Những đứa trẻ được làm quen với sách từ sớm thường sẽ có trí tưởng tượng phong phú, tư duy và khả năng sáng tạo vượt trội hơn so với bạn bè. Chính vì vậy, bên cạnh thói quen chăm sóc bản thân và bảo vệ bản thân thì thói quen đọc sách cần rèn luyện càng sớm càng tốt.
Hãy làm gương cho trẻ nếu muốn trẻ có thói quen đọc sách
Trên thực tế cha mẹ chính là một trong những người tác động rất lớn đến tâm lý, hành động, cách suy nghĩ và kể cả thói quen của trẻ. Vào những năm đầu đời, trẻ hầu như luôn quấn quýt bên bố mẹ ngoại trừ thời gian đi ngủ. Chính vì vậy, hành động của trẻ thường có phần giống với bố mẹ hay nói cách khác trẻ sẽ phản chiếu 1 phần tính cách của bố mẹ.
Thế nên nếu các bạn muốn xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ thì chúng ta cần đảm bảo rằng trẻ phải thường xuyên thấy bạn đọc sách. Việc này sẽ kích thích sự tò mò của trẻ, trẻ sẽ thắc mắc việc đọc sách “có gì thú vị” mà bố mẹ lại tập trung đến vậy. Từ đó trẻ sẽ bắt chước và có thể tự đọc sách mình yêu thích.
Bố mẹ chính là cầu nối rất quan trọng để giúp các con hiểu được tầm quan trọng của đọc sách đối với cuộc sống. Đây không chỉ là cách giúp trẻ giải trí mà sách còn là nguồn tri thức vô tận giúp con người kết nối với thế giới rộng lớn.
Xây dựng tủ sách gia đình giúp rèn thói quen đọc sách cho con
Nhiều bố mẹ có đam mê đọc sách nhưng rất ít trong số đó nghĩ đến việc xây dựng tủ sách gia đình. Vì chúng ta thường có suy nghĩ tủ sách là phải “lớn” và rộng”… nhưng đây chính là lầm tưởng lớn làm ảnh hưởng đến thói quen đọc sách của trẻ. Theo nhiều nghiên cứu, việc xây dựng tủ sách sẽ ảnh hưởng rất tích cực đến sở thích đọc sách của trẻ. Đồng thời trẻ sẽ học được cách trân trọng từng trang sách.
Bên cạnh đó, tủ sách gia đình còn là một không gian giúp gia đình bạn thư giãn những ngày cuối tuần. Tủ sách thường mang đến cảm giác bình yên và tri thức cho khách đến thăm nhà. Vậy xây dựng tủ sách như thế nào cho hợp lý?
Nếu gia đình bạn có nhiều diện tích thì có thể thuê hẳn kiến trúc sư thiết kế để không gian hoàn hảo hơn. Bên cạnh đó các bạn có thể nhân rộng từ tủ sách gia đình sang phòng đọc sách gia đình.
Đối với những ngôi nhà không quá rộng, nhà ở chung cư các bạn có thể tìm mua những kệ sách tự lắp ráp trên trang thương mại điện tử, rồi trang trí theo sở thích của mình. Tủ sách gia đình không cần quá lớn mà quan trọng là phải có đầy đủ quyển sách yêu thích của các thành viên gia đình và không gian có nhiều ánh sáng tự nhiên.
Thảo luận những điều đã đọc với con để con hứng thú đọc sách hơn
Bạn có bao giờ nhận thấy khi chúng ta gặp được một người bạn đã từng đọc quyển sách bạn yêu thích thì câu chuyện trở nên sinh động và bạn thấy hào hứng với niềm đam mê đọc sách của mình hay không?
Đối với trẻ cũng vậy, các bạn nên thường xuyên thảo luận về nội dung quyển sách mà trẻ đã từng đọc. Đó có thể chỉ là những quyển sách hình về động vật, nhưng trẻ sẽ vui hơn khi được bố mẹ đặt câu hỏi “con thích con vật nào trong sách”. Bên cạnh tạo hiệu ứng tốt trong việc xây dựng thói quen đọc sách thì việc bàn luận còn giúp bạn hiểu hơn về sở thích của trẻ.
