Mang thai là khoảng thời gian đầy thử thách đối với các mẹ bầu. Tuy nhiên, trải qua hành trình nhọc nhằn và được chứng kiến bé yêu khỏe mạnh chào đời thì không còn hạnh phúc nào bằng, phải không mẹ? Chính vì vậy, Tạp chí Mẹ và Con mách mẹ một số lưu ý dành cho phụ nữ mang thai. Hãy chú ý để có một thai kỳ suôn sẻ, khỏe mạnh, mẹ nhé!
Phụ nữ mang thai và hội chứng kháng phospholipid APS
Đây là tên viết tắt của hội chứng kháng phospholipid (Antiphospholipid Syndrome) đặc trưng bởi sự xuất hiện đồng thời của các biểu hiện lâm sàng như huyết khối, thai chết lưu và dương tính trong huyết thanh với một trong các kháng thể kháng phospholipid.
Hội chứng này thuộc nhóm bệnh tự miễn. Tuy nhiên, chúng sẽ thật sự nguy hiểm khi cơ thể tiến hành cơ chế ngăn chặn sự tấn công của phospholipid, một loại chất béo có trong các tế bào. Lúc này, các khối máu đông sẽ hình thành ở động mạch và tĩnh mạch gây nên hiện tượng tắc nghẽn dòng máu, khiến các tế bào bị tổn thương trầm trọng.
Triệu chứng thường gặp nhất của hội chứng APS chính là đau ngực khi mang thai, khó thở, đau nhức, phát ban, đau đầu, buồn nôn… Đặc biệt, hội chứng này thường xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn và trở nên vô cùng nguy hiểm với phụ nữ mang thai vì có thể dẫn đến hiện tượng đột quỵ, thuyên tắc phổi, thai chết lưu, tiềm ẩm nhiều nguy cơ khi sinh nở.
Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên kèm theo một số dấu hiệu như dễ bị bầm tím, chảy máu, đang dùng các loại thuốc có liên quan đến đông máu hoặc có tiền sử mắc bệnh đông máu bất thường mẹ bầu cần phải thông báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể cho trường hợp của mình.
Để phát hiện bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện việc xét nghiệm máu 2 lần cách nhau 12 tuần để tìm ra các kháng thể kháng phospholipid như Lupus anticoagulant, anti-cardiolipin, beta-2 glycoprotein I.
Nếu có hội chứng APS, mẹ bầu có thể được điều trị bằng cách dùng thuốc heparin và aspirin liều thấp để đảm bảo không gây hại cho thai nhi.
Lưu ý: Để định bệnh, bác sĩ sẽ cho phụ nữ mang thai xét nghiệm máu 2 lần cách nhau 12 tuần để tìm ra các kháng thể kháng phospholipid.
Hội chứng gây kích thích ruột IBS
Viết một cách đầy đủ, IBS chính là hội chứng gây kích thích ruột (Irritable Bowel Syndrome). Bệnh có tỷ lệ khá cao với con số thống kê lên đến 1/3, nghĩa là cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người mắc phải hội chứng IBS. Đặc biệt, hội chứng này thường xuất hiện rất phổ biến ở phụ nữ mang thai.
Nguyên nhân đầu tiên và cũng là điển hình nhất của hội chứng IBS chính là do sự xuất hiện thái quá của hóc môn progesterone khiến cho nhu động ruột yếu đi, làm dạ dày bị co thắt gây nên hiện tượng táo bón khi mang thai tháng cuối, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng…
Thêm vào đó, các yếu tố nằm ngoài tác động của hóc môn dưới đây cũng là nguyên nhân gây nên hội chứng IBS với khá nhiều phiền toái cho mẹ bầu như: di truyền, thói quen ăn uống bị thay đổi đột ngột, căng thẳng quá mức, tác dụng phụ của thuốc được chỉ định bổ sung trong thai kỳ, tình trạng thiếu vận động khi mang thai và áp lực vật lý của thai nhi lên hệ thống ruột của mẹ.
Với rất nhiều mẹ bầu, những rắc rối thường thấy trong giai đoạn mang thai là không đáng kể. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số lượng đáng kể mẹ bầu gặp phải hội chứng IBS trong tam cá nguyệt cuối cùng hay thậm chí là suốt cả 3 tam cá nguyệt.
Thông thường, chúng ta vẫn nghĩ rằng các bệnh về đường tiêu hóa là không đáng kể nên dễ dàng bỏ qua những dấu hiệu điển hình của hội chứng IBS. Tuy nhiên, các nhà khoa học ở Đại học Cork (Ireland) và Đại học Manchester (Anh) đã chứng minh rằng giữa hội chứng IBS và sẩy thai có một mối quan hệ với nhau.
Nếu mẹ bầu mắc hội chứng IBS, nguy cơ sẩy thai sẽ tăng lên khá cao với tỷ lệ lên 7,5% và kèm theo nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe như trầm cảm, lo âu.
