Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tháng 4 đã phát hiện nhiều trường hợp viêm gan bí ẩn ở trẻ em trước đó khỏe mạnh từ Vương quốc Anh. Tuy nhiên, theo chẩn đoán sơ bộ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác do kết quả xét nghiệm cho thấy, trẻ không nhiễm bệnh lý viêm gan do vi rút A, B, C, D và E hoặc bị viêm gan cấp tính do các nguyên nhân khác của bệnh viêm gan đã phát hiện từ trước.
Không chỉ tại Vương quốc Anh mà các nước trong Liên minh Châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới cũng bắt đầu xuất hiện các trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ em khiến phụ huynh không khỏi lo lắng.
Viêm gan bí ẩn ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê số ca bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em chưa tìm ra nguyên nhân tính đến ngày 6-5 là 228 trường hợp. Bệnh bắt đầu xuất hiện tại Anh (số ca nhiễm lên đến 170 ca) và hiện tại đã có mặt tại 20 quốc gia, kể cả các nước Đông Nam Á. Tính đến ngày 8/5//2022, Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh nào. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định là khả năng Việt Nam xuất hiện viêm gan bí ẩn rất cao.
Trong các trường hợp bị viêm gan bí ẩn ở trẻ em, không ít trường hợp bệnh diễn tiến nặng, trẻ cần phải ghép gan. Thậm chí còn có một số ca trẻ bị “viêm gan bí ẩn” tử vong. Hiện tại, nguyên nhân của tình trạng viêm gan cấp tính nặng vẫn còn đang được điều tra. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng của trẻ, bố mẹ không nên chủ quan.
Virus Adeno có phải nguyên nhân của bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em?
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Phòng ngừa bệnh tật cùng với thông tin từ WHO cập nhật, kết quả xét nghiệm các trường hợp trẻ bị viêm gan bí ẩn cho thấy, có ít nhất 74 trường hợp phát hiện nhiễm virus Adeno. Cụ thể, 18 trường hợp được xác định nhiễm virus Adeno tuýp 41), 20 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và 19 trường hợp được phát hiện đồng nhiễm SARS-CoV-2 và virus Adeno.
Với kết quả xét nghiệm, các chuyên gia y tế nghi ngờ virus Adeno chính là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm gan bí ẩn ở trẻ em. Tuy nhiên, hiện chưa thể kết luận chính xác mà còn phải chờ thêm nhiều cuộc điều tra khác. Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết, biểu hiện lâm sàng của trẻ mắc “viêm gan lạ” không giống với lâm sàng các trường hợp nhiễm virus Adeno khác. Do đó, có thể do virus hoặc do các độc tố khác.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng chia sẻ thêm thông tin, hiện nay có đến hơn 50 tuýp virus Adeno và đây cũng là nguồn lây bệnh cấp tính phổ biến. Chủng virus này có thể lây các bệnh hô hấp từ người sang người, gây nên nhiều bệnh khác nhau, có thể kể đến như viêm bàng quang, viêm dạ dày ruột, viêm kết mạc (mắt đỏ),…
Ngoài ra, một số giả thuyết cho rằng các trường hợp viêm gan bí ẩn này do virus gây Covid-19 chính. Nhưng vẫn chưa có bằng chứng về việc vaccine ngừa Covid-19 có ảnh hưởng hay liên quan đến các ca viêm gan này hay không vì theo dữ liệu tại Anh – quốc gia tính đến thời điểm hiện tại có nhiều ca viêm gan bí ẩn nhất thì không có trường hợp nào trong số này được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Một giả thuyết khác cho rằng, bệnh viêm gan cấp tính nặng ở trẻ em kỳ lạ xuất hiện gần đây là do do sự tương tác giữa các virus, mà cụ thể là virus Corona và virus Adeno hoặc do một loại virus hoàn toàn khác chưa được phát hiện ra.
Phòng ngừa viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Dù vẫn còn phải chờ cơ quan y tế cung cấp thêm thông tin về nguyên nhân gây bệnh nhưng hiện tại, vẫn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa viêm gan bí ẩn ở trẻ em. Đặc biệt, tuy Việt Nam chưa có ca bệnh nên chúng ta nhưng vẫn không nên chủ quan bởi kết quả từ các ca bệnh trước cho thấy, bệnh diễn tiến nhanh và nặng, gây ra nhiều hậu quả nặng nề và thậm chí trẻ mắc bệnh còn có nguy cơ tử vong.
Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo nhiều nguy cơ tình trạng viêm gan bí ẩn này lây lan thông qua đường tiêu hóa. Vì thế, cần chủ động vệ sinh cá nhân cho trẻ để phòng bệnh.
Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cần lưu ý:
- Trẻ sau khi sinh ra trong 24 giờ đầu tiên cần được tiêm vaccine viêm gan B để bảo vệ sức khỏe.
- Chủ động rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh hô hấp hoặc khi cầm, nắm, chạm vào bề mặt đồ vật. Mỗi lần rửa tay nên kéo dài tối thiểu 20 giây, rửa kỹ các khu vực kẽ tay và nên rửa với xà phòng. Trong trường hợp không có xà phòng, sát khuẩn tay với dung dịch vệ sinh có chứa cồn.
- Đeo khẩu trang đúng cách , che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
- Không chạm vào mắt, mũi hoặc miệng nếu chưa rửa tay.
- Cho trẻ ăn chín uống sôi, thức ăn của trẻ phải được rửa kỹ trước khi chế biến.
- Nói không với việc cho trẻ ăn đồ sống hoặc thực phẩm không vệ sinh.
- Nên chủ động đưa trẻ đến cơ quan y tế khi có những biểu hiện bất thường như vàng da, da nhợt nhạt, vàng mắt, ngứa da, chán ăn, nước tiểu vàng sậm, phân màu xám, mệt mỏi, sốt cao, rối loạn tri giác, đau bụng, tiêu chảy, ói mửa, đau cơ và khớp
Viêm gan cấp tính nặng trẻ em đến giờ vẫn là “ẩn số” khi chưa thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Mẹ và Con sẽ liên tục cập nhật thông tin về bệnh viêm gan bí ẩn để bố mẹ có thể bảo vệ sức khỏe trẻ một cách tốt nhất. Hãy theo dõi Mẹ và Con, bạn nhé!