Bạn cảm thấy trẻ chậm chạp, khó tiếp thu những bài học mà bố mẹ hướng dẫn? Trẻ có những dấu hiệu của một đứa trẻ bị chậm phát triển trí tuệ? Hãy kiểm tra xem vấn đề trẻ đang gặp phải có thật sự phải là chậm phát triển trí tuệ hay không và từ đó có những biện pháp can thiệp kịp thời, tránh để ảnh hưởng đến việc học và tương lai của con, bạn nhé!
Tình trạng trẻ chậm phát triển trí tuệ là gì?
Khi sinh con ra, chắc chắn ai cũng muốn con mình lành lặn, phát triển tốt nhất cả về sức khỏe thể chất lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường, bạn không nên tự ti, buồn bã mà cần kiểm tra xem trẻ bị chậm phát triển trí tuệ hay không rồi mới có hướng xử lý tốt nhất.
Chậm phát triển trí tuệ là tình trạng phát triển trí não của trẻ bị khiếm khuyết, diễn ra chậm và khiến trẻ bị giới hạn một số chức năng về não bộ. Thông thường, tình trạng trẻ bị chậm phát triển trí tuệ sẽ xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi và khiến trẻ có chỉ số thông minh (IQ) thấp dưới 70, các kỹ năng sinh hoạt hằng ngày như hành xử xã hội, tự chăm sóc, đối thoại,… cũng bị hạn chế.
Vì vậy, trẻ cũng thường có kiểm soát được những hành vi của mình, dễ bị kích động trước những tình huống dù là đơn giản nhất.
Tình trạng trẻ chậm phát triển trí tuệ không xuất phát từ việc trẻ lười biếng, không cố gắng hay tính cách phản ứng thái quá với mọi việc. Do đó, cần hiểu và cảm thông, tôn trọng trẻ thay vì trách mắng, kỳ thị trẻ.
Nguyên nhân gây chậm phát triển trí tuệ ở trẻ
Tuy có đến 60% trẻ chậm phát triển trí tuệ chưa thể xác định chính xác, nhưng có thể tạm phân loại các nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ bị chậm phát triển trí tuệ thành 4 nhóm chính:
Di truyền
Theo thống kê, có đến khoảng 30% trẻ mắc chứng chậm phát triển trí tuệ do di truyền. Những dị thể bất bình thường bố mẹ sẽ truyền sang cho trẻ trong quá trình mang thai và dẫn đến sự chậm phát triển về mặt trí tuệ.
Ngoài ra, chứng rối loạn chuyển hóa Phenylketone niệu cũng là một nguyên nhân di truyền gây nên tình trạng khuyết tật trí tuệ ở trẻ.
Các yếu tố từ bố mẹ
Các thói quen sinh hoạt hay tình trạng sức khỏe của bố mẹ cũng có thể trở thành nguy cơ dẫn đến chậm phát triển trí tuệ ở trẻ. Cụ thể, một số nguyên nhân thường gặp gồm có:
- Hội chứng ngộ độc rượu bào thai
- Mẹ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá
- Mẹ dùng ma tuý, uống rượu trong giai đoạn mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ
- Mẹ mắc các căn bệnh như rối loạn tuyến sữa, nhiễm virus cytomegalovirus (CMV), rubella,…
- Mẹ bị cao huyết áp dẫn đến lưu lượng máu đến thai nhi xáo trộn khiến thai nhi phát triển không bình thường
- Một số dị tật bẩm sinh của bào thai do ảnh hưởng từ sức khỏe của mẹ khiến hệ thần kinh trung ương của trẻ bị ảnh hưởng hoặc trẻ bị khuyết tật ống thần kinh
Thương tích, bệnh tật
Trong một số trường hợp, thai nhi vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường. Tuy nhiên, sau khi chào đời trẻ vẫn có nguy cơ bị chậm phát triển trí tuệ do các bệnh tật, thương tích mà trẻ gặp phải:
- Bệnh thuỷ đậu, sởi, cường giáp hoặc ho gà nếu không được điều trị kỹ lưỡng cũng có thể dẫn đến tình trạng chậm phát triển trí tuệ ở trẻ
- Viêm màng não, viêm não và các bệnh nhiễm trùng não cũng có thể dẫn đến tình trạng não tổn thương và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ
- Các chấn thương do té từ trên cao, tai nạn giao thông,… cũng tác động không nhỏ đến trẻ
Các yếu tố khác
- Các yếu tố môi trường không đảm bảo như trẻ tiếp xúc quá nhiều với các hóa chất độc hại cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm phát triển trí tuệ.
- Trong suốt thai kỳ, mẹ bị thiếu hụt dinh dưỡng, thai nhi không thể phát triển khỏe mạnh cũng sẽ dễ khiến trẻ bị khiếm khuyết trí tuệ
- Trẻ suy dinh dưỡng, không được chăm sóc y tế đầy đủ có nguy cơ chậm phát triển trí tuệ cao hơn thông thường
Các biểu hiện của trẻ bị chậm phát triển trí tuệ
Trẻ bị chậm phát triển trí tuệ thường có những biểu hiện như:
- Rối loạn tâm thần
- Hiếu chiến
- Chậm biết bò, ngồi và biết đi
- Nói không rõ ràng
- Khả năng ghi nhớ kém
- Không thể hiểu những điều đơn giản hoặc hiểu chậm, cần giải thích nhiều lần
- Bướng bỉnh
- Phụ thuộc vào người khác
- Tự gây thương tích cho bản thân
- Cư xử như trẻ nhỏ trong khi trẻ đã lớn
- Gặp khó khăn khi tự chăm sóc bản thân: mặc quần áo, cầm muỗng/đũa khi ăn, tự vệ sinh khi đi ngoài,….
