Nếu như ngày trước độ tuổi dậy thì ở trẻ là 14-15 tuổi thì ngày nay, không khó để bắt gặp các bé gái chỉ mới học lớp 4 hoặc lớp 5 đã có kinh nguyệt. Có thể thấy, độ tuổi dậy thì trung bình ở trẻ ngày nay rơi vào khoảng 11-12 tuổi. Tình trạng trẻ dậy thì sớm đang ngày một tăng mạnh và trở thành một vấn đề đáng báo động với các bậc cha mẹ hiện nay.
Trẻ em ngày càng dậy thì sớm hơn!
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hiện nay trẻ em gái đang có xu hướng dậy thì sớm hơn từ 2-3 tuổi còn trẻ em trai thường dậy thì sớm hơn 1-2 tuổi. Còn theo TS.BS. Bùi Phương Thảo – Phó Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi Trung ương, tuổi dậy thì trung bình ở trẻ là 11-12 tuổi. Tại Việt Nam trong năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 365 trường hợp trẻ được chẩn đoán mắc dậy thì sớm. Trong năm 2020, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.000 bé dậy thì sớm và đã điều trị ức chế dậy thì cho hơn 500 cháu.
Các thống kê về tình trạng trẻ hóa trong độ tuổi dậy thì ở trẻ em cũng cho thấy, tỷ lệ trẻ em gái dậy thì sớm chiếm tỷ lệ cao hơn gấp 20 lần so với các bé trai. Hầu hết các trường hợp (90 – 95%) được xác định là vô căn, một số ít (5 – 10%) có bất thường ở não, dị tật não hoặc u não. Ở các bé trai, 1/2 trường hợp (40 – 50%) bé dậy thì sớm có bất thường ở não.
Hiện nay, một số trường hợp đặc biệt, trẻ chỉ mới vài tháng tuổi nhưng đã bắt đầu có những dấu hiệu dậy thì đáng quan ngại.
Dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng thế nào đến trẻ?
Đây là câu hỏi được rất nhiều phụ huynh đặt ra trong các buổi thảo luận, tư vấn sức khỏe cùng chuyên gia. Một số ảnh hưởng dễ thấy được khi trẻ dậy thì sớm có thể kể đến như:
Trẻ gặp các vấn đề về vóc dáng
Vấn đề này thường xảy ra ở các bé gái nhiều hơn so với các bé trai. Khi dậy thì sớm hơn các bạn cùng trang lứa, bé thường có các dấu hiệu dậy thì rõ rệt như vùng ngực vun to hơn, bé cao hơn. Tuy nhiên, vì không được giáo dục giới tính cũng như được thầy cô hướng dẫn về các vấn đề này, bé sẽ cảm thấy tự ti khi mình khác biệt và bị bạn bè trêu chọc.
Trẻ dễ bị lo âu, trầm cảm
Khi nhắc đến tình trạng dậy thì sớm ở trẻ, chúng ta thường hay nghĩ đến các ảnh hưởng về mặt sức khỏe thể chất. Tuy nhiên, bạn có biết, dậy thì sớm cũng có những tác động không nhỏ đến tinh thần của trẻ?
Đầu tiên, trẻ có thể căng thẳng khi nhận thấy sự thay đổi trên cơ thể của mình. Đặc biệt, nếu từ nhỏ trẻ không được thầy cô và bố mẹ hướng dẫn các vấn đề liên quan đến việc dậy thì thì lúc này, trẻ sẽ cảm thấy hoang mang, lo sợ dẫn đến rối loạn lo âu.
Hơn nữa, khi trẻ cảm nhận được mình khác với bạn bè, bị các bạn trêu chọc, trẻ sẽ có xu hướng tự ti, loay hoay tìm cách che giấu những thay đổi này, thậm chí tách biệt mình khỏi mọi người. Lâu dần, trẻ sẽ dễ trở nên rụt rè, không muốn chia sẻ cùng ai. Sự ức chế này có thể dẫn đến tổn thương tinh thần, khiến trẻ bị trầm cảm và có nguy cơ tự tử nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Giai đoạn dậy thì ngắn
Thông thường, trẻ dậy thì sớm lại có giai đoạn dậy thì ngắn hơn. Một khi trẻ bước qua giai đoạn dậy thì, sự tăng trưởng trên cơ thể sẽ bắt đầu ngừng lại. Có thể ban đầu khi con vừa mới dậy thì, bố mẹ sẽ thấy con cao hơn các bạn khác nhưng đến khi con đã trưởng thành, vóc dáng của con lại có phần thấp bé, nhẹ cân hơn so với bạn bè.
