Mẹ&Con – Đừng ép trẻ nai lưng ra “cày” chương trình học của năm sau! Mùa hè nên là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn của trẻ. Tuy nhiên, bạn cũng đừng phó mặc cho con ngủ nướng, xem tivi, dán mắt vào màn hình máy tính chơi game cả ngày.

Bé cần có một chương trình học mà chơi vui nhộn, hữu ích, giúp bé vừa được “xả hơi”, vừa có thể học thêm thật nhiều kỹ năng quan trọng.

1. Học năng khiếu

Bạn không cần nuôi tham vọng biến con thành một cậu bé hoặc cô bé “cầm kỳ thi họa” đều giỏi cả! Nhiều phụ huynh đăng ký cho con đến cả 3-4 lớp năng khiếu cùng lúc. Điều đó sẽ khiến trẻ mệt mỏi, căng thẳng chẳng kém gì phải đi học ở trường. Hãy hỏi con thật sự thích gì, có thể gợi mở, định hướng chút ít cho bé. Sau đó chọn cho con từ 1-2 lớp năng khiếu là đủ. Một vài gợi ý cho bạn là cho trẻ học bơi lội (kỹ năng nên trang bị cho con từ sớm để tránh bị đuối nước), bóng rổ (giúp bé phát triển chiều cao, tinh thần đồng đội), học vẽ, học chơi một nhạc cụ nào đó mà bé thích…

8 cách giúp bé học mà chơi

(Ảnh minh hoạ)

2. Về quê

Đừng ngại “thả” con về quê tối thiểu một tuần mùa hè này. Điều kiện sinh hoạt ở quê có thể không bằng thành thị, nhưng bạn đừng ngại con “chịu khổ” rồi giữ rịt bé ở nhà. Thực tế, một căn phòng máy lạnh chưa chắc khiến bé thích thú như việc được đu đưa võng dưới tàn cây mát rượi, nghe tiếng chim véo von ở trong vườn. Cho trẻ về quê là một cách “xả stress” và giúp trẻ học kỹ năng rất tuyệt vời. Con bạn sẽ được thưởng thức những thú vui không em bé thành thị nào có được như hít thở không khí trong lành, nhận biết từng bông hoa ngọn cỏ phát triển ra sao, học cách quan sát đời sống của những sinh vật xung quanh, học cả sự khéo léo thông qua những công việc vừa sức bé…

3. Một tủ sách

Hè là khoảng thời gian tuyệt vời tạo dựng thói quen đọc sách cho con. Bạn có thể mua cho con một chiếc kệ bé xinh, cùng với con sơn phết, trang trí kệ. Sau đó, đi cùng bé ra nhà sách, hướng dẫn con chọn sách. Đừng chỉ chọn truyện tranh. Có rất nhiều quyển sách bổ ích khác cần thiết cho con bạn. Ví dụ như những cuốn sách khoa học “Bé hỏi tại sao?”, những quyển truyện cổ tích, sách thiếu nhi… Hãy đặt tiêu chuẩn cho con là mỗi ngày đọc được bao nhiêu trang sách và kể tóm tắt cho bạn nghe xem những trang sách ấy nói gì. Bằng sự chuyện trò cởi mở, gợi ý, định hướng khéo léo, bạn sẽ giúp bé mê sách hồi nào không hay và “thu nhặt” được cả một kho tàng kiến thức tuyệt vời sau mùa hè này đấy.

4. Tham gia hướng đạo sinh

Các lớp hướng đạo sinh “thu nhận” thành viên ở độ tuổi từ rất bé (lớp Nhi Ấu sinh nhận thành viên từ 6-11 tuổi). Bạn nên đăng ký cho con tham gia các câu lạc bộ, lớp hướng đạo này. Bé sẽ được sinh hoạt tập thể, học được tính kỷ luật, biết thêm nhiều bài hát, trò chơi, trở nên dạn dĩ, tự tin trước đám đông và khéo léo hơn rất nhiều khi được dạy từng kỹ năng rất nhỏ như cách thắt nút dây, cách xử lý tình huống, cách dựng lều, cắm trại… Trẻ được sinh hoạt hướng đạo sinh từ sớm cũng sẽ có tinh thần sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ người khác. Bạn sẽ thấy con lanh lẹ, trưởng thành hơn rất nhiều sau những ngày tham gia sinh hoạt hướng đạo mùa hè này.