- Học chậm, gặp khó khăn trong việc học
- Tự ti, khó giao tiếp với mọi người xung quanh
- Thụ động
- Khả năng chịu đựng kém, ít kiểm soát được hành vi và cảm xúc của bản thân
- Thiếu hứng thú với những biện pháp xung quanh mình
- Khó tập trung, chú ý vào một việc nào đó
Các mức độ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ
Để đánh giá về mức độ chậm phát triển ở trẻ, có thể chia thành 4 mức: nhẹ – trung bình – nặng – rất nặng. Trong đó:
Mức độ nhẹ
- Là mức độ thường gặp nhất với khoảng 80% số ca chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em đều rơi vào mức độ này
- Chỉ số IQ của trẻ dao động từ 50-75
- Trẻ vẫn có thể tham gia học tiểu học
- Tuy nhiên, cần mất nhiều thời gian để dạy trẻ các kỹ năng giao tiếp, đọc viết
- Trẻ vẫn có thể tự lập nếu có sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội
Mức độ trung bình
- Khoảng 10% trẻ bị chậm phát triển trí tuệ ở mức độ trung bình với IQ từ 35-55
- Trẻ có thể học đọc viết, học đêm và tự thực hiện một số công việc cá nhân dưới sự hướng dẫn từ bố mẹ, thầy cô
- Trẻ có thể làm được một số công việc đơn giản
- Trẻ mắc chứng chậm phát triển trí tuệ ở mức độ trung bình thường sống tại các trung tâm cộng đồng dưới sự trông nom của thầy cô, quản lý nơi đây. Trong một số trường hợp gia đình đủ điều kiện và có người trông nom 24/24, trẻ vẫn có thể sống tại nhà
Mức độ nặng
- Có khoảng 3-5% trẻ bị chậm phát triển trí tuệ ở mức độ nặng
- Thông thường, trẻ em thuộc nhóm này sẽ có IQ từ 20-40 và vẫn có thể học được một số kỹ năng chăm sóc bản thân, kỹ năng giao tiếp cơ bản
- Khi lớn, trẻ có thể sống tại nhà tập thể, được trông nom và giám sát 24/24
Mức độ rất nặng
- Trẻ có IQ nằm dưới 25 sẽ được xếp vào nhóm trẻ bị khuyết tật trí não ở mức độ rất nặng
- Hiện nay, thống kê cho thấy có 1-2% trẻ thuộc nhóm này
- Vì bị tổn thương thần kinh nên trẻ luôn cần sự theo dõi, giúp đỡ thường xuyên
- Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể học một số kỹ năng cơ bản với sự hỗ trợ của người lớn
Trẻ bị chậm phát triển trí tuệ phải làm sao?
Chăm sóc trẻ chậm phát triển trí tuệ
Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ, bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện và các cơ quan y tế để được chẩn đoán chính xác nhất. Nếu có kết luận về tình trạng của trẻ, bố mẹ cần chuẩn bị tinh thần đối mặt với các vấn đề như cần phải dành nhiều thời gian hơn cho bé, kiên nhẫn dạy con các kỹ năng sống cơ bản nhất hay thậm chí là phải hỗ trợ con trong toàn bộ các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Hơn nữa, chi phí để nuôi trẻ chậm phát triển trí tuệ cũng thường cao hơn.
Để chăm sóc trẻ bị chậm phát triển trí tuệ, bố mẹ nên:
- Tìm hiểu nhiều thông tin, tư liệu khác nhau để tìm cách chăm sóc phù hợp nhất với trẻ
- Hạn chế tối đa việc la mắng con cái. Thay vào đó, nên động viên nếu trẻ làm chưa tốt để giúp trẻ có động lực thử lại và cố gắng hơn
- Nên khuyến khích trẻ tự độc lập trong sinh hoạt cũng như thử những điều mới trong cuộc sống
- Cho trẻ thử các hoạt động vẽ tranh, múa hát,… để trẻ cải thiện các kỹ năng xã hội của mình
- Chú ý đến các hành vi của trẻ để kịp thời can thiệp, xử lý
- Nên thường xuyên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, khả năng cải thiện của trẻ cũng như nhận lời khuyên từ các chuyên gia, bác sĩ
Các biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh trẻ bị chậm phát triển trí tuệ
Để ngăn ngừa trẻ mắc chứng chậm phát triển trí tuệ, cần:
- Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần tránh sử dụng, tiếp xúc với các chất kích thích và các hóa chất độc hại. Thay vào đó, nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết, nghỉ ngơi đầy đủ, thực hiện khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi.
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, tránh để trẻ mắc các bệnh nguy hiểm làm tổn thương não
- Trông coi trẻ cẩn thận, hạn chế tối đa trẻ té ngã từ trên cao hoặc gặp các chấn thương nguy hiểm ở khu vực vùng đầu của trẻ
- Thường xuyên cho trẻ kiểm tra sức khỏe, thực hiện các bài sàng lọc từ bác sĩ nhi khoa để chắc chắn trẻ không bị suy dinh dưỡng
Trẻ bị chậm phát triển trí tuệ có thể khiến bố mẹ cảm thấy đau lòng, xót xa. Tuy nhiên, đây cũng là lúc chúng ta cần mạnh mẽ hơn để đồng hành cùng con đấy nhé! Hy vọng những chia sẻ từ Tạp chí Mẹ và Con có thể giúp bạn phần nào có thêm kiến thức trong việc nuôi dạy con đúng cách trong trường hợp đặc biệt này.