Mẹ và Con - Một trong những vấn đề mà nhiều bố mẹ gặp phải khi dạy con, đặc biệt là con trai, chính là trẻ quá bướng, không nghe lời bố mẹ. Liệu có cách nào dạy trẻ hiệu quả hơn?

Thậm chí, nếu không biết cách dạy con trai bướng bỉnh sao cho đúng còn có thể gây nên tác dụng ngược, khiến trẻ ngày càng lì lợm và muốn chống đối bố mẹ. Dạy dỗ con cái cũng là một nghệ thuật, một môn học đòi hỏi bố mẹ phải thật sự tập trung, để tâm và rèn luyện bản thân. Hôm nay, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con đến với bài học “cách dạy con trai bướng bỉnh” để xem chúng ta có thể học được gì và áp dụng được gì, bố mẹ nhé!

cach day con trai buong binh

Vì sao trẻ bướng bỉnh?

Ông bà ta thường quan niệm “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, có nghĩa là bố mẹ không thể nào quyết định được tính cách của con cái. Cũng chính vì thế, nhiều phụ huynh thường mặc định việc trẻ bướng là do tính cách của con chứ không liên quan gì đến bố mẹ.

Tuy nhiên, trên thực tế những đứa trẻ bướng bỉnh có một phần nguyên nhân do chính người lớn và môi trường sinh sống, giáo dục của con. Cụ thể:

Bố mẹ thường xuyên đánh mắng con

Cách dạy con, đặc biệt là cách dạy con trai bướng bỉnh không phải lúc nào cũng la mắng, đánh đập con thì con sẽ nghe lời. Những đứa trẻ có tính cách bướng bỉnh thường không muốn ai chỉ đạo, yêu cầu mình hay chê trách mình, dù cho đó là bố mẹ của mình đi chăng nữa. Vì thế, việc thường xuyên la con hay trách phạt con sẽ khiến con bướng bỉnh hơn mà thôi.

Quá cưng chiều con

Có lẽ bạn đã nghe rất nhiều lần quan niệm “cái gì quá cũng không tốt” phải không nào? Và bạn hoàn toàn có thể áp dụng điều này vào cách dạy con của mình đấy nhé. Quá thường xuyên trách mắng con cũng không được, nhưng quá cưng chiều con cũng không nên đâu đấy.

Những đứa trẻ được bố mẹ cưng chiều sẽ trong vô thức lập trình cơ chế không cần nghe lời người khác mà mọi người phải luôn luôn đáp ứng nhu cầu của bé. Khi bé không được thỏa mãn những mong muốn của mình, bé sẽ tìm mọi cách để phản kháng như la hét, ăn vạ,… 

bố và con

Mâu thuẫn trong cách dạy con

Theo khảo sát, hầu hết các gia đình đều mâu thuẫn trong cách dạy con, đặc biệt là các gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống. Sự mâu thuẫn giữa bố và mẹ, giữa bố mẹ và ông bà có thể khiến trẻ hoang mang, không biết phải nghe theo ai. Lâu dần, con sẽ tự làm theo ý riêng của mình và trở nên bướng bỉnh hơn, không còn nghe lời của bất kỳ ai nữa.

Một điển hình chính là trong cả cách dạy con trai bướng bỉnh cũng thế. Bố muốn nghiêm khắc răn đe, mẹ lại muốn mềm mỏng nói chuyện cùng con, ông bà vì thương cháu nên cũng không muốn trách mắng con chẳng hạn. Chính sự mâu thuẫn của người lớn đã vô tình ảnh hưởng đến những đứa trẻ, khiến chúng trở nên lì lợm hơn, ít nghe lời.

Bố mẹ gây nhiều áp lực cho con

Bố mẹ nào cũng muốn con của mình là “con ngoan trò giỏi”, thành công trong cuộc sống. Vì thế đôi khi chúng ta đặt áp lực quá lớn lên con, muốn con phải làm những thứ nằm ngoài khả năng hay mong muốn của con vì cho rằng chính những điều này mới giúp con tốt hơn. Tuy nhiên, sự thật là càng ép thì con lại càng muốn phản kháng.

Đặc biệt, khi tìm hiểu cách dạy con trai bướng bỉnh, bạn cần phải nhớ rằng những bé trai thường có cái tôi và cá tính mạnh hơn. Nếu bạn càng buộc con phải làm theo ý mình thì con sẽ càng cảm thấy khó chịu và luôn tìm cách đi ngược lại những gì bố mẹ nói.

con trai bướng bỉnh

Sự tác động bởi môi trường xung quanh

Bạn có cảm thấy ngạc nhiên và không hiểu vì sao bình thường con vô cùng ngoan ngoãn nhưng sau khi thay đổi môi trường sống như chuyển trường, chuyển nhà,… thì con lại có tính cách hoàn toàn khác biệt? Môi trường sống và những người mà con thường xuyên tiếp xúc như thầy cô, bạn bè đều có khả năng ảnh hưởng đến bé. Đây cũng là nguyên nhân bố mẹ cần thận trọng trong việc lựa chọn môi trường học tập, vui chơi, sinh sống cho bé!

