Mẹ&Con - Trong quá trình khám và điều trị vô sinh, một xét nghiệm quan trọng không thể thiếu đối với những phụ nữ có chu kỳ kinh không đều, không hành kinh (vô kinh) hoặc những phụ nữ lớn tuổi, những bệnh nhân làm thụ tinh trong ống nghiệm là xét nghiệm nội tiết.

Xét nghiệm nội tiết tố để làm gì

xét nghiệm nội tiết tố

Xét nghiệm nội tiết được thực hiện để khảo sát tình trạng hoạt động của buồng trứng cũng như khả năng dự trữ noãn của buồng trứng. Ngoài ra, xét nghiệm nội tiết còn được dùng để theo dõi sự phát triển nang noãn và có rụng trứng trong chu kỳ muốn khảo sát hay không.

Có phải ngày nào cũng làm xét nghiệm được giống như xét nghiệm máu hay xét nghiệm nước tiểu?

Thực tế là không phải ngày nào cũng làm được. Xét nghiệm nội tiết phải thực hiện theo đúng ngày của chu kỳ hàng tháng. Chính vì thế, có nhiều bệnh nhân phải đợi đến mấy tuần mới làm được đầy đủ các xét nghiệm này.

  • Ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 vòng kinh: xét nghiệm FSH, LH
  • Ngày thứ 21 của vòng kinh 28 ngày: xét nghiệm PRG (Progesterone)
  • Bất kỳ ngày nào của vòng kinh: xét nghiệm PRL (Prolactin), Tetosterone, E (Estrogen).

Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ phát hiện điều gì?

* Tất cả các xét nghiệm nội tiết được thực hiện ngày thứ 2 của chu kỳ kinh phản ánh tình trạng nội tiết cơ bản của cơ thể. Vì trong một chu kỳ kinh nguyệt nội tiết sẽ thay đổi theo sự phát triển của nang noãn.

Trong những ngày đầu của chu kỳ kinh nang noãn mới được huy động chưa tiết ra nội tiết nhiều nên lúc này lượng nội tiết cơ thể còn trong mức cơ bản của từng người.

Chính lượng nội tiết này mới phản ánh được sự hoạt động cũng như khả năng dự trữ của buồng trứng. Do đó mà xét nghiệm nội tiết (FSH, LH, E) nên thực hiện vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 của kỳ kinh.

* Các xét nghiệm khảo sát có rụng trứng bao gồm xét nghiệm PRG ngày thứ 21 của chu kỳ và xét nghiệm đo đỉnh LH.

* Đối với xét nghiệm PRL (Prolactin), ta có thể thực hiện bất kể ngày nào của chu kỳ vì PRL là một nội tiết không chịu chi phối của sự phát triển nang noãn mà phụ thuộc vào các yếu tố tâm lý, stress. Nhưng PRL cao sẽ ức chế lên trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng làm nang noãn không phát triển dẫn đến vô kinh, vô sinh.

* Estradiol (E) được làm để khảo sát buồng trứng như đã nói ở trên còn dùng theo dõi phát triển và chất lượng nang noãn.

 Các trường hợp cần làm xét nghiệm nội tiết

  • Tất cả những phụ nữ vô kinh nguyên phát (chưa bao giờ có kinh) hoặc vô kinh thứ phát (trước đây từng có nhưng vì một nguyên nhân nào đó mà kinh thưa, nhiều tháng mới có hoặc không có).
  • Tất cả người phụ nữ có chu kỳ kinh không đều hoặc chu kỳ kinh kéo dài trên 35 ngày.
  • Tất cả phụ nữ 35 tuổi trở lên.
  • Tất cả những trường hợp làm thụ tinh trong ống nghiệm.
  • Tất cả những phụ nữ cho trứng.

Các trường hợp trên thường được làm xét nghiệm FSH, LH, Estradiol (E).

Trường hợp đặc biệt:

  • Những phụ nữ có tình trạng rậm lông, béo phì, tăng cân nhanh kết hợp với chu kỳ kinh không đều kéo dài hoặc vô kinh thì được xét nghiệm FSH, LH, E, Tetosterone.
  • Những phụ nữ có tình trạng ngực căng chảy sữa non hoặc nghi ngờ có hội chứng PRL cao kết hợp với các bất thường của chu kỳ kinh nguyệt thì được làm xét nghiệm FSH, LH, E, PRL.
  • Tất cả các trường hợp kết quả nội tiết bất thường có thể làm lại xét nghiệm nội tiết lần hai để kiểm tra.
Tags:

Bài viết liên quan