Năm 2009, Minh Cúc kết hôn khi sự nghiệp ở đoàn kịch 1 (Nhà hát Tuổi trẻ) mới chớm nở. Chị và chồng chọn cách tôn trọng đối phương, không xét nét công việc, cuộc sống riêng tư của nhau. Thế nhưng điều đó khiến hai người dần xa cách. Bốn năm trước, chị ly hôn sau những tháng ngày không hạnh phúc. Chị thừa nhận bệnh tình của con gây áp lực lên cuộc sống gia đình.
Nhớ lại ngày sinh con, Minh Cúc thoáng rùng mình. Chị kể khi đó chị có cơn đau báo hiệu chuyển dạ, rỉ ối nhưng không được cấp cứu kịp thời. Em bé thải phân su vào bụng mẹ, khiến nước ối chuyển màu xanh. Lúc chào đời, bé nhiễm khuẩn nặng, nội tạng đều bị ảnh hưởng, dẫn đến suy gan, thận và tim. Ba tuần tuổi, Tú Minh trải qua ca phẫu thuật tim đầu tiên. Hai mẹ con nằm viện suốt ba tháng sau hậu phẫu. Ca mổ thành công nhưng bé bị chẩn đoán tổn thương não bộ. Nhận kết quả, Minh Cúc không khóc lóc, phiền muộn hay suy sụp. Chị tự nhủ mình càng phải mạnh mẽ để chăm sóc, che chở con.
“Mình không thương con mình thì chẳng ai thương”, Minh Cúc nói về hành trình chín năm chăm sóc con gái mắc bệnh bại não bằng một câu gọn lỏn. Chị luôn cố gắng ở cạnh con nhiều nhất có thể bằng cách đưa bé cùng đi làm, đi chơi. “Một số người mẹ suy sụp, ngại ngùng, xấu hổ khi con mắc bệnh về não. Tôi coi đó là chuyện bình thường và mình phải học cách chấp nhận. Mẹ con tôi vốn khỏe mạnh bình thường, mắc bệnh do tai nạn. Tôi không giấu giếm bệnh tình của Tú Minh. Khi đưa con ra ngoài chơi, tôi sẵn sàng đối mặt với những ánh mắt tò mò, khiếm nhã”, chị nói. Bé không thể nói năng, đi lại được nhưng biết buồn, tủi thân. Một lần, khi đi chơi, một bé gái khoảng 13, 14 tuổi nhìn Tú Minh với ánh mắt tò mò, ngạc nhiên. Cả buổi hôm đó, bé rầu rĩ, cúi gằm mặt.
Tú Minh sinh hoạt vất vả, khó khăn. Mỗi khi “trái gió trở trời”, cả ngày bé không ngủ được, cơ thể nhỏ bé gắng vặn vẹo, miệng ê a rên rỉ. Chị phải cho con uống thuốc ngủ để bé nghỉ ngơi, lấy lại sức. Vì con không thể nhai, Minh Cúc dùng xi-lanh bơm sữa, sinh tố. Minh Cúc từng đi từ thiện ở một trung tâm chăm sóc các bé mắc bệnh bại não. Đến nơi, nhìn những em nhỏ giống hệt con mình, không được ở cùng gia đình, chị rớm nước mắt, tự nhủ sẽ không bao giờ rời xa Tú Minh.
Đồng lương ở nhà hát ít ỏi, Minh Cúc làm thêm đủ nghề, nhận trang điểm, kinh doanh đồ da handmade để có đồng ra đồng vào lo cho con. Cứ nghe ở đâu có thuốc hay, thầy giỏi, chị âm thầm tìm hiểu rồi đưa Tú Minh đến chữa chạy. Chị từng cho bé theo phương pháp châm cứu suốt 5 năm, đến nỗi quen cả cách rút kim, bật máy châm.
Năm ngoái, Minh Cúc đưa Tú Minh đến một bệnh viện lớn, đăng ký tham gia chương trình cấy tế bào gốc. “Lúc đó, tôi khấp khởi hy vọng. Mọi người đồn phương pháp có thể giúp bệnh nhân phục hồi đến 50%. Nếu con có 1% cơ hội, tôi chẳng ngại tốn kém, sẵn sàng vay mượn để chữa bệnh cho con. Thế nhưng bác sĩ chẩn đoán con tôi không có khả năng phục hồi. Họ nói thêm những bệnh nhân bại não như bé tuổi thọ thường không cao, có khi chỉ sống được đến 13 – 15 tuổi. Tôi không sốc, cảm thấy bằng lòng vì họ không gieo cho tôi niềm tin mơ hồ mà để tôi nhìn thẳng vào sự thật”, Minh Cúc giãi bày.
Nhìn vẻ cứng cỏi của Minh Cúc, nhiều người nghĩ chị sắt đá, vô cảm. Chị không rơi nước mắt trước ai và tuyệt đối không khóc vì nghĩ số phận mình bất hạnh. Khoảnh khắc duy nhất khiến Minh Cúc rơi lệ là khi chơi đùa, trò chuyện cùng con gái, nghe những tiếng ê a của bé, cảm nhận tình cảm bé dành cho chị.