Tại sao con tôi ngỗ ngược đến thế?
Đây không phải lần đầu chị X. rơi vào tình trạng ấy, và chị X. cũng không phải là người mẹ duy nhất trên đời rơi vào tình trạng ấy. Nhiều bà mẹ nổi điên trước… chuyên viên tư vấn: “Nói thì dễ lắm, nào là phải nhẫn nại, phải bình tĩnh với con! Nhưng thực sự có ở trong cuộc mới thấy.
Tôi không thể nào chịu đựng được. Quất roi vào nó, đánh đập nó. Nó vừa hét vừa… chửi, inh ỏi cả xóm lên. Tát nó, nó kêu gào. Bắt nó quỳ, nó bỏ chạy. Tôi cho nó nhịn đói, chửi mắng, đánh đập, báo giáo viên chủ nhiệm, thậm chí trói nó lại.
Nhưng rốt cuộc vẫn không giải quyết được gì hết. Mà phải nó lớn khôn gì cho cam! Mới có 11-12 tuổi đầu. Con em ngoan ngoãn bao nhiêu thì nó khiến tôi điên tiết bấy nhiêu. Chả hiểu tội tình đâu mà sinh ra đứa con bướng bỉnh, ngang ngược đến mức độ này!”.
Thái độ bướng bỉnh của trẻ có thể bắt nguồn từ bất cứ chuyện gì. Chị Phạm Thị Ánh (Q. Gò Vấp) chia sẻ tình huống của mình: “Tôi bảo con trai tắt tivi đi, nó bảo nó còn đang xem quảng cáo. Tôi đến giành remote để tắt thì nó bước đến tivi để bật. Tôi quát tắt mau lên thì thằng bé trừng mắt nhìn tôi. Tôi túm tay nó, nó lập tức… cắn lại tôi.
Tôi tát, dộng đầu nó xuống đất thì nó lầm lì đầy oán hận. Tôi không biết phải làm gì với con mình. Cứ như nó không phải do tôi sinh ra. Dạo này không nói gì được nó nữa cả. Càng đánh thì nó càng lì. Tôi thấy mình bất lực trước con!”.
Đừng tưởng chỉ những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình bố mẹ bất hòa, có vấn đề hay bố mẹ lơ là con cái mới xảy ra tình trạng ấy! Nhiều ông bố bà mẹ ngạc nhiên tìm đến chuyên viên tư vấn và thừa nhận họ… không hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa.
“Có phải cha mẹ sinh con, trời sinh tính không? Có phải con tôi bản chất sinh ra đã là một đứa trẻ lì lợm đến mức ấy không? Sao anh, chị, em nó chẳng ai giống nó? Cũng cùng một cha một mẹ sinh ra, sao những đứa con khác, chúng tôi nói một tiếng là nghe lời trong khi nó thì như một đứa mất dạy đầu đường xó chợ vậy?”.
Vâng, muôn ngàn tình huống! Muôn ngàn ví dụ khác nhau về sự bướng bỉnh và ngang ngược bất thần của trẻ. Tại sao con tôi lại bướng đến vậy? Câu trả lời trước hết, trẻ bướng vì trẻ là… trẻ con, và trẻ bướng vì cha mẹ là… người lớn! Người lớn luôn cho mình cái quyền mình nói đúng, rằng mình là người lớn và rằng trẻ phải nghe lời mình, nếu trẻ không nghe thì nghĩa là… trẻ bướng!
Chuyên gia tư vấn tâm lý Vũ Nguyệt Thu (Trung tâm Tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) cho biết: “Tôi tiếp xúc cả trăm trường hợp cha mẹ đến đây để than con bướng. Nhưng tất cả đều bắt đầu nhìn nhận sự việc với đôi mắt của người lớn, chứ chưa bao giờ đặt mình ở vị trí của đứa trẻ hay mắt nhìn của con.
Họ nghĩ đơn giản: Mình luôn đúng, mình đã nói thì con phải nghe. Con không nghe thì phải… đánh cho nó nghe thì thôi! Trong khi đó, thực chất, trẻ lại đang nhìn sự việc theo nhãn quan đầy cảm tính của trẻ. Trẻ không phân biệt được cái gì đúng, cái gì sai mà chỉ thích khẳng định cái tôi của mình theo cách của mình…”.
Ít bậc cha mẹ nào chịu nhận lỗi. Trong khi đó, có một điều chắc chắn rằng chuyện trẻ bướng không bao giờ “tự nhiên” mà có được! Nó chính là kết quả tích lũy của nhiều ngày, nhiều tháng. Người lớn khiến cho trẻ trở nên bướng bỉnh là vì chưa giúp các em phân định được cái nào được phép, cái nào có thể và cái nào là không được trong các hoạt động tại gia đình một cách rõ ràng, dứt khoát.
Người lớn hay quy tội cho trẻ, nhưng lại chẳng bao giờ chịu nhìn nhận rằng những yêu cầu của mình thường mang tính áp đặt, mệnh lệnh một chiều, buộc đứa trẻ phải thế này, phải thế kia mà không để con có sự chọn lựa.
