Mẹ&Con - Khi thấy bé yêu bất ngờ xuất hiện những mảng mề đay trên làn da non nớt, bất kỳ bà mẹ nào cũng cảm thấy lo lắng. Mề đay làm bé ngứa, khó chịu, quấy khóc. Nhưng quan trọng hơn, nó làm mẹ băn khoăn lo không biết bé bị dị ứng gì, gan có làm sao không, bé có bị giun hay bất thường nào khác của cơ thể không. Mách mẹ bí quyết ngăn ngừa và điều trị nám da hiệu quả Hướng dẫn chăm sóc và điều trị khi con bị mụn nhọt Cẩn thận vết cắt da

Tự dưng… mề đay nổi?

Trong những lá thư bạn đọc gửi về thắc mắc, bác sĩ vẫn thường nhận được những tâm tư đầy lo lắng, kiểu như: “Con trai tôi mới được hơn 5 tuổi. Không hiểu sao cứ buổi sáng bé bình thường, nhưng đến chiều lại bị dị ứng nổi mề đay ngứa ngáy. Tôi đã kiêng đủ thứ thức ăn nhưng vẫn không được…”, “Sao trẻ nhỏ mà cũng bị nổi mề đay thế bác sĩ ơi? Làm cách nào cho bé bây giờ ạ? Tôi nên đưa bé đi khám ở đâu?”.

Trước hết, bác sĩ phải nói rằng một số trẻ dễ bị mề đay hơn những trẻ khác, dù cách thức chăm sóc của các bà mẹ (thậm chí môi trường sống) có thể hoàn toàn giống nhau. Nguyên nhân là cơ địa của mỗi trẻ mỗi khác, và nếu trẻ sinh ra trong gia đình có nhiều người bị dị ứng thì nguy cơ trẻ bị mề đay, dị ứng cũng sẽ khá cao. Một yếu tố khác thường dẫn đến việc nổi mề đay là thời tiết. Tại các bệnh viện, bác sĩ đã từng phát hiện nhiều trẻ có tiền sử nổi mề đay theo thời tiết, cứ hễ trời lạnh là nổi đầy cơ thể những mảng màu đỏ, tập trung nhiều ở bụng, đùi, cổ, tay…

Dị ứng nổi mề đay: không phải là “chuyện nhỏ” 5

Mề đay do dị ứng thời tiết như thế này thường có diễn tiến bình thường, không nguy hiểm. Chúng chỉ gây khó chịu, ngứa ngáy cho bé mà thôi. Cho đến nay, thật ra vẫn chưa có biện pháp nào thật hữu hiệu để trị dứt điểm hoàn toàn khỏi mề đay do dị ứng thời tiết. Khi bé “bị”, cách duy nhất của mẹ là chăm sóc cho bé, sử dụng vài biện pháp giúp bé đỡ ngứa, không cào gãi gây trầy xước da.

Cũng xin nhắc mẹ thêm, da trẻ nhỏ còn rất non nớt, mong manh. Do đó, một số loại sữa tắm, xà phòng tắm, các loại bột giặt hoặc nước xả dùng để giặt xả quần áo, một số loại hóa chất dùng để nhuộm, in màu quần áo… nói chung là tất cả những hóa chất trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp xúc với làn da của bé đều có thể là nguyên nhân dẫn đến việc nổi mề đay. Chẳng hạn, nhiều mẹ không để ý, cứ giặt quần áo của bé chung với người lớn. Một thời gian, con bị nổi mề đay. Mẹ kiêng cữ đủ món nhưng vẫn không khỏi, trong khi lại quên để ý rằng chính những chất tẩy quá mạnh trong bột giặt dùng cho người lớn có khả năng bám lại trên quần áo, dẫn đến tình trạng dị ứng cho con mình.

Hỏi nhanh bác sĩ

Chăm sóc cho bé có da nhạy cảm

H: Bé nhà tôi được 5 tuổi. Da của bé rất dễ bị dị ứng, mẩn đỏ, ngứa, nổi mề đay… Kính nhờ bác sĩ hướng dẫn giúp tôi cách để có thể chăm sóc tốt cho làn da của những bé hơi hơi “nhạy cảm” quá thế này.

