Khi con thường xuyên trốn học, cãi lời cha mẹ hoặc không chịu ngồi im, chúng ta thường cho rằng đó chỉ là tính cách của trẻ hơi ngỗ nghịch hoặc năng động quá mức. Đây đều là những điều rất thường thấy ở trẻ khiến bố mẹ lầm tưởng rằng điều này không có ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn có biết, những hành vi của con chính là biểu hiện của chứng rối loạn hành vi ở trẻ em?
Rối loạn hành vi ở trẻ em, hiểu sao cho đúng?
Hiện nay, các thống kê đã chỉ ra rằng, có đến khoảng 20% trẻ em và thanh thiếu niên mắc phải tình trạng rối loạn hành vi và cảm xúc, không tuân thủ theo các nguyên tắc ứng xử thông thường của xã hội. Theo đó, người mắc chứng rối loạn hình vi sẽ có những cư xử không giống bình thường, cụ thể như trẻ em không chơi với bạn bè hay tăng động, không tập trung, không thể ngồi yên một chỗ,…
Dựa trên lứa tuổi khởi phát bệnh, có thể thấy chứng rối loạn hành vi bao gồm 2 loại: rối loạn hành vi thể khởi phát trẻ em (trẻ dưới 10 tuổi) và rối loạn hành vi thể khởi phát tuổi thanh thiếu niên (sau 10 tuổi).
Nhiều bố mẹ khi nuôi dạy con cái vẫn chưa thật sư chú ý đến những biểu hiện, ứng xử của trẻ và xem nhẹ chứng rối loạn hành vi ở trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế đây là một chứng bệnh cần được can thiệp và điều trị kịp thời để không tiến triển nặng thành bệnh tâm thần, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của con sau này.
Nguyên nhân của chứng rối loạn hành vi trẻ em
Chứng rối loạn hành vi có phải do tâm lý của trẻ em mà thành hay đây là một căn bệnh di truyền, ảnh hưởng từ bố mẹ? Đâu là những nguyên nhân gây nên chứng rối loạn hành vi ở trẻ em?
Thông thường, trẻ mắc bệnh rối loạn hành vi thường do các yếu tố sau:
- Yếu tố sinh học: do di truyền hoặc do các rối loạn chuyển hóa
- Chấn thương: do các chấn thương ở não gây tổn thương hệ thần kinh trung ương
- Các yếu tố từ môi trường tác động: các biến cố lớn ảnh hưởng đến tâm lý, bị bạo hành, gia đình không hạnh phúc, chứng kiến những điều tồi tệ gây sốc cho trẻ,…
Các dạng thường gặp của chứng rối loạn hành vi ở trẻ em
Có thể thấy, trẻ em thường mắc 3 dạng rối loạn hành vi sau đây:
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorde – ADHD) là một chứng bệnh tương đối phổ biến với tỷ lệ trẻ em mắc phải. Thông thường, dạng rối loạn hành vi này sẽ phổ biến hơn ở các bé trai thay vì bé gái. Trẻ gặp phải dạng rối loạn sức khỏe tâm thần ADHD sẽ có các hành vi hiếu động và bốc đồng trên mức bình thường. Những người bị ADHD cũng có thể gặp khó khăn khi tập trung sự chú ý vào một việc duy nhất hoặc ngồi yên trong thời gian dài.