Những điều này tích lũy qua ngày tháng, hình thành dần trong trẻ một sự phản kháng ngấm ngầm. Cái phản kháng đó có thể rất nhỏ như xụ mặt xuống, như ăn thật chậm, không chịu nuốt, như vùng vằng, như cha mẹ bảo làm chuyện A thì trẻ làm chuyện B, và đến một ngày, khi đã tích lũy đủ, sự phản kháng đó bộc phát thành một việc làm động trời, một thái độ thách thức khiến cha mẹ ngỡ ngàng tự hỏi: “Đứa trẻ này là… con của mình sao???”.
Làm gì trước sự bướng bỉnh của con?
Thật ra, một đứa trẻ bị cha mẹ “khép tội” cứng đầu, bướng bỉnh, ngỗ ngược dù ít dù nhiều lại có những tố chất rất quý giá là độc lập, tự chủ và quyết đoán. Đây là những tố chất mà chỉ cần khéo léo định hướng, điều chỉnh lại, con bạn sẽ khiến bạn bất ngờ vì những thành công sau này của trẻ khi ra đời.
Khi nhận ra con bộc phát các cách hành xử đầy bướng bỉnh, chống đối, thay vì nổi giận và quyết liệt “cải tạo” con bằng đòn roi, bạn nên bình tĩnh nhìn lại chính mình.
Nên thừa nhận rằng mình đang bất lực với con để tìm đến các chuyên viên tư vấn kinh nghiệm, nhằm tìm ra hướng giải quyết thích đáng và phù hợp thay vì cứ khư khư: “Tôi là cha là mẹ, tôi biết phải làm gì với nó. Với một đứa như nó thì phải đánh cho đến khi nào chịu hết nổi phải nghe lời thì thôi!”.
Thực tế, chưa bao giờ đòn roi và những lời chửi mắng có thể giúp một đứa trẻ bướng bỉnh, ngỗ ngược trở nên… ngoan hiền được. Có thể lúc này, trẻ quá sợ những đòn roi ấy nên tạm nghe lời.
Nhưng nếu trong lòng trẻ không phục, trẻ không nhìn nhận được lỗi của mình, trẻ chỉ vì yếu thế nên phải tạm nghe theo thì đó chính là những mầm mống cho sự chống đối dữ dội hơn sau này.
Đã có nhiều người cha người mẹ, khi đánh con đến lần thứ n, đột nhiên trẻ đứng phắt dậy, giật lấy cây roi bẻ gãy ngay trước mặt cha mẹ và lên tiếng: “Ông, bà có ngon thì đánh… tay đôi với tôi này!”.
Nói như thế không có nghĩa là lúc nào bạn cũng phải chiều con. Nhưng sự cứng rắn và quyết đoán của bố mẹ luôn phải đi kèm với tình yêu thương, sự lắng nghe và cả những cách đối xử tôn trọng, công bằng. Ngay cả khi cần dùng hình phạt cũng thế.
Những hình phạt chỉ có thể có ích nếu như trẻ thật sự hiểu được mình đã làm gì sai và chấp nhận nó, nhớ sâu sắc nó.
Chuyên viên tư vấn Thu Hiên (tổng đài 1088) chia sẻ: “Bạn có thể nhớ lại chính tuổi thơ của mình. Có những lần bị bố mẹ bắt nằm lên giường, phạt chỉ một vài roi vào mông nhưng bạn nhớ rất kỹ, rất sợ để không tái phạm và trong lòng không có cảm giác oán hận.
Nhưng cũng có những lần, bố mẹ tát oan, đánh oan, hoặc đánh mắng trong cơn thịnh nộ và chính bạn chưa nhận ra được lỗi lầm của mình, thì bạn chỉ có trong lòng cảm giác uất ức mà thôi. Bạn mong mình lớn nhanh lên để không phải chịu đựng cảnh bị mắng chửi, đánh đập như thế nữa. Con bạn bây giờ cũng vậy…”.
Trước hành vi bướng bỉnh của trẻ, cha mẹ cần hiểu rằng mình đã bước đến một bước ngoặc mới đầy khó khăn trong quá trình nuôi dạy con: Bước ngoặc phải nhìn lại chính mình và phải tập hiểu con! Cách giải quyết duy nhất bạn có thể làm và nên làm là tập kiềm nén những cơn giận của bản thân để bắt đầu điều chỉnh trẻ.
Hãy ghi nhận và khen ngợi từng thay đổi dù nhỏ nhất của trẻ. Hãy biết rằng từ nay, bạn cần tập cư xử với con một cách công bằng hơn chứ không thể chỉ áp đặt và tự tin rằng mọi thứ mình làm là đúng!
- Để mắt đến con, cho con thấy sự quan tâm của bạn và đặt ra một số giới hạn. Đồng thời phải tin cậy con và không can thiệp hay cố gắng kiểm soát con.
- Tìm hiểu xem tại sao con cư xử tệ. Con bạn có những cuộc cãi cọ nào với bạn bè không? Nó có nỗi sợ nào về những thay đổi tâm sinh lý không? Cố gắng trò chuyện với con để biết xem điều gì đã khiến con như vậy.
