
Nếu ở riêng, không sống với gia đình chồng thì bạn có thể tránh được tình trạng cãi nhau với mẹ chồng hoặc các thành viên trong gia đình chồng – một điều mà bất kỳ nàng dâu nào cũng cảm thấy sợ hãi.
Mẹ chồng không cho ở riêng, thuyết phục như thế nào?
Nếu đã cân nhắc mọi yếu tố và vẫn muốn ở riêng, bạn có thể áp dụng một số bí quyết sau đây:
Trình bày cụ thể lý do
Mẹ chồng không cho ở riêng là chuyện đương nhiên nếu bạn không có một lý do xác đáng. Vì thế, để thuyết phục mẹ chồng, bạn nên trình bày càng chi tiết lý do càng tốt. Hãy đưa ra những lý do thuyết phục như nhà chồng quá xa cơ quan của bạn và chồng thay vì chỉ nói những điều chung chung như “vì con thích thế”.
Tốt nhất, nên đưa ra những lý có ảnh hưởng đến cả 2 vợ chồng hoặc cả con của bạn vì mẹ nào cũng đều thương con cả.
Xin phép, không thông báo
Để mẹ chồng cho phép vợ chồng ra riêng, bạn nên dùng thái độ xin phép nhỏ nhẹ thay vì chỉ đưa ra thông báo và cho bà biết rằng vợ chồng đã tính toán và chỉ thông báo cho bà, bà không có quyền thay đổi quyết định.
Khi bạn để cho mẹ chồng cảm nhận bà là “người thừa” trong cuộc sống của vợ chồng bạn thì bà sẽ rất dễ tức giận và dẫn đến chuyện mẹ chồng không cho ở riêng.
Không đòi ở riêng ngay khi vừa về nhà chồng
Một vài ngày đầu tiên vừa về làm dâu bạn đã muốn ở riêng thì bố mẹ chồng sẽ rất khó chấp nhận. Nếu ngay sau khi kết hôn bạn đã muốn sống riêng thì việc mẹ chồng không cho ở riêng cũng không phải vấn đề quá khó hiểu.
Hãy ở chung vài tháng, hay thậm chí một năm, tạo mối quan hệ tốt với gia đình nhà chồng để có thể dễ dàng xin phép được ở riêng.
Không tạo áp lực cho chồng
Nếu bạn tạo áp lực cho chồng, mẹ chồng có thể vì thương con trai mà đồng ý cho bạn ở riêng. Tuy nhiên, chắc chắn mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sẽ không còn tốt đẹp như xưa. Vì thế, tốt nhất không tạo áp lực cho chồng bạn nhé!
Cả hai vợ chồng cùng xin phép
Nếu bạn xin phép mẹ chồng ở riêng mà không có sự góp lời của chồng thì rất khó để nhận được sự chấp thuận từ bà. Nhưng nếu chỉ riêng chồng xin phép thì khó tránh mẹ chồng nghĩ rằng con dâu đang “xúi” con mình chống đối mình.
Vì thế, tốt nhất cả hai vợ chồng nên cùng ngồi lại xin phép người lớn thì mọi thứ sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn đấy nhé.
Lựa chọn thời điểm phù hợp
Để tránh chuyện mẹ chồng không cho ở riêng, bạn và chồng nên tìm những thời điểm thích hợp, tránh khi mẹ chồng đang khó chịu hay gia đình vừa trải qua những sự kiện không vui bạn nhé.
Nếu bạn muốn ra riêng sau khi kết hôn nhưng mẹ chồng không ra ở riêng thì đừng vội mất bình tĩnh. Đôi khi lùi 1 bước sẽ giúp bạn tiến 3 bước. Vì thế, đừng cố cãi nhau hay tranh luận gắt gao với mẹ chồng mà cứ hãy bình tĩnh, từ từ cùng chồng thuyết phục bạn nhé!