Một số biểu hiện thường gặp của trẻ khi bị rối loạn tăng động giảm chú ý:
- Thường có phản ứng cảm xúc, căng thẳng quá mức so với tình huống
- Gặp rắc rối trong việc tập trung vào một nhiệm vụ nhất định
- Cảm thấy khó khăn khi được yêu cầu làm từ 2 việc trở lên cùng 1 lúc
- Thiếu chú ý, khó tập trung
- Người luôn trong trạng thái bồn chồn
- Không thể giữ im lặng khi cần thiết
- Hay mơ màng, dễ quên, hay làm mất đồ
- Có hành vi nguy hiểm với người khác, đặc biệt là các bạn cùng trang lứa
Rối loạn cư xử (CD)
Rối loạn cư xử (Conduct Disorder – CD) cũng là một dạng rối loạn hành vi thường gặp ở trẻ em. Theo một số các nghiên cứu gần đây, khoảng 5% trẻ em 10 tuổi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn cư xử và đa phần các trường hợp mắc bệnh là ở các bé trai. Thậm chí, 1/3 số trẻ em mắc chửng rối loạn cư xử cũng sẽ gặp tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Khi bị rối loạn hành vi, cụ thể là rối loạn cư xử, trẻ thường không tuân thủ theo các nguyên tắc thông thường, thậm chí có những hành vi côn đồ với mọi người xung quanh. Cụ thể, trẻ có thể có những biểu hiện sau:
- Thiếu đồng cảm với người khác
- Không vâng lời cha mẹ, người lớn hoặc mọi người xung quanh
- Trốn học nhiều lần
- Có hành vi gây hấn với động vật hoặc người khác
- Có hành vi bạo lực như lạm dụng thể chất hoặc tình dục, bắt nạt người yếu hơn mình
- Thường xuyên nói dối
- Có các hành vi phạm tội như trộm cắp, phá hoại
- Có suy nghĩ và hành động bỏ nhà ra đi
- Luôn muốn tự sát hoặc tự làm đau cơ thể
Rối loạn thách thức chống đối (ODD)
Oppositional Defiant Disorder (ODD) hay còn gọi là rối loạn thách thức chống đối – một dạng rối loạn hành vi thường gặp ở trẻ em dưới 12 tuổi. Trẻ em mắc chứng bệnh này sẽ có những hành vi thách thức, không hợp tác với những người xung quanh, đặc biệt là những người có “quyền” hơn với mình như cha mẹ, thầy cô, người lớn,…
Khi mắc ODD, trẻ sẽ có một số biểu hiện như:
- Thường xuyên cáu gắt, khó chịu, tức giận
- Luôn muốn tranh luận cùng với người lớn
- Từ chối tuân theo các nguyên tắc thông thường
- Cảm thấy bản thân vô dụng, bất tài
- Tìm cách đổ lỗi cho người khác về những hành vi sai trái của bản thân
Tác hại của bệnh rối loạn hành vi ở trẻ em
Không chỉ tự làm tổn thương mình, trẻ bị rối loạn hành vi còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh:
- Cô lập bản thân, khó thích nghi với xã hội
- Không thể tập trung học tập
- Những hành động bộc phát, thiếu suy nghĩ gây phiền nhiễu và ảnh hưởng những người xung quanh
- Gặp rắc rối do cố tình gây gổ, chống đối, có hành vi phạm pháp….
- Có hành vi bạo lực làm tổn thương sức khỏe thể chất và tâm lý những người xung quanh
Điều trị chứng rối loạn hành vi ở trẻ em
Hiện nay, việc phát hiện chứng rối loạn hành vi ở trẻ em vẫn bị nhiều gia đình xem nhẹ dẫn đến chậm trễ trong điều trị. Tuy nhiên, đây lại là một tình trạng rất phức tạp, có thể kết hợp nhiều triệu chứng bệnh với nhau. Thậm chí, trẻ bị rối loạn hành vi còn có thể rơi vào trạng thái rối loạn lo âu trầm cảm,… Vì vậy, cần nên chú ý các biểu hiện bất thường ở trẻ và tiến hành chẩn đoán, điều trị theo các bước:
- Đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chuyên khoa
- Phỏng vấn sâu phụ huynh, trẻ em và giáo viên của trẻ
- Thực hành kiểm tra hành vi và các bài kiểm tra tâm lý
- Xác định tình trạng bệnh và mức độ bệnh của trẻ, đưa ra phác độ điều trị phù hợp nhất
Khi trẻ bị rối loạn hành vi, cần có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để có thể giúp trẻ nhanh chóng phục hồi và hòa nhập với xã hội, không thu hẹp mình. Khi hiện nay con số trẻ em bị rối loạn hành vi đang không ngừng tăng lên, bố mẹ, gia đình và nhà trường cần quan sát những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời chẩn đoán, điều trị.