Chúng ta đều biết rằng nước trái cây rất tốt cho sức khỏe, giúp bổ sung các loại vitamin và tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, liệu trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mấy tuổi thì mới có thể uống nước trái cây?
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể uống nước trái cây không?
Câu trả lời ngắn gọn là không. Bạn không nên cho trẻ dưới 12 tháng tuổi uống nước trái cây. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ hoặc sữa công thức cho đến khi được một tuổi. Đặc biệt, trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ nên bú sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Sau sáu tháng, bạn có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm và bắt đầu với các món ăn mềm, lỏng khác. Tuy nhiên vẫn nên cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức để giúp cung cấp cho trẻ lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển trong những năm tháng đầu đời.
Sữa mẹ (hoặc sữa công thức) có chứa chất béo, protein, vitamin và chất dinh dưỡng giúp trẻ tăng trưởng và phát triển. Nước trái cây thực sự không cung cấp quá nhiều chất dinh dưỡng cần thiết đối với trẻ trong giai đoạn này.
Tiến sĩ Woods củng cố các khuyến nghị của AAP. Ông nói: “Thông thường, khẩu phần thay đổi tùy theo độ tuổi. Ví dụ: 4 ounce nước trái cây mỗi ngày (không phải mỗi cốc) sẽ phù hợp cho trẻ mới biết đi từ 12 tháng đến 3 tuổi”. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của ông, một số gia đình cho biết họ không cho trẻ uống nước trái cây cho đến khi trẻ lớn hơn.
Lượng nước trái cây mà trẻ uống sẽ tăng dần lên khi trẻ lớn hơn. Trẻ từ 1 đến 3 tuổi có thể uống khoảng 110ml nước trái cây mỗi ngày. Trẻ 4 đến 6 tuổi có thể uống khoảng 120 – 170ml nước trái cây trong khi trẻ từ 7 tuổi trở lên có thể uống nhiều hơn nhưng không quá 236ml mỗi ngày.
Tại sao bạn nên tránh cho bé uống nước trái cây?
Mặc dù bạn muốn cho trẻ được ăn và uống đa dạng các loại thực phẩm nhưng nên cân nhắc trước khi cho trẻ uống nước trái cây, bởi:
Hạn chế về dinh dưỡng
Mặc dù có vẻ như không có hại gì khi cho bé uống nước trái cây nguyên chất 100%, nhưng điều cần thiết là phải biết rằng hầu hết những thứ tốt (như chất xơ và chất dinh dưỡng có lợi) đều không có trong đó. Nước ép trái cây có nhiều calo và đường, có thể dẫn đến béo phì.
Mặc dù nước trái cây không trực tiếp quyết định sức khỏe tương lai của bé nhưng nó có thể ảnh hưởng đến những gì bé thèm ăn sau này. Việc cho trẻ dùng những loại đồ uống có nhiều đường sớm có thể khiến trẻ hình thành sở thích ăn nhiều đồ ăn và đồ uống có đường hơn trong tương lai. Việc uống nước trái cây có đường cũng có thể làm trẻ không còn cảm nhận được hương vị ngọt tự nhiên của trái cây.
Những mối quan tâm về sức khoẻ khác
Ngoài việc uống nước trái cây không thể giúp trẻ bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết thì các chuyên gia cho biết, uống quá nhiều nước ép trái cây có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị sâu răng và tiêu chảy. Lượng đường trong nước ép trái cây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng.
Nhiều loại nước trái cây (đặc biệt là táo, lê, đào và anh đào) cũng chứa nhiều sorbitol – một dạng đường không tiêu hóa được. Và khi bạn ăn quá nhiều, những loại đường này sẽ hút nhiều nước hơn vào lòng ruột và điều này dẫn đến phân lỏng hơn.
Các lựa chọn thay thế cho nước trái cây
Trái cây tốt cho sức khỏe nhưng nước ép trái cây không thể thay thế trái cây tươi. Trái cây nguyên quả chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn, tất cả các chất xơ quan trọng và thường ít đường hơn nước ép trái cây.
Do đó, thay vì cho trẻ uống nước trái cây, bố mẹ có thể cho trẻ ăn trái cây tươi. Với trẻ còn nhỏ, ưu tiên các loại trái cây mềm. Bạn cũng có thể nghiền hoặc xay nhuyễn trái cây để trẻ dễ ăn hơn, có thể hấp thụ hết các dưỡng chất từ trái cây mà không cần thêm đường hay lo lắng các chất dinh dưỡng bị mất đi trong quá trình này.
Có trường hợp nào nên cho bé uống nước trái cây không?
Mặc dù không có khuyến nghị chính thức từ AAP nhưng nước ép trái cây đôi khi có thể giúp giảm táo bón. Tuy nhiên, cũng không nên cho trẻ uống quá nhiều và việc lưu ý về độ tuổi có thể cho trẻ uống nước trái cây cũng là một điều mà bạn không nên bỏ qua trước khi cho bé uống nước trái cây.
Một số lưu ý khi cho bé uống nước trái cây
Ngoài việc quan tâm đến độ tuổi thì khi cho bé uống nước trái cây, bạn cũng nên nhớ:
- Chọn các loại trái cây ít đường, trái cây tốt cho sức khỏe.
- Không thêm đường vào nước ép trái cây để tránh trẻ hấp thu quá nhiều chất làm ngọt nhân tạo.
- Nếu trẻ chưa quen với mùi vị của nước trái cây, thay vì thêm đường, bạn có thể pha loãng nước để trẻ dễ uống hơn.
- Không cho trẻ uống nước trái cây trong khi ăn vì điều này sẽ dễ khiến trẻ hình thành thói quen vừa ăn vừa uống cũng như làm cho trẻ mau no hơn mặc dù chưa ăn đủ.
- Đa dạng các loại nước ép để giúp trẻ làm quen với nhiều loại trái cây hơn và hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Trong quá trình chăm sóc con trẻ, bất kể trẻ ăn hay uống gì đều là nỗi lo của các bậc phụ huynh. Vì vậy, hy vọng thông qua bài viết, bạn có thể biết được khi nào trên cho trẻ uống nước trái cây cũng như những lưu ý để đảm bảo sức khỏe cho bé yêu của mình.