Mẹ và Con - Trẻ em có hệ miễn dịch non nớt chưa hoàn thiện là đối tượng rất dễ tổn thương trước bệnh cúm mùa. Do đó, bạn không nên chủ quan mà hãy tiêm phòng cúm cho trẻ đầy đủ.

Cúm mùa đôi khi được xem như cảm vặt ở người lớn nên nhiều phụ huynh có phần chủ quan. Thực tế, đối với trẻ nhỏ thì cúm là các bệnh hô hấp nguy hiểm, dễ dàng lây lan thành dịch và có nguy cơ biến chứng nặng. Để bảo vệ con, không gì đơn giản hơn tiêm phòng cúm cho trẻ theo độ tuổi và lịch tiêm khuyến cáo.

Mũi cúm có tác dụng gì?

Mũi cúm là vắc xin phòng ngừa sự tấn công của các chủng virus cúm. Vắc xin bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra các kháng thể tiêu diệt virus giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh cũng như giảm mức độ nghiêm trọng nếu chẳng may trẻ mắc bệnh.

Tiêm phòng cúm cho trẻ là gì

Hiện nay có 4 loại vắc xin cúm sản xuất theo cơ chế bất hoạt đang được sử dụng tại Việt Nam: Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc) và Ivacflu-S (Việt Nam). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các loại vắc xin cúm đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm đến 70-80% tỷ lệ tử vong do cúm.

Có bắt buộc phải tiêm phòng cúm cho trẻ không?

Virus cúm mùa có tốc độ lan truyền cực nhanh và dễ dàng tạo thành dịch bệnh trên diện rộng nếu không ngăn chặn kịp thời. Đối với người lớn, các triệu chứng bệnh thường tự khỏi sau 7-10 ngày nên việc tiêm phòng bị đánh giá thấp.

Riêng với trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch kém nói chung thì tiêm phòng cúm cực kỳ quan trọng. Có thể bạn chưa biết, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương hô hấp, viêm phổi, co giật, nhiễm trùng máu, đột quỵ… và hoàn toàn có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh cúm mùa. Phương pháp chữa trị chỉ là điều trị triệu chứng, nâng cao thể chất và theo dõi để kịp thời can thiệp khi có chuyển biến xấu. Cách phòng tránh đơn giản và dễ dàng nhất vẫn là tiêm ngừa cúm cho con.

Thời điểm bé tiêm phòng cúm an toàn

Do Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nên virus cúm mùa xuất hiện quanh năm. Cha mẹ có thể lưu ý tiêm cho con trước khi vào đỉnh hai mùa cúm hằng năm là tháng 3-4 và tháng 9-10, nhất là vào mùa đông – xuân. Cần lưu ý chủ động tiêm ngừa cúm cho trẻ trước thời điểm đỉnh dịch từ 2-4 tuần để cơ thể kịp sản sinh ra các kháng thể cần thiết.

Lịch tiêm phòng cúm cho trẻ từng độ tuổi chi tiết như sau:

  • Trẻ 6 tháng – 9 tuổi chưa từng tiêm ngừa cúm: Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng. Sau đó, tiêm nhắc lại 1 mũi hàng năm;
  • Trẻ trên 9 tuổi và người lớn: Tiêm 1 mũi 0.5ml, sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hàng năm.

thời điểm tiêm phòng cúm cho trẻ

Các lưu ý khác khi tiêm mũi cúm cho trẻ

Có nên dùng vắc xin phòng cúm dạng xịt không?

Không nên. Bởi vắc xin phòng cúm dạng xịt đã được nghiên cứu chứng minh không có hiệu quả với trẻ dưới 2 tuổi và không thể bảo vệ toàn diện cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Nhìn chung, tiêm phòng cúm vẫn là cách phòng ngừa bệnh hợp lý và hiệu quả nhất hiện nay.

Vì sao cần tiêm nhắc lại cho trẻ?

Nồng độ kháng thể sẽ giảm theo thời gian nên việc tiêm phòng cúm cho trẻ cần nhắc lại hằng năm. Nếu không tiêm nhắc lại thì hiệu quả bảo vệ sẽ giảm cực kỳ nhanh và lúc này trẻ lại đối diện với nguy cơ bệnh nặng.

Hơn nữa, virus cúm cũng biến đổi liên tục từ năm này sang năm khác (thay đổi tính kháng nguyên). Vắc xin cúm mỗi năm cũng được cập nhật để đảm bảo tạo ra kháng thể hiệu quả nhất. Cũng chính vì thế, vắc xin có tác dụng phòng ngừa tốt bệnh cúm năm nay có thể không còn tác dụng trong mùa cúm năm tới. Nếu không kịp thời tiêm phòng để tạo kháng thể mới phù hợp thì khó mà duy trì sự bảo vệ sức khỏe cho bé cao nhất.

Trường hợp nào không nên tiêm phòng cúm cho trẻ?

Vắc xin cúm an toàn với hầu hết mọi người nhưng có các trường hợp chống chỉ định sau:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Trẻ bị dị ứng nghiêm trọng hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin.

Ngoài ra, nếu bé thuộc diện đối tượng sau thì gia đình cũng cần trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi chích ngừa cúm:

  • Dị ứng với trứng: Dị ứng nghiêm trọng (tức bé có triệu chứng dị ứng khác ngoài việc phát ban sau khi tiếp xúc với trứng).
  • Người mắc Hội chứng Guillain-Barré (một căn bệnh liệt nặng, còn được gọi là GBS).
  • Bé có thể trạng quá kém.

Phản ứng phụ khi bé tiêm phòng cúm

Phản ứng phụ thông thường và phổ biến nhất ở cả trẻ em lẫn người lớn khi tiêm phòng cúm là đau ở vết kim tiêm, có thể có quầng đỏ, sưng đau, bầm máu hoặc nốt cứng. Về phản ứng toàn thân, trẻ có thể bị sốt, khó chịu, đổ mồ hôi, đau cơ, run rẩy, đau đầu. Tuy có vẻ nghiêm trọng nhưng bạn chỉ cần theo dõi, không cần quá lo lắng vì các phản ứng tiêm phòng cúm cho trẻ vẫn nằm trong mức thông thường.

Trường hợp bé tiêm phòng cúm và xuất hiện các phản ứng nghiêm trọng sau đây thì phải liên hệ ngay với bác sĩ, bệnh viện gần nhất:

  • Sốt cao, co giật.
  • Trẻ khó thở, thở rít
  • Tụt huyết áp và ngất
  • Nổi mề đay, phù mạch nhanh
  • Đau bụng, buồn nôn hoặc nôn
  • Rối loạn ý thức

Tiêm phòng cúm cho trẻ và tác dụng phụ

Sau tiêm phòng cúm cho trẻ nếu con bị sốt cao, mẹ nên nhanh chóng đưa bé đi khám 

Vắc xin cúm là cách phòng ngừa cúm mùa đơn giản và hiệu quả nhất mà chúng ta có được hiện nay. Việc tiêm phòng cúm cho trẻ nên được thực hiện ngay khi đến lịch tiêm. Đặc biệt là khi nguy cơ nhiễm Covid-19 vẫn luôn tiềm ẩn thì vắc xin cúm mùa là hàng rào bảo vệ quan trọng cho sức khỏe của bé.

Bài viết liên quan