Mẹ và Con - Theo WHO, khoảng 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, đặc biệt là vấn đề liên quan đến rối loạn lo âu trầm cảm. Chính vì thế, Mẹ và Con mách bố mẹ những thông tin hữu ích sau đây nhé!

Tình trạng rối loạn lo âu trầm cảm ở tuổi vị thành niên là một vấn đề đáng quan tâm vì việc này ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách ứng xử của trẻ. Đây là lứa tuổi có rất nhiều sự thay đổi cả về tâm sinh lý khiến con thường trải qua những xúc cảm đan xen khó hiểu gây hoang mang, lo lắng cho bé. Lâu dần những điều này dồn nén và quá tải dẫn tới những biểu hiện tâm lý bất ổn. Bố mẹ hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu về rối loạn lo âu trầm cảm để cùng con khắc phục và đi qua những thách thức ở tuổi vị thành niên nhé!

trẻ bị rối loạn lo âu trầm cảm

Những con số đáng báo động về rối loạn lo âu trầm cảm ở trẻ vị thành niên

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% có biểu hiện trầm cảm ban đầu ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tàn tật ở trẻ vị thành niên.

Theo một tờ báo uy tín đưa tin về vụ việc một bệnh nhân nữ 13 tuổi bị trầm cảm và có ý định tự sát được đưa tới điều trị tại khoa Sức khỏe vị thành niên của bệnh viện Nhi Trung Ương Hà Nội. Sau khi được các bác sĩ can thiệp tâm lý thì sức khỏe tâm thần cũng như kết quả học tập của em đã được cải thiện. Cũng theo bệnh viện này cho biết tại Việt Nam tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần, rối loạn lo âu trầm cảm dao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên. Trong số đó 11,5% là rối loạn cảm xúc và 9,2% là rối loạn ứng xử.

Một nghiên cứu đã được thực hiện với sự tham gia của 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên về tỷ lệ trầm cảm, lo âu ở trẻ vị thành niên. Kết quả cho thấy học sinh tại Hà Nội có mức trầm cảm là 31,3% trong khi tại Hưng Yên chỉ có 18,6%. Tỷ lệ các em có lo âu là 42,6% tại Hà Nội và 36,5% tại Hưng Yên.

Triệu chứng của rối loạn lo âu trầm cảm ở trẻ vị thành niên

Đừng thấy trẻ đã lớn và có thể tự chăm sóc bản thân mà bố mẹ lơ là nhé. Nếu con có những biểu hiện dưới đây kéo dài trong 6 tháng thì có khả năng cao con đang mắc chứng rối loạn lo âu trầm cảm. Lúc này bố mẹ nên đưa bé đi gặp bác sĩ tâm lý chuyên khoa:

  • Thường xuyên né tránh những tình huống mới hay gặp khó khăn khi đương đầu những thử thách trong cuộc sống
  • Luôn có cảm giác kích động, bồn chồn giống như đứa trẻ đang không thể nghỉ ngơi trọn vẹn
  • Tỏ ra rụt rè, nhút nhát khi tham gia các hoạt động xã hội hoặc nơi đông người
  • Trong đầu trẻ có những suy nghĩ hoặc hình ảnh không thể loại bỏ
  • Các triệu chứng thực thể như đau nhức các cơ, toát mồ hôi, đánh trống ngực, đau đầu, đau bụng, có những vấn đề liên quan tới giấc ngủ.
  • Dễ mất tập trung, hay quên hoặc bị xao nhãng trong việc học
  • Lo lắng kéo dài trong nhiều ngày khiến kết quả học tập giảm sút
  • Nhạy cảm với những lời chỉ trích hoặc không thoải mái trong những tình huống xã hội khác nhau.

dấu hiệu roi loan lo au tram cam

Điều trị rối loạn lo âu trầm cảm cho trẻ vị thành niên ngay tại nhà

Để chữa rối loạn lo âu trầm, ngoài việc nhờ sự giúp đỡ từ các chuyên gia, bác sĩ tâm lý cũng như kết hợp điều trị bằng thuốc, bố mẹ nên áp dụng thêm một số biện pháp hỗ trợ tại nhà để “khơi gợi” khả năng “tự chữa lành” của cơ thể.

Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Những chàng trai cô gái vị thành niên bắt đầu ý thức hơn về vẻ bề ngoài. Các con có thể thực hiện các chế độ ăn giảm cân, tăng cân hoặc tăng cơ…Tuy nhiên, nếu “ép buộc” bản thân từ bỏ chất này và dung nạp nhiều chất kia không đúng cách cũng có thể gây áp lực tâm lý, lo âu, thậm chí trầm cảm. Do đó, bố mẹ nên chỉ con cân đối thực đơn hàng ngày với đầy đủ 3 yếu tố là đường, đạm và chất béo.