5. Dự trại hè

Có vô số trại hè được tổ chức hè này. Ví dụ như trại hè của các trung tâm Anh ngữ, giúp bé vừa học vừa chơi, ôn luyện tiếng Anh thông qua những buổi dã ngoại, tham quan; trại hè Thanh Đa dành cho con em cán bộ công nhân viên; trại hè do trường lớp của bé hoặc địa phương tổ chức; trại hè của Nhà thiếu nhi… Bạn nên đăng ký cho trẻ tham gia tối thiểu một chương trình trại hè. Việc sinh hoạt trại hè giúp trẻ tự lập, dạn dĩ, học hỏi thêm được nhiều điều, có thêm nhiều bạn mới và thật sự được vui chơi, xả stress một cách đầy hào hứng sau chín tháng học miệt mài.

6. Học nhóm  

Bạn muốn con ôn lại bài vở cũ của năm qua và xem trước chút ít chương trình năm sau để dễ dàng bắt nhịp kịp? Rất tốt! Nhưng đừng để bé phải đi học thêm! Thay vào đó, hãy khuyến khích và hỗ trợ cho bé rủ thêm 1-2 bạn cùng lớp hoặc cùng xóm (học ngang lớp) tập trung thành một nhóm. Bạn có thể hướng dẫn cho các bé cách tự học, tự tìm hiểu, trao đổi bài vở với nhau. Bước đầu có thể việc này khá khó khăn nếu con bạn còn nhỏ. Nhưng không sao cả! Bé đang trong giai đoạn mùa hè mà… Học được chút ít cũng đã là tốt rồi. Cái quan trọng là bạn đã tạo được cho con một không khí học tập vui tươi, thoải mái, giúp bé sớm có khái niệm học nhóm, tự học, trao đổi với bạn bè thay vì cái gì cũng chờ đến thầy cô.

7. Tạo dựng “bộ sưu tập”

Thói quen sưu tập là thói quen cực kỳ tốt vì nó rèn cho con bạn tính kiên trì, nhẫn nại, tỉ mẩn, cách hệ thống, sắp xếp mọi vật, cách trân trọng thành quả của mình… Hè là cơ hội để bạn cùng con tạo nên một bộ sưu tập nào đấy. Đừng cho là bé làm chuyện vô bổ. Hãy khuyến khích bé sưu tập bất cứ thứ gì bé thích và ủng hộ con thật nhiệt tình. Bé có thể sưu tập tem, sưu tập hình ảnh các loài hoa, sưu tập các bài báo thiếu nhi hay, sưu tập ca dao, sưu tập hình cầu thủ mà bé thích, sưu tập nút áo, sưu tập nắp chai… Bất cứ thứ gì cũng được. Có thể hướng dẫn cho bé tìm hiểu kỹ hơn về thứ mà bé sưu tập. Bạn xem, bé sẽ học được bao nhiêu điều từ thú vui bổ ích này!

8. Dạy bé việc nhà

Bất kể con là con trai hay con gái, bạn cũng nên tận dụng những ngày hè rảnh rỗi để tập cho con làm các việc nhà phù hợp. Nhớ giao việc cụ thể, rõ ràng và có hướng quy đổi “thành quả lao động” của bé ra thành phần thưởng. Điều đó sẽ khiến bé thích thú hơn! Bạn hãy dạy con từng việc nhỏ như quét nhà, lau nhà, gấp quần áo, giặt quần áo, nấu cơm, làm bánh, làm sinh tố… Khen ngợi con thật nhiều và thậm chí có thể cho phép con mời bạn bè đến nhà, tổ chức những tiệc nhỏ cho phép bé tự “trổ tài” làm một số món ăn uống đơn giản. Con bạn sẽ không còn là “cậu ấm cô chiêu” mà trở nên thật giỏi giang sau những ngày hè này đấy.

Tags:

Bài viết liên quan