Đ: Những bé có làn da nhạy cảm là khi da bé phản ứng rất mạnh với một số yếu tố như: thời tiết thay đổi (trở lạnh, tiếp xúc nhiều với gió), sự ma sát… Bé sẽ thấy ngứa, đau, da dễ nổi đỏ, căng kéo, có cảm giác như kim châm. Để chăm sóc tốt cho những bé có làn da “đặc biệt” thế này, bạn phải thật cẩn thận khi chọn mọi sản phẩm vệ sinh dành cho bé (dầu gội, sữa tắm, xà phòng, bột giặt, nước xả vải…); hạn chế cho bé tắm ở bể bơi, sông hồ (những nơi không đảm bảo nguồn nước đủ sạch); vải vóc nên chọn loại thật mềm mại, thấm hút tốt, đủ rộng rãi thoải mái chứ đừng ôm sát vì sẽ dễ tạo ma sát lên da.

Môi trường sống của bé cũng cần hạn chế tiếp xúc các yếu tố gây phản ứng mạnh với da, ví dụ như nên kín gió, hạn chế đưa bé ra ngoài khi trời lạnh bất thường. Khi đưa bé ra ngoài trời, cần bảo vệ làn da bằng quần áo, nón mũ, kem chống nắng (nếu cần). Để ý kỹ những món ăn, những sản phẩm có thể gây dị ứng để tránh lần sau đừng dùng cho bé. Tránh để bé mặc các chất liệu thường gây dễ ngứa như len.

Dị ứng nổi mề đay: không phải là “chuyện nhỏ” 6

Mẹ biết chưa?

Mề đay thường biểu hiện là sẩn phù, kích thước từ vài mm đến vài cm, sẩn màu hồng hoặc màu da, giới hạn rõ, thường ngứa. Thương tổn xuất hiện trong vài giờ hoặc nhiều giờ, sau đó lặn đi không để lại vết tích và rồi lại mọc trở lại.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh này như: Thức ăn (cá, đồ biển, sữa bò, bơ, bột mì, các gia vị, chất bảo quản có trong thức ăn), đây là nguyên nhân thường thấy ở trẻ em, chiếm 62%; Thuốc (Penicillin, Aspirin, sulfonamide, morphine, codeine, polymyxin, dextran, quinine); Nhiễm trùng (xoang, răng, túi mật, tiết niệu, vi-rút, nấm, ký sinh trùng…); Dị ứng nguyên không khí (phấn hoa, nấm mốc, bụi nhà, hóa chất dễ bay hơi như nước hoa, nước xịt phòng); Yếu tố vật lý (ánh nắng, lạnh, nóng, rung…); Tiếp xúc (thực vật, côn trùng, mỹ phẩm, hóa chất…); Di truyền (có liên quan đến yếu tố gia đình, cơ địa dị ứng); Các nguyên nhân khác: liên quan bệnh lý nội khoa, bệnh lý da…

Bố mẹ cùng mắc bệnh dị ứng thì con có nguy cơ 50-80%; bố hoặc mẹ bị dị ứng, nguy cơ ở con là 20-40%. Ngoài ra, nếu bố bị viêm mũi dị ứng, mẹ bị nổi mề đay khi ăn hải sản thì trên 50% con cái sẽ mắc các bệnh dị ứng.

 

Làm sao để ngăn ngừa?

H: Hai vợ chồng tôi đều hay bị dị ứng, dễ nổi mề đay. Con tôi hiện nay 8 tháng tuổi. Tôi muốn cẩn thận đề phòng từ thật sớm để tránh cho bé được lúc nào hay lúc ấy. Mong bác sĩ hướng dẫn.

Đ: Nếu trẻ ở trong nhóm có nguy cơ cao (di truyền từ bố mẹ), bạn nên sử dụng cách phòng ngừa dị ứng sớm qua chế độ ăn như: Cho con bú mẹ hoàn toàn ít nhất 6 tháng, loại bỏ các dị nguyên thức ăn trong chế độ ăn của mẹ. Khi bé ngưng sữa mẹ, nên sử dụng các sữa công thức giảm tính dị ứng (đạm thủy phân một phần hoặc toàn phần). Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi. Khi trẻ ăn dặm nên làm quen dần với mỗi loại thức ăn một tuần để theo dõi, phát hiện và tránh các loại thức ăn gây dị ứng; không nên cho trẻ ăn các loại hải sản (tôm, cua, sò điệp khô và tươi) trước 1- 2 tuổi.

