Mẹ và Con - Chắc hẳn cha mẹ nào cũng thắc mắc, dù cho mua cho bao nhiêu đồ chơi, gấu bông mới nhưng tại sao trẻ lại chỉ yêu thích một con gấu bông cũ mèm, thậm chí không có bạn gấu ấy, con sẽ không ngủ được. Ngay cả khi con đã lớn tướng, nhưng vẫn thường xuyên ôm ấp chú gấu cũ, một món đồ chơi từ thuở lọt lòng?

Đứa trẻ nào cũng sẽ có một món đồ chơi yêu thích nhất của mình. Có thể là một “chú” gấu bông cũ, một “cô” búp bê đã hư tóc, một “anh” siêu nhân đã bị tróc sơn,… Và dù cho có bao nhiêu đồ chơi mới khác đi nữa, con cũng không muốn vứt đi món đồ chơi cũ kỹ của mình, ngược lại còn xem nó như… báu vật. Điều này có thể khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy không hài lòng và khó hiểu.

Tuy nhiên, theo như các nhà tâm lý cho biết, đối với trẻ nhỏ, những món đồ chơi này không chỉ đơn giản là một món đồ vật thông thường, mà còn là “tri kỉ” mà trẻ đã nảy sinh mối quan hệ liên kế. Đây được xem là hiện tượng “Hiệu ứng sở hữu”. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu thêm qua bài viết sau đây nhé!

Tìm hiểu về hiệu ứng sở hữu?

Theo các nhà tiến sĩ tâm lý học cho biết, hiệu ứng sở hữu miêu tả xu hướng tình trạng con người thường trân trọng những thứ họ sở hữu hơn là những thứ họ không sở hữu. Nói cách khác, khi họ sử dụng một món đồ nào đó một thời gian thì sẽ nảy sinh ra một sự liên kết giữa bản thân người sở hữu với những thứ được họ xem là “của riêng mình”.

Để chứng minh điều này, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm quét não và phát hiện ra rằng, các nơron thần kinh của con người được kích hoạt nhiều hơn khi nhìn thấy những món đồ của mình trong rổ hình ảnh có nhiều món đồ khác nhau.

Điều này cho thấy, qua sự tương tác hàng ngày từ lúc nhỏ của trẻ đã tạo nên những kỷ niệm đặc biệt, độc đáo và duy nhất của con đối với món đồ chơi mà con đã giữ bên mình hồi thuở nhỏ. Vì thế, trẻ sẽ có xu hướng quý trọng những món đồ vật mà mình sử dụng từ lúc bé hơn, vì giá trị của chúng đã được nâng cao qua thời gian trong tiềm thức của con. Do đó, dù cho có bất kỳ đề nghị nào để muốn con bỏ món đồ vật đó đi đều bị trẻ từ chối.

Vì sao đứa trẻ nào cũng thích ôm 1 chú gấu bông cũ mèm? 4

Vì sao trẻ không vứt bỏ gấu bông cũ?

Con gấu bông cũ mà con hay ôm không chỉ đơn thuần là món đồ chơi bình thường, mà còn là vật để gợi nhớ về cha mẹ hay những người thân khác. Sự tương tác với gấu bông như chơi đùa, ôm ấp sẽ mang đến cho trẻ sự ấm áp, an toàn như khi có người thân bên cạnh.

Có một cuộc khảo sát hơn 5.000 người với câu hỏi rằng “Nếu nhà bạn bị cháy, bạn sẽ mang theo những gì đầu tiên?”. Và câu trả lời họ nhận về được đều khiến rất nhiều người phải ngạc nhiên, ngoài những món tài sản quý báu nhất như: giấy tờ tùy thân, chìa khóa xe, máy tính xách tay, điện thoại… Và bên cạnh đó, còn có những món đồ chơi mang giá trị tinh thần như: thú nhồi bông, những bức ảnh kỉ niệm, hay những món quà tặng của gia đình…

Sau khi nhận về những câu trả lời, nhiều người tự hỏi rằng “Tại sao lại phải mang theo con gấu bông cũ, hình ảnh hay quà tặng làm gì khi trong lúc nguy cấp như thế?”.

Để lí giải cho điều này, các nhà giáo sư tâm lý học cho biết “Mặc dù khi lớn lên, chúng ta không cần phải mang theo con gấu bông cũ hàng ngày hoặc những tấm ảnh đã nhòe nhoẹt kè kè bên người, tuy nhiên điều này không có nghĩa là sự gắn bó với chúng mất đi. Những món đồ này chứa đầy kỷ niệm đẹp và tồn tại quá lâu trong cuộc sống chúng ta, giống như là một người thân vậy”.

