Trong lúc ngủ, trẻ có thể ra rất nhiều mồ hôi và khiến trẻ ngủ không ngon giấc, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vì thế, tình trạng trẻ ra nhiều mồ hôi khi ngủ sẽ khiến mẹ vô cùng lo lắng và không biết có nguy hiểm hay không, có cách nào để cải thiện hay không.
Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu về nguyên nhân trẻ ra nhiều mồ hôi khi ngủ cũng như cách khắc phục mẹ nhé!
Nguyên nhân trẻ ra nhiều mồ hôi khi ngủ
Thông thường, trẻ em dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ sơ sinh thường rất dễ bị đổ mồ hôi trong khi ngủ, đặc biệt là ở các vị trí lưng, cổ, đầu,… Dân gian gọi đây là tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ em. Nếu trẻ ra nhiều mồ hôi khi ngủ ngay cả khi đã trên 5 tuổi thì rất có thể trẻ đã gặp tình trạng tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis).
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tinh trạng trẻ ra nhiều mồ hôi khi ngủ, có thể kể đến như:
- Môi trường phòng ngủ: Phòng ngủ không thông thoáng, nóng bực, có nhiệt độ quá cao sẽ khiến trẻ đổ nhiều mồ hôi khi ngủ.
- Trẻ mặc quá nhiều quần áo: Khi ngủ, nếu mẹ cho trẻ mặc quá nhiều lớp quần áo, quần áo quá dày và không thấm hút mồ hôi, đắp quá nhiều chăn,… cũng sẽ khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt, khó chịu và đổ mồ hôi.
- Do khí hậu: Trẻ ra nhiều mồ hôi cũng có thể là do mùa hè, thời tiết nóng nực, nhiệt độ môi trường quá cao,…
- Do thân nhiệt của trẻ: Vào những năm đầu đời, thân nhiệt của trẻ thường cao hơn nên sẽ tiết ra nhiều mồ hôi hơn để giúp trẻ điều hòa thân nhiệt.
- Do hệ thần kinh: 1000 ngày đầu đời là thời điểm hệ thần kinh của trẻ phát triển và hoàn thiện. Do đó, trong thời điểm này, hệ thần kinh chưa ổn định khiến cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi hơn, đặc biệt là trong khi ngủ.
- Trẻ suy dinh dưỡng: Trẻ suy dinh dưỡng, không được bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết như kẽm, canxi, vitamin D,… có thể khiến trẻ ra nhiều mồ hôi hơn.
- Béo phì: Không chỉ suy dinh dưỡng mà thừa cân béo phì cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chửng ra nhiều mồ hôi ở trẻ.
- Rối loạn hệ thần kinh thực vật: Một số trẻ em dễ bị ra mồ hôi khi ngủ do mắc chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật, hệ giao cảm.
- Do tác dụng phụ của thuốc: Khi mắc các bệnh lý khác, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho trẻ để điều trị bệnh và tác dụng phụ của thuốc có thể khiến trẻ ra nhiều mồ hôi hơn trong khi ngủ.
- Ốm sốt: Khi bị cảm, ốm sốt thông thường, trẻ cũng dễ ra mồ hôi hơn.
- Trẻ vận động quá mức: Việc chơi đùa, chạy nhảy và vận động quá mức trước khi ngủ cũng dễ khiến trẻ ra nhiều mồ hôi hơn vào buổi tối
- Tâm lý không ổn định: Căng thẳng, lo lắng về một vấn đề nào đó quá mức cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ ra nhiều mồ hôi, đặc biệt là trong khi ngủ.
- Trẻ mắc các bệnh lý nguy hiểm: Bên cạnh những vấn đề thông thường như môi trường, thời tiết hay tâm lý thì việc đổ quá nhiều mồ hôi ở trẻ cũng là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang mắc các bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, bệnh cường giáp, nhiễm trùng, tăng huyết áp, suy tim sung huyết,…
Trẻ ra nhiều mồ hôi khi ngủ có nguy hiểm hay không?
Trong quá trình chăm sóc trẻ, mẹ sẽ cảm thấy lo lắng khi trẻ thường xuyên đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt là khi ngủ. Liệu tình trạng này có nguy hiểm đối với trẻ hay không? Nhìn chung, việc ra mồ hôi không phải một vấn đề quá nghiêm trọng với trẻ.
Tuy nhiên, nếu không khắc phục mà để việc đổ mồ hôi kéo dài có thể khiến trẻ cảm thấy ớn lạnh, mệt mỏi, ngủ không ngon giấc. Mất ngủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, khiến trẻ dễ rơi vào tình trạng suy nhược cơ thể, chậm phát triển, còi cọc ốm yếu. Do đó, mẹ cần tìm cách để khắc phục tình trạng trẻ ra nhiều mồ hôi khi ngủ để đảm bảo con có thể ngon giấc.
Hơn nữa, việc đổ nhiều mồ hôi nếu xuất phát từ các nguyên nhân bệnh lý thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Vì thế, nếu đã áp dụng mọi cách để khắc phục tình trạng trẻ ra nhiều mồ hôi nhưng vẫn không thể cải thiện, mẹ nên chủ động đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị nếu có các vấn đề bất thường xảy ra.
Cách khắc phục khi trẻ đổ nhiều mồ hôi
Một số cách giúp mẹ cải thiện tình trạng trẻ ra nhiều mồ hôi khi ngủ mà mẹ có thể áp dụng bao gồm:
- Giữ cho phòng ngủ luôn thông thoáng, mát mẻ
- Không cho trẻ mặc quần áo quá chật hoặc quá dày. Nên chọn vải có khả năng thấm hút mồ hôi cao
- Hạn chế cho trẻ vận động quá mức trước khi ngủ
- Tắm hằng ngày, đảm bảo loại bỏ vi khuẩn trên da
- Thường xuyên trò chuyện, tâm sự với trẻ để có thể kịp thời phát hiện các bất ổn về mặt tâm lý
- Bổ sung vitamin D cho trẻ bằng cách cho bé tắm nắng buổi sáng
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng ở trẻ, cho trẻ ăn nhiều rau củ có tính mát như cải ngọt, bí đao, rau má, cam,… Ngoài ra, nên hạn chế các loại thực phẩm có cay nóng, nhiều dầu mỡ,…
Hầu hết các trường hợp trẻ ra nhiều mồ hôi đều không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nên chủ động tìm cách khắc phục để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ của con mẹ nhé!