Mẹ và Con - Tiết trời khô lạnh như hiện nay là một trong những yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị chảy máu cam, nhất là ở các trẻ có cơ địa đặc biệt và bệnh lý nền. Đâu là nguyên nhân lành tính hoặc điều bố mẹ cần lưu ý? Tìm hiểu ngay với Mẹ và Con nhé!

Trẻ bị chảy máu cam là một tình huống rất thường gặp. Nhưng liệu đây có phải là một dấu hiệu của một bệnh nguy hiểm nào đó nhưng chúng thường thấy trên phim ảnh? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu về các nguyên nhân gây chảy máu cam và các phương pháp giúp mẹ xử lý một cách an toàn, hiệu quả nhé.

Chảy máu cam là gì?

Chảy máu cam hay chảy máu mũi là tình trạng có máu xuất hiện trong niêm mạc mũi của trẻ. Phần lớn bạn sẽ bắt gặp trường hợp con chạy đến với vẻ sợ hãi và hàng máu tươi chảy ra từ mũi, gọi là chảy máu mũi trước (máu chảy ra phía trước)

Kín đáo và khó phát hiện hơn là tình trạng chảy máu mũi sau, nghĩa là máu chảy ra sau, xuống miệng hoặc họng của trẻ. Lúc này bé sẽ có biểu các rối loạn tiêu hóa kèm theo mà đôi khi khiến cho bố mẹ bỏ sót. 

Trẻ bị chảy máu cam

Trẻ bị chảy máu cam có phải là bình thường không?

Nếu lục lại những trang nhật ký cũ và bất chợt bạn nhận ra mình đã từng một lần chảy máu cam thì có lẽ bạn đã thuộc nhóm 60% người từng có chảy máu mũi ít nhất một lần trong đời.

Trong số đó, độ tuổi từ 2-10 tuổi lại là nhóm có tỷ lệ mắc cao nhất. Tuy nhiên nếu nói tất cả chảy máu mũi là “xấu” hoàn toàn thì cũng không chính xác. Các cuộc khảo sát gần đây nhất cho thấy, cứ 10 trẻ bị chảy máu cam thì chỉ có 1 trẻ bị chảy máu cam có các nguyên nhân cần phải được quan tâm và điều trị.  

Các nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam

Máu trong cơ thể chúng ta sẽ được lưu thông trong một hệ mạch máu khắp cơ thể. Với một cơ thể thích chạy nhảy và năng động không ngừng của con, trừ khi con bị trầy xước, thông thường rất khó để máu tự chảy ra ngoài mạch máu một cách vô cớ. 

Thế nhưng tại sao mạch máu mũi lại dễ chảy như vậy ở trẻ nhỏ? Trong vách mũi của chúng ta có một hệ thống mạch máu rất phong phú có nhiệm vụ làm ấm và ẩm các luồng khí được hít vào. Phần lớn các mạch máu này chạy sâu trong mô mũi và khá là “an toàn”. 

Thế nhưng có 1 vòng tròn nhỏ (điểm mạch Kisselbach) cách lỗ mũi của bạn khoảng 1.5 cm, vốn có thể xem là “quảng trường” nơi các mạch máu này gặp nhau và rất là gần lớp niêm mạc. Vì thế mà gần như 90% loại chảy máu mũi trước đều từ điểm mạch này mà ra cả.

Trẻ bị chảy máu cam thường có các nguyên nhân gợi ý sau:

Không khí khô nóng khiến trẻ bị chảy máu cam nhiều hơn

Bạn không nghe nhầm đâu, đây là nguyên nhân thường gặp nhất ở các trẻ chảy máu mũi trước. Tiết trời khô nóng, dùng lò sưởi hoặc máy điều hòa nhiều còn kèm theo tình trạng ít uống nước, làm niêm mạc vùng mũi của con bị khô và thiếu sự bảo vệ. Các tác nhân kích ứng mũi sẽ đến, kích thích và làm tổn thương điểm mạch Kisselbach và đưa đến tình trạng chảy máu mũi ở trẻ.

