Mẹ và Con - Thời gian gần đây, tình trạng nhiều trẻ nôn ói, tiêu chảy, sốt cao diễn ra cùng lúc khiến phụ huynh lo lắng. Liệu tình trạng này có liên quan gì đến viêm gan bí ẩn thời gian gần đây?

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội, nhiều phụ huynh chia sẻ tình trạng trẻ tiêu chảy đi kèm với hiện tượng nôn ói, sốt cao. Liệu đây có phải một hiện tượng dịch đang bùng phát và tình trạng này có liên quan gì đến viêm gan bí ẩn ở trẻ em đang xuất hiện thời gian gần đây hay không?

Nguyên nhân trẻ tiêu chảy, nôn ói, sốt cao do đâu?

Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do virus hoặc vi khuẩn

Theo các chuyên gia, việc nhiều trẻ tiêu chảy và có những triệu chứng đi kèm như nôn ói, sốt cao không phải do viêm gan bí ẩn. Nguyên nhân chính được chẩn đoán là do trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Tình trạng nhiễm khuẩn này thường xuất hiện trong thời điểm giao mùa, đặc biệt là vào mùa hè, có thể do vi khuẩn hoặc virus gây nên. Khi mắc bệnh, các triệu chứng thường thấy là trẻ tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần, nôn ói, sốt, ăn uống kém, rối loạn điện giải, hạ đường huyết,…

Thông thường, tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa dẫn đến sốt, nôn và tiêu chảy là do virus Rota. Nếu trẻ đã được uống vaccine phòng ngừa virus Rota thì tình trạng sốt nôn có thể do một số chủng virus khác như virus Adeno, virus Calici, virus Noro,…

Nguyên nhân trẻ tiêu chảy
Nguyên nhân trẻ tiêu chảy

Trẻ nhiễm Covid-19

Bên cạnh đó, cả virus SARS-CoV-2 dẫn đến Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến trẻ tiêu chảy, nôn ói, sốt. Theo đó, trên thế giới có đến khoảng 40% trẻ nhiễm Covid-19 cũng có các biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt cao,… Vì dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn nên không thể loại trừ nguyên nhân này.

Ngộ độc thực phẩm

Ngoài ra, việc trẻ tiêu chảy hoặc có biểu hiện nôn ói, sốt cao không dứt cũng có thể là biểu hiện của ngộ độc thực phẩm. Thời tiết nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho ruồi, muỗi, gián, kiến,… phát triển, dẫn đến tình trạng các mầm bệnh dễ lây lan hơn và thực phẩm cũng dễ ôi thiu hơn.

Với thời tiết này, trẻ cũng hay dùng các loại nước đá, nước giải khát. Nếu nguồn nước không đảm bảo thì trẻ cũng có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.

trẻ tiêu chảy nôn ói

Trẻ mệt mỏi

Song song với các nguyên nhân kể trên, việc trẻ tiêu chảy, sốt hoặc có biểu hiện nôn ói có thể đơn giản là tình trạng trẻ mệt mỏi do thời tiết thay đổi, trẻ vừa đi chơi xa về.

Đặc biệt nhiều trẻ vừa cùng gia đình về quê, đi du lịch dịp lễ 30/4 – 1/5 nên ăn nhiều món ăn mới, nguy cơ ngộ độc cao hơn và thể trạng cũng dễ suy nhược, tạo điều kiện virus và vi khuẩn tấn công cao hơn.

Các nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng trẻ tiêu chảy, ói, sốt có thể kể đến như chứng kích thích ruột, bệnh Crohn, bệnh Celiac, sử dụng kháng sinh kéo dài,…

Trẻ tiêu chảy, nôn ói, sốt cao có nguy hiểm hay không?

Việc nhiều trẻ đồng loạt cùng xuất hiện các triệu chứng giống nhau đang khiến phụ huynh vô cùng lo lắng. Nhìn chung, các trường hợp này không phải là dịch bệnh lây lan.

Tuy nhiên, không được chủ quan bởi việc trẻ tiêu chảy, nôn ói nhiều lần có thể khiến trẻ mất nước, mất điện giải, nếu không bổ sung kịp thời sẽ dẫn đến hôn mê rồi tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu chảy là nguyên nhân tử vong ở trẻ em vô cùng phổ biến tại các nước đang phát triển như Việt Nam.

trẻ tiêu chảy có nguy hiểm không

Trẻ tiêu chảy và sốt, nôn ói có cần nhập viện?

Khi trẻ xuất hiện những triệu chứng này, có cần đưa con đến bệnh viện hay không là một trong những trăn trở hàng đầu của phụ huynh hiện nay.