Bố mẹ không làm gương

Dù mỗi đứa trẻ có một tính cách riêng nhưng tính cách của trẻ được hình thành dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có cả sự “làm gương” của bố mẹ. Nếu bố mẹ có những hành động, thái độ không tốt hay đơn giản là thường xuyên cãi nhau thì chuyện trẻ có cách cư xử không ngoan ngoãn, lễ phép cũng là… lẽ thường tình!

dạy con đúng cách

Cách dạy con trai bướng bỉnh bố mẹ cần biết

Kiên nhẫn lắng nghe con mà không lập tức tranh luận

Khi xảy ra một vấn đề mà bạn đang bất đồng quan điểm với bé, bạn thường có xu hướng nóng giận, nói với con rằng điều con làm là sai? Như Mẹ và Con đã chia sẻ, cách xử lý này sẽ khiến trẻ thêm bướng bỉnh, khó chịu và không thèm làm theo những gì bố mẹ muốn.

Tốt nhất hãy bình tĩnh, lắng nghe con chia sẻ. Hãy để con trình bày rõ ràng nguyên nhân vì sao con lại chọn cách hành động, giải quyết như thế. Bạn có thể bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản như “Con đang khó chịu với vấn đề gì vậy?”, “Con có cách nào để gỡ rối không?”, “Bố mẹ biết con của bố mẹ sẽ chọn lựa điều tốt nhất mà”… Hãy xoa dịu sự khó chịu của con lúc đó thay vì tiếp tục tranh luận với con, bạn nhé!

Thống nhất cách dạy con

Để làm được việc này, tốt nhất người lớn trong nhà nên ngồi lại và nói chuyện với nhau. Trước tiên là hai vợ chồng cần chia sẻ với nhau định hướng trong cách dạy con bướng bỉnh của mình, cùng tìm ra cách nuôi dạy con phù hợp nhất. Sau đó, nếu nhà còn những người lớn khác như ông bà, cô dì, hãy nghiêm túc chia sẻ với họ về lựa chọn của hai vợ chồng và hy vọng mọi người có thể cùng “hợp tác”, nhất quán cách dạy con.

dạy con

Tôn trọng con

Được tôn trọng sẽ khiến trẻ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn, ít có tâm lý muốn chống đối và phản kháng. Đặc biệt, với những bé trai có cá tính mạnh thì bé càng đòi hỏi sự tôn trọng nhiều hơn. Do đó, bố mẹ tuyệt đối phải giữ sự tôn trọng này, qua những hành động đơn giản như luôn gõ cửa trước khi vào phòng của con, không đọc trộm nhật ký của con hay không tự ý lục soát đồ đạc trong phòng con.

Không thỏa hiệp nếu yêu cầu của con vô lý

Sự nuông chiều quá mức cũng có thể làm hư trẻ. Vì thế, khi con yêu cầu một điều gì đó và bạn cảm thấy không thể, ví dụ như con muốn chạy đi chơi vòng quanh quán cà phê và làm ồn mọi người chẳng hạn, hãy từ chối con. Tuy nhiên, bạn có biết cách dạy con trai bướng bỉnh như thế nào để con nghe lời cả khi bố mẹ không đồng ý với con? Thật ra một bí quyết rất đơn giản chính là hãy chia sẻ với con.

Khi bạn không cho phép bé làm bất cứ chuyện gì, hãy giải thích lý do. Ví dụ như “Con chạy nhảy như thế thì con sẽ làm phiền các cô chú kế bên đấy” hay “Nếu con chạy như vậy, lỡ con va phải cô đang bưng nước thì sẽ như thế nào? Lúc đó nước sẽ đổ vào người cô đấy”. Như vậy, trẻ có thể thấy được “hậu quả” cho những hành động, đòi hỏi vô lý của mình.

Một số bố mẹ khi thấy trẻ khóc, ăn vạ đòi bố mẹ cho làm điều này, mua món đồ chơi kia thường cảm thấy rất phiền và quyết định đồng ý với con cho con im lặng. Việc này chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, còn sau đó con lại tiếp tục đòi hỏi những thứ khác. Vì thế, lúc con khóc và ăn vạ, tuyệt đối không được đồng ý với con bạn nhé!

Động viên và khen ngợi con

Bên cạnh việc chia sẻ những lý do mà bố mẹ không cho phép con làm điều này, yêu cầu con làm điều kia, hãy động viên và khen ngợi con mỗi khi thấy con ngoan, nghe lời. Hay đơn giản sau khi nói chuyện với con, bạn có thể kết thúc chủ đề bằng một câu đơn giản như “Mẹ biết con trai của mẹ rất ngoan, con sẽ không muốn ảnh hưởng đến mọi người phải không nào?”.

Khi bé nghe được những lời cổ vũ này, bé sẽ cảm thấy vui vẻ và đồng ý nghe theo lời của bố mẹ.

động viên con cái

Làm gương cho con

Trẻ em chính là bản sao của bố mẹ. Nếu muốn con ngoan ngoãn, chính bố mẹ cũng phải học cách cư xử hòa thuận, tránh cãi vã, không nặng lời với nhau, cho con cảm nhận được gia đình êm ấm, hạnh phúc,… để con có thể noi theo bạn nhé!

Trẻ em, đặc biệt là các bé trai thường hay bướng bỉnh, thích làm theo ý mình. Lúc này, bố mẹ cần tìm hiểu những cách dạy con trai bướng bỉnh và thật sự bình tĩnh khi dạy con, tìm ra cách dạy con phù hợp nhất.  Và nếu những chia sẻ trên có thể “gỡ rối” cho bạn trong cách dạy con, đừng quên theo dõi Tạp chí Mẹ và Con mỗi ngày để nhận thêm nhiều thông tin bổ ích, bạn nhé!

Bài viết liên quan