Mẹ&Con – Sụt sịt, sổ mũi khiến con khó chịu và cũng làm mẹ lo lắng biết bao. “Bỏ túi” ngay cách hút mũi cho trẻ từ Mẹ&Con để bé yêu nhanh khỏe, mẹ nhé!

Từ đầu tháng 10 đến nay, số bệnh nhi gia tăng ở hầu hết các bệnh viện, phòng khám tư nhân… Thời tiết chuyển mùa, nắng mưa thất thường là một trong những yếu tố khiến các bé dễ bị các bệnh về đường hô hấp. Thậm chí có một số trường hợp, bé sổ mũi và ho dai dẳng mãi chẳng dứt dẫn đến viêm phổi. Nếu bé yêu nhà mẹ đang gặp phải tình trạng sổ mũi, ho có đờm… mẹ có thể học cách hút mũi cho trẻ tại nhà để giúp trẻ dễ chịu hơn nhé.

Hút mũi cho trẻ khi nào?

cách hút mũi cho trẻ
                   Thời tiết thay đổi khiến trẻ dễ bị sổ mũi, khò khè. (Ảnh minh họa)

Mẹ biết đấy, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ chưa thể tự biết cách xì mũi hay khạc đờm ra ngoài. Do vậy, hút mũi là điều thực sự cần thiết giúp thông thoáng đường thở cho trẻ. Đa số những trẻ nhỏ dưới 2 tuổi khi xuất hiện dấu hiệu sổ mũi, ho có đờm nhiều sẽ được bác sĩ chỉ định hút đờm. Nếu trẻ lớn hơn, mẹ có thể chỉ dẫn cho con cách xì mũi và khạc đờm ra ngoài.

Cách hút mũi cho trẻ sơ sinh

Nếu ở bệnh viện, trẻ sẽ được nhân viên y tế sử dụng máy hút đờm chuyên dụng để hút lấy đờm và chất nhầy mũi. Trường hợp được bác sĩ chỉ định chăm sóc tại nhà, mẹ có thể sử dụng ống bơm hoặc dụng cụ hình chữ U để hút đờm cho trẻ.

Hút mũi bằng ống bơm

  • Bước 1: Đặt bé nằm và giữ đầu nghiêng về một bên, nhỏ khoảng 1 – 2 giọt dung dịch nước muối sinh lý vào trong mũi để làm loãng chất nhầy. Cố gắng giữ dung dịch đó trong mũi bé khoảng 10 giây.
  • Bước 2: Đợi khoảng 2 – 3 phút để chất nhầy được hòa loãng, sau đó giữ đầu bé thấp hơn chân để dung dịch có thể đi sâu vào mũi. Khi đó bé sẽ đỡ ngạt mũi và bắt đầu thở dễ dàng hơn.
  • Bước 3: Ống bơm cần được đẩy hết không khí ra ngoài trước khi đặt vào mũi bé. Khi đặt, chú ý đầu ống bơm và mũi phải bịt kín sau đó nhẹ nhàng hút chất nhầy ra. Thực hiện cách hút mũi cho trẻ các bước tương tự với bên mũi còn lại.

Lưu ý: Tuyệt đối không đưa ống bơm vào quá sâu bên trong khoang mũi để tránh gây tổn thương niêm mạc mũi.

Hút mũi bằng dụng cụ hình chữ U

Hút mũi bằng dụng cụ hình chữ U
Hút mũi cho trẻ sơ sinh đúng cách để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi. (Ảnh minh họa)
  • Bước 1: Để bé nằm, cần thêm một người hỗ trợ giữ chặt hai tay và đầu của trẻ. Để đầu vòi lớn của dụng cụ vào trước mũi của trẻ, đầu thon sẽ được nối với ống để đựng chất nhầy.
  • Bước 2: Đặt đầu thon vào miệng của mình và hút để tạo lực đẩy chất nhầy trong mũi bé ra ngoài. Lực hút càng mạnh thì sẽ càng lấy được lượng chất nhầy nhiều và sâu. Thực hiện tương tự với mũi bên cạnh.

Lưu ý quan trọng khi hút mũi cho trẻ

  • Trong quá trình rửa mũi cho bé, mẹ cần đảm bảo nhẹ nhàng và đúng trình tự. Song song với đó, mẹ cần lưu ý một vài điều dưới đây:
  • Dụng cụ hút lấy đờm phải được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi hút mũi.
  • Không nên hút đờm quá 3 lần/ngày để tránh gây tổn thương niêm mạc mũi và chức năng của mũi.
  • Ba mẹ tuyệt đối không được trực tiếp hút mũi cho con bằng miệng.
  • Nếu thực hiện hút đờm mũi cho con trong vòng 3 ngày mà vẫn không thấy đỡ, ba mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được kiểm tra kịp thời. Bởi lẽ, trẻ có thể đã mắc các bệnh lý về đường hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi…

Cách hút mũi cho trẻ vô cùng đơn giản, không có gì quá phức tạp. Đừng quên ghé Mẹ&Con mỗi ngày để nhận được nhiều kiến thức chia sẻ về cách chăm và nuôi dạy con, mẹ nhé. Chúc mẹ nuôi con khỏe – dạy con ngoan!

Bài viết liên quan