Mẹ&Con – Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là một căn bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của trẻ. Vậy nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là gì? Và cách điều trị như thế nào? Mời mẹ cùng tìm hiểu qua những thông tin trong bài viết sau đây.

Phần lớn nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là do sự tấn công của các loại vi khuẩn như vi khuẩn que ruột già, que biến hình, que khuẩn xanh, cầu biến hình… Bệnh không chỉ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm về máu và viêm não hay viêm màng não, mà còn có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Nhận biết trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu 

Khi bé bị nhiễm trùng máu thường có những triệu chứng sau:

  • Sốt cao trên 38 độ C hoặc nhiệt độ cơ thể xuống thấp dưới 35 độ C;
  • Không có sức ăn hoặc uống sữa;
  • Phản ứng chậm, tiếng khóc yếu;
  • Có thể buồn ngủ hoặc ngủ li bì;
  • Có biểu hiện của suy hô hấp làm bé thở nhanh hoặc khó thở;
  • Có biểu hiện của rối loạn tiêu hóa như nôn, tiêu chảy, căng trướng bụng…;
  • Màu sắc da bất thường như nhợt nhạt, xanh xao…

Nguyên nhân nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Nếu nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh xảy ra trước khi bé chào đời có thể bắt nguồn từ việc mẹ bầu mắc rubella, toxoplasmosis hay bị nhiễm trùng đường tiết niệu… Các loại vi khuẩn gây bệnh này sẽ thông qua nhau thai và gây ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn máu của bé.

Đối với những trường hợp nhiễm trùng máu trong quá trình sinh nở có thể là do bé bị nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm B trong lúc sinh hoặc vỡ ối kéo dài hơn 24 giờ trước khi sinh.

Trường hợp bé bị nhiễm trùng máu sau khi sinh là do vi khuẩn xâm nhập vào máu thông qua niêm mạc da, đường hô hấp, đường tiêu hóa, đường tiết niệu… Ngoài ra, cuống rốn chưa lành của bé không được chăm sóc kỹ càng cũng là một “thủ phạm” dẫn đến nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh.

Cách chăm sóc và điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Tùy từng loại vi khuẩn xâm nhập vào máu của trẻ mà bệnh được xử trí theo nhiều cách khác nhau. Để việc điều trị đạt kết quả cao, bác sĩ sẽ tiến hành làm một số xét nghiệm để xác định loại vi khuẩn tấn công, từ đó chọn ra loại thuốc đặc trị phù hợp với từng loại khuẩn gây bệnh.

Trường hợp trẻ bị nhiễm trùng máu có kèm theo viêm màng não mủ thì thời gian dùng kháng sinh đặc trị có thể kéo dài ít nhất 3 tuần. Song song với việc điều trị, các bác sĩ còn khắc phục các triệu chứng đi kèm khác như mất nước, nôn ói, co giật.

Việc chữa trị nhiễm trùng máu không đơn giản. Trẻ bị nhiễm trùng máu cần điều trị tích cực, nhiều trường hợp phải lọc máu. Do đó, trẻ sơ sinh mắc căn bệnh này rất cần sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa để phát hiện kịp thời những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Phòng chống nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Để ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này, ngay từ khi mang thai, mẹ đã cần có những biện pháp bảo vệ như tránh để bản thân mắc các loại bệnh viêm nhiễm hay những bệnh phụ khoa. Ngoài ra, trong thai kỳ, mẹ cũng nên thường xuyên tái khám định kì, tránh xa môi trường ô nhiễm. Sau khi sinh, mẹ theo dõi thường xuyên các biểu hiện của trẻ để kịp thời phát hiện bệnh để nhanh chóng can thiệp tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Đặc biệt, khi chăm sóc trẻ, nhất là trước khi vệ sinh rốn cho bé, mẹ cần rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thật sạch.

Bài viết liên quan