Mẹ&Con – Đây là một số nguyên nhân cho biết vì sao trẻ em cũng có thể bị stress

1. Thiếu thời gian

Hiện nay, không ít trẻ còn ở độ tuổi cấp 1 đã phải… “chạy sô” học thêm và học những môn năng khiếu. Thay vì được phân bổ thời gian học hành, vui chơi cân đối, trẻ luôn cảm giác mình không đủ thời gian và luôn phải hối hả để đối phó kịp với bài vở trên lớp. Điều này khiến trẻ luôn trong trạng thái hốt hoảng, hệt như người lớn phải làm việc trong tình trạng thường xuyên đối mặt với deadline (hạn chót).

Trẻ em bị stress mà đôi khi mẹ không để ý 3

2. Cha mẹ kì vọng quá nhiều

Cuộc sống phát triển, gia đình có ít con hơn nên mức độ “đầu tư” và kì vọng vào trẻ cũng nhiều hơn. Điều này vô tình làm cho trẻ không được là chính mình mà luôn phải nỗ lực để có thể thực hiện những đòi hỏi, mong muốn của cha mẹ. Khi làm không được (hoặc làm chưa tốt), trẻ đâm ra thất vọng về bản thân mình, chán nản và stress!

3. Trẻ không còn được tưởng tượng…

Bạn tự hỏi: Tưởng tượng thì có liên quan gì đến chuyện stress? Kỳ thực là có đấy! Ở độ tuổi của trẻ, chính trí tưởng tượng là giải pháp hoàn hảo để khiến trẻ luôn cảm thấy hạnh phúc. Khi tưởng tượng về thế giới cổ tích, về phép màu… trẻ sẽ thỏa mãn được những ước mơ, giải tỏa được những “bức xúc” trong cuộc sống đời thường gặp phải.

Chính vì thế mà các nhà tâm lý học luôn khuyến khích cho trẻ chơi những trò chơi phát huy trí tưởng tượng, kể cho trẻ nghe những câu chuyện cổ tích, hướng dẫn trẻ vẽ, sáng tác… Tuy nhiên, với nhịp sống hiện đại, điều này đang ngày càng mất đi. Nhiều đứa trẻ được nuôi “trong lồng kính”, chỉ có thể dán mắt cả ngày vào tivi hay những trò chơi game, thậm chí còn không được cha mẹ kể cho nghe truyện cổ tích.

tre-em-cung-bi-stress-ma-doi-khi-me-khong-de-y

4. Cha mẹ ít nói chuyện với con 

Có thể bạn xem con là con nít nên khi gia đình xảy ra một biến cố gì đó, cả bạn lẫn anh xã đều căng thẳng, lo lắng, nhưng khi trẻ hỏi đến thì đều trả lời là: “Chẳng có gì đâu, con lo học đi!”. Bạn không biết rằng thực ra trẻ rất nhạy cảm và có thể nhận biết mọi bất thường. Nếu không chia sẻ khéo léo với con, trấn an con, bạn vô tình khiến trẻ suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực, càng cảm thấy căng thẳng, hoảng sợ và stress hơn. Một số trường hợp khác, cha mẹ quá bận rộn nên hầu như không có thời gian nói chuyện với con. Bạn xem đây là chuyện nhỏ, song với trẻ, trẻ xem đây là dấu hiệu gần như bị… bỏ rơi!

5. Cha mẹ… nói quá nhiều!

Ngược với trường hợp trên, có những bậc phụ huynh lại xem con là nơi trút hết mọi bực bội, căng thẳng của mình ra. Cha mẹ cãi nhau, mẹ cứ lôi con ra để nói những chuyện kiểu như: “Ba mày tệ lắm, suốt ngày đi nhậu nhẹt…”, “Thấy chưa, đến giờ này mà ba con cũng chưa về nhà!!!”. Những chia sẻ kiểu như vầy có thể làm một người lớn còn phải… nổi khùng lên chứ đừng nói gì một đứa trẻ. Hãy luôn nghĩ đến con, đến tâm lý của con khi bạn muốn chia sẻ một điều gì đó trong gia đình.

6. Sự nóng giận xuất hiện…

Nếu bạn, anh xã hay những người lớn khác trong gia đình thường xuyên nóng giận, hãy tìm mọi cách thay đổi ngay thói quen này. Sự nóng giận chứng tỏ bạn đang mất tự chủ và điều đó khiến trẻ vô cùng sợ hãi dù có nói ra hay không. Bạn có biết rằng chỉ cần một trận cãi lộn hoặc đánh nhau giữa các thành viên trong gia đình hoặc giữa ba mẹ với một người hàng xóm cũng đủ ám ảnh trẻ và khiến trẻ stress nhiều ngày sau đó.

tre-em-cung-bi-stress-ma-doi-khi-me-khong-de-y

7. Trẻ ngại thể dục

Vận động thể chất chính là cách đơn giản nhất để giảm stress, giải tỏa những căng thẳng và thoải mái, yêu đời hơn. Thế nhưng vì điều kiện nhà cửa chật chội, đường xá đông đúc, bạn thường lơ là chuyện này. Hãy hướng dẫn con tập hít thở sâu, dành tối thiểu nửa tiếng mỗi ngày để tập những động tác đơn giản hoặc cho trẻ nhảy múa theo điệu nhạc. Những vận động ấy sẽ giúp ích cho trẻ rất nhiều.

(Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành tư vấn)

Trẻ đau bụng do bị stress

Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Đại học Y dược TP.HCM qua một công trình nghiên cứu đã phát hiện  nhiều trẻ đau bụng là do bị stress. Nghiên cứu cho thấy, trẻ bị đau bụng tái diễn nữ mắc nhiều hơn nam, trẻ học trường chuyên dễ bị hơn trẻ học trường bình thường. Các nguyên nhân gây nên sang chấn tâm lý này thường là: Trẻ bị cha mẹ rầy la, cãi nhau với anh chị em, trẻ bị thầy cô mắng, đổi trường học, học quá nhiều, cha mẹ mất việc làm, không được sống chung với cha mẹ, có người thân qua đời, mẹ sinh em bé…

Tags:

Bài viết liên quan