Ngoáy mũi thường xuyên làm trẻ bị chảy máu cam

Trẻ nhỏ rất hiếu động và thường sẽ có các thói quen cho tay vào miệng hay vào mũi. Việc làm tưởng chừng vô hại này vô tình khiến cho lớp niêm mạc mũi bị trầy xước và làm trẻ bị chảy máu cam. 

Nguyên nhân trẻ bị chảy máu cam

Trẻ bị chảy máu cam do dị vật trong mũi

Độ tuổi từ 2-10 tuổi hầu như là lứa tuổi các trẻ đều thích khám phá những vật dụng xung quanh qua việc cầm nắm, nhất là ở các bé nhỏ tuổi. Khi ấy, trong quá trình chơi, trẻ vô tình cho các vật lạ vào mũi hoặc miệng. 

Biểu hiệu đặc trưng của nguyên nhân máu cam này là mùi rất hôi và máu có màu đỏ sẫm. Đây là một tình trạng nguy hiểm, nên với những nguyên nhân này, bạn cần đưa trẻ đến những cơ sở y tế gần nhất để gắp dị vật ra.

Tình trạng viêm mũi xoang và các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp trên

Xoang mũi vốn dĩ đã có một hệ thống mạch máu phong phú. Tuy nhiên, khi trẻ đang có tình trạng viêm nhiễm ở đường hô hấp trên, gồm mũi xoang, viêm họng… thì các mô tại mũi sẽ sưng nề lên. Chỗ sưng nề là các mạch máu tại chỗ giãn ra, lúc này nếu như có một kích ứng hay vô trình trẻ đưa tay quẹt phải sẽ dễ dẫn đến chảy máu. 

Một số bệnh lý hệ thống dẫn đến tình trạng trẻ bị chảy máu cam

Phần lớn các tình trạng chảy cam ở trẻ là lành tính. Việc sơ cứu và cầm máu đúng sẽ giúp cải thiện tình hình và hồi phục hoàn toàn mà không để lại di chứng nào. 

Dù vậy ở một số trẻ đặc biệt, việc chảy máu mũi tái đi tái lại thường xuyên mà không có một nguyên nhân thực thể nào rõ ràng có thể là gợi ý cho một bệnh hệ thống. Trong đó bao gồm:

  • Bệnh lý ưa chảy máu (hemophilia) – Một rối loạn hệ máu khiến máu của trẻ không thể tự cầm
  • Cơ địa có bệnh lý viêm mạch miễn dịch khiến mạch máu trẻ mỏng hơn bình thường
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Bệnh tăng huyết áp ở trẻ nhỏ
  • Hiếm hơn là các bệnh lý ác tính gây chảy máu

Vì thế, việc chăm sóc và thăm khám đầy đủ ở các trẻ bị chảy máu cam thường xuyên là rất quan trọng. 

Trẻ bị chảy máu cam sẽ được điều trị thế nào?

Sau khi bạn đã xử trí sơ cứu tai nạn ở trẻ bị chảy máu cam nhưng biểu hiện này vẫn còn tiếp tục, việc tiếp theo bạn nên làm là đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiến hành cầm máu chuyên sâu.

Xử trí trẻ bị chảy máu cam

Khi đến phòng cấp cứu, các bác sĩ sẽ tiến hành sơ cứu cầm máu với và đánh giá trong vài phút. Nếu máu cam vẫn còn chảy, bác sĩ sẽ tìm điểm mạch chảy máu và tùy vào tình trạng của trẻ sẽ cầm máu bằng:

  • Thủ thuật nhét bấc mũi (mèche) cầm máu
  • Kẹp “đốt” mạch máu đang chảy 

Bởi vì vùng mũi hầu và hầu họng là những nơi thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn. Nên song song với cầm máu bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh để phòng ngừa các tình trạng nhiễm trùng do bội nhiễm. 

Chăm sóc trẻ khi trẻ được đặt bấc mũi

Bấc mũi sẽ được lưu lại trong vòng 1 – 2  ngày. Bác sĩ sẽ dặn bố mẹ đưa con đến khám sau 2 ngày để đánh giá và tháo bấc ra. Trong khoảng thời gian này bố mẹ không cần lo việc gỡ bấc. Và nếu bấc bị rơi ra mà không thấy máu chảy nữa thì bạn có thể không cần đưa bé đến tái khám. Tuy nhiên nếu còn chảy thì nên đưa trẻ quay lại để được hỗ trợ.  