Quan hệ tình dục trước tuổi
Dậy thì đi kèm theo sự thay đổi về hormone, nội tiết tố trong cơ thể của trẻ. Lúc này, con có xu hướng tò mò các vấn đề liên quan đến việc quan hệ tình dục và có thể quan hệ tình dục trước tuổi hoặc bị kẻ xấu dụ dỗ, cưỡng hiếp. Điều này có thể để lại sang chấn tâm lý, khiến trẻ ám ảnh việc quan hệ tình dục. Việc này sẽ dẫn đến việc khi trẻ lớn lên không còn cảm giác với những chuyện chăn gối và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hôn nhân.
Nguy hiểm hơn, khi quan hệ tình dục không đúng cách và không biết áp dụng các biện pháp phòng tránh thai hợp lý, trẻ em gái có thể có thai khi cả cơ thể lẫn tinh thần đều chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ. Việc tiếp tục mang thai và sinh con lúc này có thể thay đổi cuộc sống của bé, khiến con phải nghỉ học hoặc dang dở việc học 1-2 năm, chưa tính đến các vấn đề như kinh tế, chịu áp lực từ dư luận.
Ngoài ra, những đứa trẻ dậy thì sớm, nếu mang thai và chọn cách phá thai sẽ để lại nhiều hậu quả đáng tiếc như mất khả năng sinh sản, viêm nhiễm vùng chậu, dính buồng tử cung…
Dễ lạm dụng ma túy
Theo các thống kê, trẻ em khi dậy thì sớm thường dễ kéo theo các vấn đề như lạm dụng rượu bia, chất kích thích và thậm chí là ma túy. Tâm lý tuổi dậy thì lúc này thường khiến trẻ tò mò với những điều người lớn cấm làm và nghĩ rằng mình đã lớn, mình có thể làm được. Điều này nếu không được thầy cô và bố mẹ phát hiện sớm có thể khiến trẻ nghiện ngập, rơi vào cạm bẫy của ma túy để lại những hậu quả khó lường.
Ảnh hưởng đến việc học tập
Thông thường, trẻ dậy thì quá sớm thường dễ bị ảnh hưởng đến việc học tập. Bên cạnh các vấn đề về thay đổi hormone trong cơ thể, việc dậy thì sớm còn khiến trẻ dễ rung động với bạn khác giới, thường xuyên tò mò những chuyện của người lớn khiến trẻ bị xao nhãng trong việc học hành.
Hiểu nguyên nhân trẻ dậy thì sớm
Với hàng loạt những vấn đề có thể xảy ra khi trẻ dậy thì sớm, nhiều bố mẹ liền thắc mắc vậy phải làm sao để có thể hạn chế được tình trạng con dậy thì sớm hơn? Trước tiên, bố mẹ cần phải hiểu được nguyên nhân vì sao tình trạng trẻ em dậy thì sớm lại gia tăng ở mức đáng báo động như thế.
Để lý giải điều này, có thể hiểu như sau:
- Trẻ bị tổn thương ở các cơ quan hệ thần kinh trung ương
- Từng chịu tác động của bức xạ lên não và tủy sống
- Có khối u trong não và tủy sống
- Có các dị tật bẩm sinh của hệ thần kinh trung ương như ứ đọng dịch lỏng dư thừa…
- Bị suy giáp, tuyến giáp không sản sinh đủ hormone cần thiết
- Có tiếp xúc với hormone giới tính ở dạng kem hoặc thuốc mỡ
- Có khối u buồng trứng
- Béo phì
- Gặp hội chứng McCune-Albright (rối loạn di truyền ảnh hưởng đến xương, da và nội tiết tố)
- Hormone tuyến thượng thận hoặc tuyến yên tiết ra estrogen hoặc progesterone
- Gặp chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh (dạng rối loạn di truyền do rối loạn tổng hợp hormone và vỏ thượng thận)
- Suy giáp, tình trạng tuyến giáp không sản sinh đủ hormone
Ngoài ra, trẻ dậy thì sớm còn có thể do một số nguyên nhân khác như tiếp xúc quá nhiều với các yếu tố gợi ý về giới tính (sách báo, phim ảnh; ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc công nghiệp; bị ảnh hưởng bởi chủng dân, tiền sử gia đình…
Tình trạng trẻ em dậy thì sớm đang là một vấn đề đáng báo động hiện nay, bởi số lượng trẻ mắc phải vấn đề này đang ngày một tăng cao. Trẻ dậy thì sớm ngỡ là một câu chuyện bình thường nhưng trên thực tế có thể kéo theo rất nhiều hệ lụy mà bố mẹ chưa ngờ tới. Vì vậy, bố mẹ nên hạn chế hết mức có thể các tác nhân có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình dậy thì của trẻ cũng như thường xuyên chú ý đến con, kịp thời phát hiện ra những triệu chứng bất thường ở con để có hướng điều trị phù hợp nhất! Chúc bé yêu của bạn luôn vui khỏe!