Dị ứng nổi mề đay: không phải là “chuyện nhỏ” 7

“Trị”: Cần tìm đúng nguyên nhân!

Về cơ bản, như đã nói ở phần trên, mề đay có… quá nhiều nguyên nhân dẫn đến. Do đó, sự phức tạp trong ngăn ngừa, phòng trừ, chữa trị cho bé chính là ở chỗ cần xác định cho đúng bé dị ứng vì cái gì. Ở trẻ nhỏ, mề đay thường do những nguyên nhân như dị ứng với thức ăn, dị ứng các tác nhân trong không khí như bụi bặm trong nhà, phấn hoa… Cũng cần lưu ý thêm đến khả năng bé di truyền từ bố mẹ, nếu như bố mẹ cũng dễ bị nổi mề đay.

Nhiều bé được đưa đến bệnh viện với tình trạng nổi đầy mề đay, bác sĩ cho thuốc, uống vào thì khỏi, song về nhà ít hôm lại… tiếp tục tái diễn cảnh ấy. Mẹ trách bác sĩ sao cho thuốc chỉ dứt được phần “ngọn”, nhưng thật ra, những thuốc này chỉ có thể điều trị triệu chứng (tức là chỉ giúp bé làm giảm cơn ngứa thời điểm đó), còn muốn trị phần “gốc”, bắt buộc phải mất cả quá trình daì nhằm xác định nguyên nhân.

Mẹ cần đặc biệt lưu ý, ở tuổi mới ăn dặm hoặc dưới 5 tuổi, trẻ rất dễ bị dị ứng với trứng gà, sữa bò tươi, sữa đậu nành, tôm cua cá… Một số nghiên cứu cho thấy đến khoảng 4% trẻ nhỏ bị dị ứng thức ăn, đưa đến nổi mề đay, mẩn ngứa. Tuy nhiên, may mắn là tỷ lệ này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên. Mẹ cần lưu ý không nên cho trẻ ăn những thức ăn “lạ” khi trẻ còn quá nhỏ.

Nguyên tắc điều trị dị ứng là phát hiện nguyên nhân và tránh tiếp xúc. Điều này nghĩa là mẹ cần để ý đến từng thay đổi nhỏ nhất của bé, nếu thấy con bị dị ứng cần ghi lại những thức ăn của con, kiểm tra nhiệt độ, áo quần… Nếu lần sau tình trạng lặp lại, bạn cần đối chiếu để phát hiện ra sự trùng khớp của một số tác nhân. Trường hợp bé dị ứng thức ăn, nên ngưng trong vòng 6 tháng, sau đó mới thử lại với liều lượng thật ít. Bé không dị ứng thì lần sau tăng nhẹ lượng lên dần. Nếu bé vẫn bị dị ứng, bạn nên đề phòng và loại trừ các món này ra. Nhớ ghi vào sổ liên lạc để báo với cô giáo khi bé đi học nhà trẻ hay mẫu giáo.

Điều cuối cùng chia sẻ với mẹ là mề đay được chia ra thành hai dạng. Mề đay cấp tính là bệnh biểu hiện đột ngột ở bất cứ vùng nào trên cơ thể làm cho da sần, phù nề, ngứa dữ dội. Cơn xảy ra trong vài phút hoặc vài giờ rồi lặn hoặc có thể từng đợt kế tiếp nhau. Trong cơn mề đay cấp có thể kèm theo sốt cao, nôn mửa, đau quặn bụng, khó thở… Mề đay mãn tính là tình trạng nổi mề đay kéo dài trên 8 tuần, không kể nhiều hay ít, có khi ngắt quãng nhiều ngày, có thể gặp các dạng khác nhau. Khi bé nổi mề đay kèm theo những biểu hiện bất thường, bạn nên đưa bé đến bác sĩ chứ đừng tự ý bôi các loại thuốc, dầu gió lên da bé nhằm mong cho bé bớt ngứa. Không được tự ý chữa trị bằng những phương pháp dân gian vì chúng có thể gây nên các tác dụng phụ và ảnh hưởng nhiều hơn đến sức khỏe cũng như làn da mỏng manh của bé. 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Ngọc Đoan (Chuyên khoa Nhi – BV Đa Khoa Quận 7)

 

Tags:

Bài viết liên quan