Chăm sóc khi trẻ không được đặt bấc mũi

Sau khi đánh giá tình trạng của trẻ không có yếu tố gây nặng, bác sĩ có thể yêu cầu dùng một ít mỡ kháng sinh chống nhiễm trùng và dặn dò dùng vaseline. Với loại vaseline này, bạn có thể thoa một ít vào mũi trẻ bằng tăm bông sạch. 

Lưu ý, với các bé dưới 4 tuổi thì không nên làm điều này. Vì trẻ thường hiếu động khiến thao tác bôi thuốc của bạn gây thêm các tổn thương không mong muốn và làm tình trạng chảy máu trở nên tái diễn hoặc nặng lên.

Những điều cần lưu ý ở trẻ để tránh chảy máu tái phát sau khi cầm máu

Khoảng thời gian đầu tiên sau khi cầm máu cho trẻ rất quan trọng. Mặc dù đã được cầm máu và an tâm ít nhiều, nhưng trẻ bị chảy máu cam vẫn có nguy cơ máu sẽ tiếp tục chảy nếu có một yếu tố khác ảnh hưởng lên vị trí tổn thương vừa mới được tạm lành. Để bảo vệ con không bị tái phát ngay sau khi mới “xử lý” máu cam, các chuyên gia sẽ khuyên bạn một số điều sau:

  • Trong vòng 2 giờ sau khi cầm máu, trẻ nên được nghỉ ngơi hoặc làm các hoạt động nhẹ nhàng như xem ti vi, đọc sách, tô màu…
  • Động viên trẻ không nên cho tay vào mũi hay xì mũi trong vòng 24 giờ. Tùy theo cách can thiệp mà thời gian này có thể lâu hơn.
  • Tránh cho sẻ dùng thức ăn nóng hay tắm nước nóng trong 1 ngày đầu tiên.
  • Trong vòng 1 tuần, trẻ nên hạn chế các hoạt động mạnh như chạy nhảy nhiều, la hét, xô đẩy nhau…
  • Cho trẻ uống nhiều nước, nhất là khi trẻ bị táo bón. Nên cho trẻ ăn nhiều rau và chất xơ. Việc rặn làm tăng áp lực trong mạch máu và có thể làm trẻ tái phát. 

Nếu trẻ chảy máu trở lại, bạn có thể xử trí cầm máu tại nhà và nếu còn chảy thì nên cho trẻ tái khám lại ngay.

Phòng ngừa trẻ bị chảy máu cam

Dự phòng tình trạng trẻ bị chảy máu cam

Trẻ bị chảy máu cam hoàn toàn có thể phòng ngừa những hành động cụ thể như sau:

  • Giữ cho những chiếc móng tay nhỏ nhỏ đáng yêu của trẻ đủ ngắn để không bị xước khi trẻ lỡ đưa tay vào mũi. Tuy nhiên nếu bạn có mặt ở đó thì hạn chế trẻ vọc tay vào mũi và miệng nhé
  • Làm ẩm môi trường quanh bé bằng một thiết bị tạo độ ẩm không khí. Chẳng hạn như một máy phun sương, nhưng phải vệ sinh máy thường xuyên
  • Ngoài ra có thể vệ sinh và giữ ấm cho mũi trẻ bằng việc nhỏ mũi với loại nước muối phù hợp với sinh lý vùng mũi
  • Hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá sẽ giúp hạn chế trẻ bị chảy máu cam
  • Với những trẻ lớn một chút thì hướng dẫn trẻ xì mũi nhẹ nhàng

Tình trạng chảy máu của trẻ là lành tính, song cũng lại là điều khiến bố mẹ cần để ý. Trong những ngày cuối năm, khí trời cũng lạnh và khô hơn. Và yếu tố nguy cơ này cũng dễ khiến trẻ bị chảy máu cam. Hi vọng là qua bài viết này có thể giúp bạn trở thành “bác sĩ” gia đình ở bên con khi gặp bối rối nhé.

Bài viết liên quan