- Bạn có thể bị tổn thương vì những lời nói của con nhưng đừng quá coi trọng chuyện đó, đừng cho rằng lời nói đó ám chỉ mình.
- Dù bạn cảm thấy bực bội đến đâu, hãy nhớ bạn không thích những việc con làm chứ không phải là bạn không thích con.
- Nhớ rằng chính bạn cũng từng trải qua những ngày tháng “chống đối” và bố mẹ bạn đã đau đầu vì bạn như thế nào!
Chuyên gia Tư vấn Suzie Hayman (Tác giả cuốn sách nổi tiếng Làm cha mẹ)
Thay vì bảo trẻ: “Tắt tivi và đi học bài ngay!”, bạn sẽ phải tập sửa lại thành: “Con nghĩ con nên xem bao nhiêu phút nữa trước khi bắt đầu đi học bài?”. Trẻ có thể trả lời bạn bằng một câu đầy thách thức. Lúc đó, đừng vội nổi nóng hay đừng vội nghĩ rằng: Mình đã nhịn đến thế mà nó vẫn ngỗ ngược đến mức này thì ai mà chịu nổi!!! Nên nhớ, trẻ ngỗ ngược là kết quả của cả năm sáu năm trời dồn nén. Vậy thì bạn không thể đòi hỏi chỉ một sớm một chiều là trẻ thay đổi theo bạn muốn ngay.
Hãy tiếp tục lắng nghe con, điều chỉnh con, thỏa thuận với con các nguyên tắc mới trong gia đình (ví dụ thỏa thuận trẻ sẽ xem tivi mỗi ngày 1 tiếng trước khi ngồi vào bàn học và nghiêm túc thực hiện điều ấy). Thậm chí, hãy chia sẻ với con những cảm xúc, suy nghĩ thật của mình và cả những tình cảm của bạn dành cho con.
Có những đứa trẻ cực kỳ bướng bỉnh nhưng đã chịu ngồi im lặng khi nghe mẹ nói một cách thật lòng rằng: “Mẹ buồn lắm. Mẹ thấy mình rất bất lực và không biết phải làm gì. Mẹ rất lo lắng về con… Nếu con là mẹ, con sẽ làm gì đây?”.
Đứa trẻ, dù ngang bướng đến đâu vẫn là một đứa trẻ, vẫn có một trái tim sẵn sàng mềm đi khi nhận ra mình được yêu thương. Và một lời khuyên cuối cùng mà ít bậc cha mẹ để tâm nhưng lại có công dụng rất lớn. Ấy là khi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã có những khủng hoảng, bạn hãy thử một lần cùng với trẻ đến các trung tâm tư vấn! Đừng cho rằng ở đó chỉ có lý thuyết.
Thực tế, tại các trung tâm tư vấn, các chuyên viên giỏi đã trải qua những chương trình huấn luyện chuyên nghiệp để có thể nắm bắt tâm lý của cả cha mẹ lẫn con cái. Họ lại có kinh nghiệm vì đã tiếp xúc với hàng trăm “ca” khác nhau và có sự bình tĩnh, sáng suốt của một người ngoài cuộc. Họ có thể giúp đỡ chính bạn và đứa con của bạn vượt qua những khủng hoảng này!
Bạn tuyệt đối không nên…
Không dùng đến roi vọt khi bạn đang mất bình tĩnh. Không quát tháo ầm ĩ, dùng các biện pháp đe dọa, bạo hành buộc đứa trẻ phải tuân theo. Cũng không nên than thở với mọi người về sự hư đốn của trẻ ngay trước mặt chúng. Những phản ứng tiêu cực này hoàn toàn không giúp cải thiện tình hình mà chỉ làm vấn đề trở nên căng thẳng hơn.
Bạn có thể bắt đầu bằng các bước:
* Giải thích vấn đề:
Ví dụ trẻ nói dối, bạn hãy nhẹ nhàng nói chuyện với con. Gợi mở bằng cách đặt ra những câu hỏi cho trẻ tự trả lời rằng những hành động của con sẽ dẫn đến hậu quả thế nào, ảnh hưởng đến người khác ra sao? Có thể trẻ vẫn đầy vẻ ngang bướng khi nói chuyện với bạn, nhưng chỉ cần tinh ý một chút, bạn sẽ nhận ra thái độ của trẻ dần có biến chuyển khi trẻ hiểu vấn đề.
* Khích lệ và tin tưởng con sửa đổi được:
Hãy tạo cơ hội cho trẻ bộc lộ quan điểm, bàn bạc, nói chuyện với trẻ như nói chuyện với một người bạn chứ không phải chỉ là một đứa “trẻ ranh”. Bạn cũng cần thể hiện rõ thái độ tin tưởng, khen ngợi từng chút nhỏ những việc tốt con làm, khích lệ con dù con chỉ mới tiến triển được một bước rất nhỏ. Trẻ sẽ nhận ra tình cảm và sự nỗ lực của bạn để giải quyết khủng hoảng giữa cha mẹ và con!