Theo đó, để đưa ra quyết định có nên cho trẻ đến bệnh viện hay các cơ sở y tế hay không còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, triệu chứng xuất hiện như thế nào (trẻ tiêu chảy ngay khi ăn xong 30 – 60 phút, trẻ tiêu chảy sau khi đi du lịch về, sau khi ăn bữa ăn tập thể,…), xung quanh trẻ có ai gặp tình trạng tương tự hay không (gia đình có bị hay không, bạn bè cùng lớp,…).

Nếu nhiều người cùng xuất hiện triệu chứng giống nhau và các triệu chứng này xảy ra sau bữa ăn thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao, cần đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời điều trị.

Ngoài ra, cần đánh giá trạng thái sức khỏe ngay lúc đó của trẻ. Nếu trẻ tiêu chảy, nôn, sốt nhưng vẫn tỉnh táo, có thể ăn uống bình thường thì phụ huynh có thể theo dõi sức khỏe thêm tại nhà. Nếu trẻ đi ngoài nhiều, liên tục, không uống được, nôn hết mọi thứ, người lờ đờ mất tỉnh táo, hôn mê, ngủ li bì,… thì cần lập tức đến bệnh viện để tìm nguyên nhân và điều trị.

Phòng ngừa và điều trị trẻ tiêu chảy, nôn ói, sốt cao

Cách chăm sóc trẻ nôn ói, tiêu chảy, sốt

Khi tình trạng bệnh của trẻ không diễn biến quá nặng, vẫn có thể theo dõi tại nhà thì việc chăm sóc đúng cách là vô cùng quan trọng. Một số lưu ý khi chăm trẻ tiêu chảy, nôn ói, sốt cao phụ huynh cần ghi nhớ bao gồm:

  • Cho trẻ uống nhiều nước, tránh để trẻ bị mất nước. Có thể dùng dung dịch orezol để bù nước cho trẻ. Ngoài ra, có thể cho trẻ dùng thêm nước canh, súp, nước trái cây,… để bổ sung nước mất đi khi tiêu chảy,…
  • Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt. Thông thường, trẻ sẽ được sử dụng Paracetamol với liều dùng 10-15mg/kg/lần, có thể dùng dạng uống hoặc dạng siro khi trẻ có thể uống được hoặc viên đặt hậu môn (nếu trẻ nôn nhiều, sốt cao co giật, không uống được). Trẻ không được uống quá 60mg/kg/ngày. Với trẻ sơ sinh, thời gian giữa 2 lần dùng thuốc nên cách nhau 6-8 giờ còn với trẻ lớn hơn là 4-6 giờ.

điều trị trẻ tiêu chảy

  • Có thể cho trẻ uống bù nước, chườm mát nếu trẻ sốt dưới 38.5 độ.
  • Không dùng sữa thay cho các bữa ăn khi trẻ tiêu chảy, nôn ói, sốt vì sữa có thể làm vấn đề tiêu chảy của trẻ trở nặng hơn.
  • Đặc biệt, cần lưu ý cho trẻ ăn đủ bữa, không cắt giảm bữa ăn. Nếu trẻ không ăn được nhiều thì có thể chia nhỏ các bữa ăn ra và cho trẻ ăn nhiều lần.
  • Cho trẻ dùng các thực phẩm loãng, dễ tiêu, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, khó tiêu. Không cho trẻ uống nước ngọt, nước có gas, cà phê,…
  • Nếu trẻ tiêu chảy liên tục, sốt cao không hạ dù có dùng thuốc hạ sốt, có biểu hiện hôn mê, không tỉnh táo thì lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.

Cách phòng ngừa bệnh cho trẻ

Với trẻ chưa gặp tình trạng này, bố mẹ cũng nên chú ý kỹ đến vấn đề ăn uống của trẻ. Nên cho con ăn chín uống sôi, không dùng thực phẩm lạ, không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, hạn chế cho trẻ dùng thức ăn để qua đêm, thức ăn ôi thiu, có sự thay đổi về màu, mùi vị. Không cho trẻ dùng đồ ăn để bên ngoài trời nắng nóng.

Với trẻ nhỏ, cần cho trẻ uống vaccine phòng ngừa virus Rota để loại trừ một nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, vẫn thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ, tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm,…

Trẻ tiêu chảy, có biểu hiện nôn ói, sốt cao có thể gây ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Vì thế, dù đây không phải dịch bệnh nhưng cũng không nên chủ quan bố mẹ nhé!

Bài viết liên quan