Mẹ và Con - Bộ Y tế lên kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý 1 và quý 2 năm nay khi vắc xin về đến Việt Nam.

Bộ Y tế đang hoàn tất các công việc để triển khai kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi như: nguồn cung vắc xin, hoàn thành thủ tục cấp phép tại Việt Nam, tập huấn lại về an toàn tiêm chủng…

Trẻ béo phì và có bệnh nền sẽ được tiêm tại bệnh viện

Về kế hoạch trên, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho hay từ kinh nghiệm triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 trong năm 2021, đặc biệt là triển khai tiêm cho nhóm trẻ từ 12 – 17 tuổi trong thời gian qua, tới đây Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức triển khai với mục tiêu vừa đạt độ bao phủ vắc xin Covid-19, vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng cho lứa tuổi này.

Trẻ không đến trường vẫn được tiếp cận vắc xin Covid-19 - ảnh 1
Vắc xin tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại VN là Pfizer. ĐẬU TIẾN ĐẠT

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, trước khi triển khai, các cán bộ y tế tham gia công tác tiêm chủng một lần nữa được tập huấn về sử dụng vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, thực hành tiêm chủng cũng như hướng dẫn xử trí các phản ứng bất thường có thể xảy ra sau tiêm chủng. Đồng thời, các cán bộ y tế sẽ được tập huấn những nội dung tư vấn cho phụ huynh, thầy cô giáo, học sinh… về việc theo dõi sức khỏe đúng cách sau tiêm, nhằm phát hiện sớm nhất những biểu hiện bất thường cần được xử trí kịp thời để tránh xảy ra những rủi ro đáng tiếc.

PGS-TS Hồng thông tin thêm: “Việc tổ chức tiêm chủng sẽ được thực hiện tại trường học cho các cháu tới trường; các cháu không đi học sẽ được tiêm vắc xin tại các trạm y tế xã, phường”.

“Đặc biệt, các cháu có bệnh lý mạn tính, bệnh nền, thể trạng béo phì… sẽ được tiêm chủng tại bệnh viện nhằm đảm bảo an toàn. Cũng từ kinh nghiệm của tiêm chủng vắc xin Covid-19 trong năm 2021, tại tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc đều sẵn sàng xử trí cấp cứu những tai biến nặng như sốc phản vệ. Điều này sẽ tiếp tục được duy trì liên tục trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch”, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư lưu ý.

Ứng phó với biến chủng lây nhiễm nhanh

Theo Cục Y tế dự phòng, đến nay có 44 nước đã tiêm và có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Về việc cần thiết tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm trẻ này, GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay: “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu trẻ nhiễm Covid-19 thì ít triệu chứng và triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên, mắc Covid-19 dù ở lứa tuổi nào thì cũng có các biểu hiện từ không triệu chứng, có triệu chứng nhẹ, đến các ca nặng phải nhập viện và tử vong”.

“Băn khoăn của cha mẹ là hoàn toàn hợp lý, vì Covid-19 là bệnh mới chúng ta chưa hiểu hết, vắc xin Covid-19 cũng là vắc xin mới chưa thể đánh giá đầy đủ và vẫn cần thêm thời gian. Tuy nhiên, về nguyên tắc chung, cơ chế của các vắc xin là không tác động gây biến đổi gien hoặc hệ sinh sản của cơ thể”

Chuyên gia về tiêm chủng

Ngoài ra, ông Lân cũng lưu ý, đối với trẻ em, qua theo dõi, khi mắc Covid-19, một số em có các triệu chứng kéo dài, sau Covid-19 có thể gặp di chứng cấp tính của bệnh này, có trường hợp viêm đa hệ nghiêm trọng, giảm khả năng tập trung trong học tập… Dù các ca nặng hiếm khi xảy ra ở trẻ em hơn so với người lớn nhưng nó vẫn là mối đe dọa với sức khỏe của trẻ.

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng đánh giá, tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi không chỉ bảo vệ sức khỏe cho trẻ mà còn giảm sự lây nhiễm, đặc biệt với sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Biến chủng này lây nhiễm nhanh hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin. Như vậy, việc tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm trẻ này có ý nghĩa rất quan trọng: làm giảm nguy cơ bệnh nặng, giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt người có nguy cơ cao, những người chống chỉ định tiêm chủng, và người chưa đến tuổi tiêm chủng.

GS Phan Trọng Lân cho rằng: “Khi mọi người đều được tiêm chủng thì chúng ta sẽ tự tin hơn trong các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và tham gia các hoạt động công cộng”.

Trước lo lắng của các cha mẹ về việc vắc xin còn quá mới, chưa đánh giá hết được các tác dụng không mong muốn về lâu dài, một chuyên gia về vắc xin và tiêm chủng chia sẻ: “Băn khoăn đó của cha mẹ là hoàn toàn hợp lý, vì Covid-19 là bệnh mới chúng ta chưa hiểu hết, vắc xin Covid-19 cũng là vắc xin mới chưa thể đánh giá đầy đủ và vẫn cần thêm thời gian. Tuy nhiên, như những gì chúng ta đã biết, về nguyên tắc chung, cơ chế của các vắc xin là không tác động gây biến đổi gien hoặc hệ sinh sản của cơ thể”.

Theo Bộ Y tế, vắc xin tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Việt Nam là Pfizer (Mỹ). Vắc xin này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.

Theo Thanh Niên

Bài viết liên quan