Do đó, mẹ bầu không nên lơ là trong việc đề phòng hội chứng IBS, ngay cả ở giai đoạn chuẩn bị mang thai. Để ngăn ngừa hội chứng IBS, phụ nữ mang thai cần đảm bảo dung nạp đầy đủ 20-30 gam chất xơ/ngày, dùng thực phẩm chứa sắt tự nhiên thay cho viên sắt.
Mẹ bầu cũng nên uống nhiều nước, tương đương 2 lít mỗi ngày khi mang thai. Bên cạnh đó, mẹ cần duy trì thói quen tập thể dục đều đặn phù hợp với thể trạng và tình hình sức khỏe, cắt giảm các chất kích thích, chất béo, đường và bổ sung các loại thực phẩm giàu men vi sinh để tăng cường sức khỏe đường ruột.
Lưu ý: Nếu mắc hội chứng IBS, nguy cơ sẩy thai sẽ tăng lên khá cao với tỷ lệ lên đến 7,5%.
Hội chứng đau khung xương chậu SPD ở phụ nữ mang thai
SPD chính là Hội chứng đau khung xương chậu, với tên tiếng Anh là Symphysis pubis dysfunction. Thường thì sẽ có khoảng 1/300 phụ nữ mang thai phải gánh chịu những cơn đau này.
Tuy nhiên, rất nhiều người lại lầm tưởng rằng đây chỉ là tình trạng khó chịu chung trong thai kỳ nên ít khi tìm hiểu và chữa trị nên luôn phải chịu đựng những cơn đau dai dẳng.
Cho đến thời điểm này, các nhà khoa học cũng chưa tìm ra nguyên nhân gây ra hội chứng SPD, nhưng nhiều khả năng là chúng đến từ quá trình chuẩn bị cho thai nhi chào đời, khi cơ thể mẹ tiết ra hóc môn Relaxin để làm mềm dây chằng xương chậu.
Tình trạng này khiến cho các cơ ở khu vực này trở nên lỏng lẻo, làm cho khung xương dễ bị xô lệch. Một nguyên nhân khác có liên quan đến hội chứng SPD chính là do khớp nối bị mất chức năng và tạo thành lỗ hổng lớn giữa hai mảnh xương hông.
Tình trạng này ở phụ nữ mang thai có thể trầm trọng hơn vì khoảng hở quá rộng. Bên cạnh đó, nguyên nhân của hội chứng SPD còn đến từ những thai phụ có chỉ số khối BMI quá cao, tăng cân quá nhanh trong thai kỳ, mang đa thai hoặc thai rất lớn hay hoạt động mạnh, thường xuyên và sai tư thế.
Thông thường, hội chứng SPD xuất hiện ở cuối tam cá nguyệt thứ nhất hoặc sau khi trở dạ và sẽ tiếp diễn sớm với cường độ cao hơn, nếu ở lần mang thai trước mẹ bầu đã từng có bệnh. Triệu chứng của SPD là những cơn đau nhức dữ dội ở vùng xương mu và háng, ít gặp hơn là ở lưng và thắt lưng.
Trong một số trường hợp, phụ nữ mang thai còn có thể cảm nhận được tiếng động phát ra từ các vùng bị đau và lan xuống giữa hai chân, nhất là khi đi lại, khi dạng hai chân hay lên xuống cầu thang. Một số mẹ bầu còn có thể tiểu tiện mất kiểm soát. Hội chứng SPD thường nặng lên vào buổi tối và làm thai phụ thức giấc vì đau đớn.
Khi phát hiện hội chứng SPD, các bác sĩ sẽ thường chỉ định các mẹ bầu sử dụng các phương pháp vật lý để tác động vào khung xương chậu, làm giảm áp lực cho chúng bằng cách cho đeo thắt lưng cố định hay tập luyện các bài tập chuyên dụng, xoa bóp, châm cứu, nắn xương khớp…
Ngoài ra, mẹ bầu còn có thể dùng thuốc giảm đau theo liều lượng chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Một số trường hợp hiếm gặp sẽ được phẫu thuật để điều chỉnh lại vị trí xương vùng chậu bị xô lệch.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai có thể thực hiện theo những hướng dẫn sau đây để làm dịu cơn đau do hội chứng SPD gây ra như: đặt một túi chườm lạnh lên phần cơ mềm từ 5-10 phút, nằm nghiêng một bên với gối đỡ dưới bụng và đầu gối chuyên dụng.
Khi di chuyển, phải luôn đảm bảo đi từng bước một, chậm rãi và ép hai đầu gối lại với nhau. Trong ngày, mẹ bầu cũng không nên ngồi quá nhiều, bắt chéo chân, vì chúng sẽ khiến xương chậu bị căng nhiều hơn.
Lưu ý: Hội chứng SPD thường xuất hiện ở cuối tam cá nguyệt thứ nhất hoặc sau khi trở dạ và kết thúc khi mẹ bầu hoàn thành việc sinh nở.
Phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt trong suốt thời gian bầu bí, sinh nở. Do đó, khi cảm thấy bất kỳ một bất ổn nào của cơ thể, chị em nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để tránh nguy hiểm cho mẹ và bé.