Cũng chính vì thế, bất kỳ đứa trẻ nào cũng đều thích đặt tên cho đồ chơi, gấu bông cũ của mình và xem nó như một người bạn cũng có những cảm xúc, suy nghĩ, cần được lo lắng, quan tâm và chăm sóc. Đây được gọi là hành động nhân hóa.

Tuy nhiên cha mẹ nên nhớ, không phải bất kỳ món đồ chơi nào cũng được trẻ nhân hóa và giữ khư khư như một báu vật. Con chỉ thích nhân hóa món đồ mà con có cảm xúc mãnh liệt nhất thôi. Việc này giúp cho trẻ cảm thấy mình cần có trách nhiệm với những món đồ vật này nên việc buộc trẻ phải rời xa hoặc bỏ chúng đi sẽ vô cùng khó khăn.

Khi một đứa trẻ lớn lên, con sẽ không cần phải ôm con gấu bông cũ của mình để trấn an bản thân khi buồn bã, nhưng chú gấu này đã chứa đầy những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của con. Đây cũng chính là lý do mà khi những món đồ chơi đó đã hư hỏng, rách nát và nhàu nhoẹt, nhưng trẻ vẫn cương quyết cất giữ bên mình. Cho nên, thay vì la mắng, ép buộc hoặc lén lút vứt bỏ món đồ chơi mà con yêu thích đó, cha mẹ nên tôn trọng con cũng như tôn trọng những cảm xúc đáng yêu này của trẻ.

Bảo vệ bé bằng cách vệ sinh các loại đồ chơi  

Qua những thông tin trên, chắc hẳn cha mẹ cũng đã hiểu phần nào “nỗi niềm” của trẻ khi con cương quyết muốn giữ những món đồ chơi bên người. Vậy nên, điều cha mẹ cần làm là giúp trẻ vệ sinh thường xuyên những món con yêu thích, cất giữ đồ chơi cho chúng luôn được mới mẻ, sạch sẽ và an toàn với sức khỏe của con.

Cách vệ sinh gấu bông cũ

Cha mẹ nên giặt gấu bông cũ bằng xà phòng, nước giặt xả và nên phơi chúng dưới nắng to để diệt vi khuẩn tốt hơn. Cụ thể hơn, đầu tiên bạn hòa xà phòng hoặc bột giặt vào một cái xô/chậu nước to để chúng được hòa tan vào nhau. Sau đó bạn cho gấu bông vào chậu nước, nếu gấu bông có khóa kéo, bạn thể rút bông trong ruột gấu ra và ngâm khoảng 10 – 15 phút. Cuối cùng bạn nên xả lại với nước sạch bằng tay hoặc cho vào máy giặt. Vẩy mạnh và vắt cho ráo nước, phơi cho khô hoàn toàn dưới nắng.

Đồ chơi bằng nhựa

Đây cũng là một trong những loại đồ chơi phổ biến của các bé, những món đồ chơi này rất dễ bị bẩn nhưng làm sạch chúng rất dễ dàng. Bạn có thể vệ sinh chúng bằng dung dịch vệ bình sữa, hoặc dùng bàn chải nhúng vào dung dịch này để cọ sạch, sau đó rửa kỹ lại với nước sạch, phơi chúng ráo nước trên rổ hoặc túi lưới là được.

Vệ sinh đồ chơi bằng gỗ

Vì sao đứa trẻ nào cũng thích ôm 1 chú gấu bông cũ mèm? 5

Những món đồ chơi gỗ thường bị nấm mốc, đặc biệt là khi trời vào mùa mưa, khí hậu ẩm ướt nên dễ bị đọng nước. Cách làm sạch đồ chơi gỗ thông thường cũng giống như làm sạch đồ chơi nhựa. Nhưng khi rửa sạch xong chỉ cần lấy một mảnh vải thấm hút nước tốt để lau sạch các bề mặt của đồ chơi. Cuối cùng bạn chỉ cần mang ra chỗ thoáng gió để phơi cho ráo, lưu ý không nên phơi dưới nắng to.

Làm sạch đồ chơi có pin, đồ chơi điện tử

Những món đồ chơi có pin, mạch điện thường cần mất rất nhiều công sức và sự cẩn thận nhất khi vệ sinh. Nên trước khi vệ sinh chúng, bạn cần phải chắc chắn rằng đã tháo bỏ toàn bộ pin hay nguồn điện ra. Sau đó dùng một miếng vải sạch thấm cồn 75 – 90 độ và lau, chùi tất cả các bề mặt đồ chơi, sau đó mang đi phơi chỗ thoáng cho khô hẳn rồi lắp ráp các bộ phận như cũ.

Gấu bông cũ không chỉ là một món đồ chơi, nó còn chứa đựng những ký ức và ước mơ của trẻ. Vì thế, hãy giúp con có một người bạn sạch sẽ, an toàn để tuổi thơ đầy ắp những điều đáng nhớ, bố mẹ nhé! 

Bài viết liên quan