Khi trao đổi với trẻ về nội dung sách bạn không nên dùng vai vế lớn hơn để tạo cảm giác thúc ép trẻ nhanh trả lời câu hỏi. Bạn hãy để các bé chia sẻ về nội dung một cách thích thú nhất.
Xây dựng phần thưởng giúp khuyến khích con có thói quen đọc sách
Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc xây dựng một bản đồ đánh dấu các mốc đọc sách của trẻ chưa? Với mỗi cột mốc mà trẻ đạt được bạn sẽ tặng trẻ phần thưởng xứng đáng. Việc này không những giúp thói quen đọc sách của trẻ duy trì tốt hơn mà còn kích thích khả năng thi đua của trẻ.
Tuy nhiên, các bạn không nên đặt những phần thưởng quá lớn nhé, vì như vậy sẽ khiến trẻ chán nản khi không có phần thưởng. Các bạn nên đặt những phần thưởng như: một buổi anh gà rán, đi khu vui chơi, một túi đựng bút mới…
Bên cạnh đó, sau khi trẻ hoàn thành cột mốc các bạn cũng nên kiểm tra lại để tránh tình trạng trẻ đọc lướt nhanh nhằm đạt được phần thưởng nhé. Việc kiểm tra không đồng nghĩa với việc bạn sẽ “kiểm tra miệng” trẻ mà hãy áp dụng phương pháp bàn luận về nội dung sách ở trên.
Đưa trẻ đến thư viện, đường sách giúp trẻ hứng thú hơn với việc đọc sách
Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn tính cách của trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Chính vì vậy các bạn nên thường xuyên cho trẻ đến các địa điểm có nhiều sách để tham quan nhé! Dù trẻ đang ở giai đoạn tập đi hay tập nói thì việc cho trẻ đến những môi trường tri thức cũng sẽ kích thích tính tò mò và tập làm quen với sách từ sớm cho trẻ.
Bên cạnh đó, nhiều thư viện cũng có các chương trình để xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ. Chính vì vậy, bên cạnh các khu vui chơi, quán ăn, trung tâm mua sắm thì thư viện chính là địa điểm bạn nên thêm vào danh sách khi đi chơi dịp cuối tuần với con nhé!
Rèn thói quen đọc sách cho trẻ bằng cách chia sẻ chuyện về thói quen đọc sách của bố mẹ
Tặng lại những quyển sách mà bạn từng đọc cho con là một ý tưởng rất hay để trẻ có niềm đam mê với sách hơn. Bên cạnh đó, các bạn hãy chia sẻ về những câu chuyện, nhân vật… trong những quyển sách bạn từng đọc tác động tích cực như thế nào đến suy nghĩ và lối sống của bạn khi trưởng thành.
Việc chia sẻ những kinh nghiệm với con phải được thực hiện nhẹ nhàng, tránh những câu mang tính so sánh và ra lệnh như: “Bằng tuổi con mẹ đã đọc được 10 quyển sách rồi đấy”, “Con phải như mẹ đọc sách thật nhiều vào”… bạn hãy nhớ rằng việc đọc sách hiệu quả nhất chính là lúc tâm trạng được thoải mái và không bị áp lực bởi bất kỳ yếu tố này.
Chính vì vậy, khi chia sẻ kinh nghiệm các bạn nên dùng thái độ động viên như: “Mẹ cũng từng là người rất lười đọc sách và bây giờ mẹ rất yêu thích đọc sách, mẹ tin con sẽ làm được”.
Cho trẻ chọn sách theo sở thích của mình để xây dựng thói quen đọc sách
Việc xây dựng thói quen đọc sách cũng phụ thuộc rất nhiều vào trẻ. Chính vì vậy, bố mẹ không nên ép buộc trẻ phải đọc riêng một loại sách nào đó. Vào giai đoạn trẻ đã có thể đọc lưu loát hơn bạn hãy cho trẻ tự do chọn thể loại sách mình đọc miễn là nằm trong khuôn khổ chấp nhận được. Lâu dần bạn có thể tặng trẻ những quyển sách liên quan để tri thức, khoa học, vũ trụ để trẻ làm quen.
Đọc sách không chỉ giúp trẻ tăng kiến thức mà còn giúp trẻ học được cách kiềm chế cảm xúc. Chính vì vậy, bố mẹ hãy xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ những năm đầu đời nhé!