Mẹ và Con - Nếu trẻ bị sốt cao co giật nhưng không được xử trí đúng cách có thể dẫn đến dịch chảy ngược vào phổi, thiếu oxy não gây khó thở, tắc thở. Vậy nếu thấy trẻ sốt cao và có biểu hiện co giật thì cần làm gì?

Hiện tượng sốt cao co giật diễn ra khi trẻ tăng thân nhiệt đột ngột trên 38 độ C và có đi kèm với biểu hiện co giật khiến bố mẹ không khỏi lo lắng. Hiện nay, hiện tượng sốt cao co giật vô cùng phổ biến ở trẻ nhỏ. Do đó, bố mẹ cần bỏ túi các bí quyết xử trí và chăm sóc con tốt nhất trong tình huống này. 

Như thế nào được xem là sốt cao co giật?

Hiện tượng sốt cao co giật là những cơn co giật xuất hiện sau khi thân nhiệt trẻ tăng cao trên 38 độ C mà không phải do các bệnh nền gây co giật, chẳng hạn như rối loạn điện giải, chấn thương, bệnh lý thần kinh trung ương, động kinh,… 

trẻ bị sốt cao co giật

Trẻ sốt càng cao thì càng có khả năng bị co giật. Tuy nhiên, không phải trẻ nào sốt cũng co giật mà còn tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh của trẻ. 

Sốt co giật thường không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như sốt cao co giật kéo dài quá 24 giờ hoặc trẻ bị co giật, mê man mất ý thức, cứng cổ,…. Một số trường hợp co giật phức tạp sẽ cần thực hiện đo điện não đồ, chụp cắt lớp não bộ hoặc chọc dò tuỷ sống để có thể tìm ra nguyên nhân và chẩn đoán chính xác bệnh.

Độ tuổi

Thông thường, trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi là nhóm đối tượng dễ bị sốt cao co giật nhất do giai đoạn này não của trẻ chưa được hoàn thiện. Não bộ sẽ nhạy cảm hơn nếu nhiệt độ thay đổi đột ngột. 

Các thống kê cho thấy, có khoảng 4% trẻ em trong độ tuổi dưới 5 tuổi bị sốt cao co giật. Trong đó, 30% trẻ em sẽ bị tái phát sau cơn sốt kèm biểu hiện co giật đầu tiên. 

điều trị sốt cao co giật

Nguyên nhân sốt cao co giật ở trẻ em

Trước tiên, cần hiểu rằng sốt là một phản ứng rất bình thường, do cơ thể đặt lại ở nhiệt độ cao hơn để đáp ứng với sự nhiễm trùng của cơ thể. Các trường hợp trẻ bị sốt thường là do bé mọc răng, chích ngừa, nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng,…

Những cơn sốt thường nhẹ, nhanh khỏi và không gây nguy hiểm nên bố mẹ không cần phải quá lo lắng. Còn nếu trẻ sốt cao thì sẽ đi kèm với các phản ứng khác như đau nhức toàn thân, mệt mỏi, đau họng, ho, phát ban,… và co giật.

Dấu hiệu trẻ bị co giật do sốt cần sơ cứu ngay

Khi trẻ bị co giật, sốt cao, bố mẹ cần quan sát trẻ. Nếu con có các dấu hiệu sau đây thì cần đưa con đi cấp cứu càng sớm càng tốt:

  • Cơn co giật khiến trẻ mất ý thức.
  • Tay chân trẻ giật liên tục và mất tự chủ.
  • Có hiện tượng sùi bọt mép, hai hàm răng cắn chặt.
  • Trẻ bị ngừng thở trong vài giây.
  • Nôn ói, tiểu tiện không tự chủ.
  • Toàn thân co cứng hoặc co giật liên tục.

trẻ bị sốt cao co giật

Cách xử trí sốt cao co giật ở trẻ em

Khi trẻ bị sốt cao, hiện tượng co giật sẽ lặp lại mỗi vài giờ một lần. Lúc này, trẻ bắt đầu mất tự chủ, cắn răng vào môi và lưỡi gây chảy máu. Do đó, việc xử trí kịp thời và đúng cách đặc biệt quan trọng để tránh những chuyển biến xấu có thể xảy ra ở trẻ.

Nên làm gì khi trẻ bị sốt co giật?

Khi thấy con bị sốt cao co giật, nên: 

  • Để trẻ nằm nghiêng một bên, hạn chế cho đầu gập xuống để dễ thở
  • Nới lỏng, cởi bỏ bớt quần áo
  • Không đắp mền cho trẻ
  • Cho trẻ nằm ở nơi sạch sẽ thoáng mát
  • Nếu trẻ sốt cao trên 38 độ C thì đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn của trẻ. Dựa vào cân nặng để xác định lượng thuốc hạ sốt cần dùng (10 – 15mg/kg/lần).
  • Lấy khăn sạch nhúng vào nước ấm để chườm vào nách, háng và vị trí sau mang tai của trẻ. Thay khăn liên tục để giúp cách hạ sốt cho trẻ này được hiệu quả hơn.
  • Lấy khăn mềm, gạc sạch để đặt giữa 2 hàm răng. Như vậy khi co giật trẻ không bị cắn vào lưỡi.
  • Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ có thể kịp thời can thiệp.

Không nên làm gì khi thấy trẻ sốt kèm biểu hiện co giật

Nếu thấy trẻ sốt kèm theo biểu hiện co giật, bố mẹ không nên cho trẻ ăn hoặc uống bất cứ điều gì. Thậm chí không cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay lúc này vì có thể gây sặc hoặc khó thở.

Không cậy răng của trẻ và không cho tay vào miệng trẻ để tránh trẻ cắn vào tay gây chảy máu hoặc lây lan vi khuẩn vào trong khoang miệng của trẻ.

Không chườm nước đá hoặc dùng cồn để lau mát. Bên cạnh đó, cần lưu ý không kìm lại cơn co giật của trẻ vì có thể gây chấn thương dây chằng, gãy xương, trật khớp,…

sốt cao co giật ở trẻ em

Cách phòng tránh cơn co giật khi trẻ bị sốt

Các trường hợp sốt cao có thể gây co giật, đặc biệt là trong trường hợp trẻ từng bị sốt co giật trước đây thì bệnh rất dễ tái phát. Do đó, quan trọng là phòng ngừa việc co giật khi sốt bằng một số cách sau: 

  • Đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt không hạ sau khi uống thuốc hạ sốt.
  • Cho trẻ dùng thức ăn lỏng, dễ tiêu.
  • Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều sữa hơn để tránh mất nước.
  • Mặc quần áo mỏng, không đắp chăn kín người hay cố gắng ủ ấm cho trẻ.
  • Cố gắng chườm mát khi trẻ lên cơn sốt.
  • Cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, ăn đa dạng nguồn thực phẩm.

Sốt cao co giật nếu xử trí đúng cách sẽ không để lại biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ. Vì thế, khi con sốt, bố mẹ nên chú ý quan sát con và có cách phòng ngừa hợp lý để tránh cơn sốt kèm theo co giật. Còn nếu trẻ bị sốt cao co giật, bố mẹ có thể áp dụng cách xử lý như Mẹ và Con bật mí bạn nhé!

Bài viết liên quan