Ngoài ra, bố mẹ cần kiểm soát con tiêu thụ một lượng lớn những đồ uống có ga, nước ngọt, cà phê…vì những thực phẩm này chỉ khiến tình trạng rối loạn lo âu trầm cảm thêm tồi tệ và gây cản trở giấc ngủ của con.

Tập thể dục

Đối với tuổi vị thành niên, việc giảm cân hoặc tăng cân phụ thuộc vào chế độ ăn tăng giảm là điều không phù hợp. Bởi vì đây là lứa tuổi cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nhất để cơ thể cũng như tâm lý phát triển mạnh mẽ. Nếu con muốn giữ dáng, tăng trưởng chiều cao… thì nên chơi thể thao hàng ngày để phát triển tốt nhất.

tập thể dục

Bộ môn tốt nhất dành cho trẻ bị rối loạn lo âu trầm cảm được gợi ý là yoga. Đây là bộ môn đòi hỏi sự kết hợp giữa thể chất và tinh thần, giúp cho não bộ đạt được trạng thái cân bằng nhất định. Hơn nữa, thông qua yoga, bé có thể giải tỏa cảm giác lo lắng, bồn chồn, xua tan mọi căng thẳng và mệt mỏi.

Dùng tinh dầu

Theo nghiên cứu, tinh dầu sả chanh có chứa các hợp chất có tác dụng xoa dịu tình trạng căng thẳng rất tốt. Bố mẹ có thể pha loãng tinh dầu với nước, sau đó cho vào bình xịt trên vỏ gối, ga trải giường ngủ của con.

Nếu bé không thích mùi hương nồng của sả chanh thì mẹ cũng có thể dùng tinh dầu hoa cúc. Mùi hương dịu nhẹ của hoa cúc sẽ mang đi những cơn đau đầu, khó chịu, mọi căng thẳng và rối loạn lo âu trầm cảm ở trẻ vị thành niên

Bổ sung thêm lysine

Lysine là một trong 12 axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được. Đây lại là dưỡng chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng và đảm bảo độ chắc khỏe của xương. Thêm vào đó, các chuyên gia dinh dưỡng còn cho biết lysine có khả năng ức chế các thụ thể đáp ứng với stress và điều hòa nồng độ hormone cortisol. Chính vì thế, bố mẹ nên tích cực bổ sung những thực phẩm chứa chất này như thịt bò, gà, hải sản có vỏ, các loại đậu…

điều trị rối loạn lo âu

Đọc những câu nói truyền cảm hứng

Để bản thân luôn suy nghĩ tích cực thì bố mẹ nên nói với con duy trì khích lệ bản thân bằng những câu châm ngôn truyền cảm hứng từ những người nổi tiếng chẳng hạn. Đây là thói quen nên được hình thành từ bé để hình thành cách sống lạc quan cho con trẻ.

Viết nhật ký về những điều tích cực

Cùng con cái tạo cho mình thói quen biết ơn những điều xung quanh bằng cách ghi chép thành nhật ký. Điều này sẽ giúp con nhìn thấy những điểm tích cực từ người khác hoặc bản thân và tránh những mâu thuẫn không cần thiết. Khi ghi chép lại những điều mà người khác đã làm cho bản thân mình, bạn cũng sẽ học được cách đối xử tốt với mọi người và tạo được nhiều mối quan hệ tốt đẹp. Ngoài ra, cũng sẽ có những lời cảm ơn đơn giản như “Cảm ơn đã cho con đôi tay để viết”, “Cảm ơn vì hôm nay không có chuyện gì xấu xảy ra”, “Cảm ơn chân hôm nay đã đi được 1.000 bước”…

Kết bạn với người lạc quan

Bố mẹ nên để bé tham gia nhiều hoạt động tập thể như thể thao, các lớp văn thể mỹ, ngoại khóa… để mở rộng mối quan hệ và xác định ai là người sống lạc quan để học hỏi, từ đó phấn chấn và hạnh phúc hơn. Ngoài ra, tạo thói quen ghi chép những cảm xúc khi ở xung quanh bạn bè và gia đình để thiết lập ranh giới với những người thường mang cảm xúc tiêu cực, lo lắng cũng sẽ giúp trẻ phần nào giảm bớt cảm giác lo âu, mệt mỏi, chán chường.

bệnh tâm lý trẻ em

Rối loạn lo âu trầm cảm ở trẻ vị thành niên là bệnh tâm lý ảnh hưởng tới học tập và cuộc sống của con. Ngày nay có rất nhiều áp lực học tập, công việc và gia đình bủa vây mà lứa tuổi này tâm lý còn “yếu”, phức tạp và dễ bị suy sụp, do đó bố mẹ cần quan tâm, tâm sự với con nhiều hơn. Hãy đồng hành cùng con trong hành trình phát triển của con, bố mẹ nhé!

Bài viết liên quan